Các tuyến đường tới nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 đều kẹt xe kéo dài nhiều thời điểm. Đồ họa: Nhân Lê. |
Vòng xoay Mỹ Thủy là nút giao cắt giữa đường Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống. Đây là điểm xung đột giữa dòng xe lưu thông từ các tỉnh miền Tây đi Đông Nam Bộ và ngược lại, cùng dòng xe nối trung tâm TP.HCM ra vào cảng Cát Lái nên mật độ rất lớn.
Thêm vào đó, công trình hầm chui nút giao Mỹ Thủy (đang thi công để giải quyết nạn ùn tắc ở khu vực này) đã tạo nút cổ chai tại đây, làm hạn chế làn đường lưu thông ra vào cảng Cát Lái nên dẫn đến tình trạng kẹt xe thêm trầm trọng dịp cuối năm.
Doanh nghiệp 'ngồi trên đống lửa'
Với nhiều tài xế xe đầu kéo container chạy tuyến Cát Lái, họ “than trời” khi phải chịu cảnh kẹt xe thường xuyên, không kịp xoay vòng, bị giảm thu nhập. “Hàng hóa dịp cuối năm nhiều, tranh thủ chạy xoay tài để kiếm thêm tiền về quê ăn Tết nhưng cứ kẹt xe thế này thì công tài còn ít hơn ngày thường. Nghe thì nghịch lý nhưng đó là sự thật đối với cánh tài xế container chạy tuyến Cát Lái những ngày giáp Tết”, anh Nguyễn Văn Thường (quận 7, TP.HCM) cho biết.
Anh Thường cho biết cuối năm hàng hóa tăng mạnh, nhưng đường ra vào cảng Cát Lái liên tục kẹt thế này chỉ biết ngồi trên cabin mà "khóc ròng". Nhiều tài xế phải tạm ngưng nhận chạy xe đầu kéo container ra vào cảng Cát Lái và chuyển qua chạy xe khách, du lịch trong những ngày cuối năm, để tránh kẹt xe, tăng thu nhập hoặc chuyển qua chạy hàng tuyến miền Tây.
Kẹt xe kéo dài khiến tài xế xe đầu kéo container, xe tải mệt mỏi, giảm chuyến dịp cuối năm. Ảnh: Lê Quân. |
Không chỉ cánh tài xế “khóc ròng” vì thu nhập giảm, các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng là những người như đang “ngồi trên đống lửa”. Những doanh nghiệp này là đơn vị bị thiệt hại nặng nề do nạn kẹt xe ở khu vực Cát Lái.
Theo thống kê, mỗi ngày có 20.000-26.000 lượt xe đầu kéo container ra vào cảng Cát Lái. Mặc dù chưa có con số thiệt hại cụ thể, mỗi khi xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài 6-7 giờ trên tuyến Đồng Văn Cống hay khu vực Mỹ Thủy, tổn thất về phí vận hành, hàng hóa đông lạnh, xoay vòng tài, lượng hàng vận chuyển là vô cùng lớn.
Ông Đặng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty vận tải Thiên Anh (quận 4, TP.HCM), cho biết anh đang có 10 đầu container chuyên chở hàng hóa ra vào cảng Cát Lái. Cuối năm, công ty của ông Tuấn có rất nhiều hợp đồng vận chuyển với các chủ hàng nhưng tình trạng kẹt xe kéo dài trên đường Vành đai 2 (Võ Chí Công) khiến doanh nghiệp xoay tài chậm, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của đối tác.
“Kẹt xe ở các tuyến đường cửa ngõ Cát Lái ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp vận tải. Thường ngày, mỗi đầu xe có thể ra vào cảng Cát Lái 2-3 lần thì dịp cuối năm chỉ 1 lượt cũng khó khăn. Kẹt xe cũng khiến chủ hàng lo lắng vì chậm giao dịch, đặc biệt là hàng đông lạnh”, ông Đặng Anh Tuấn nói.
Còn ông Lâm Đại Vinh, Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, bức xúc: "Kẹt xe ở nút giao Mỹ Thủy xảy ra liên tục trong năm nay. Xe không chạy được do ùn tắc nhưng vẫn phải nổ máy nên phát sinh chi phí về xăng dầu bên cạnh các rủi ro về hàng hóa. Chưa kể, kẹt xe còn khiến doanh nghiệp giao hàng trễ hẹn, mất uy tín".
Lập tổ phản ứng nhanh
Chia sẻ về câu chuyện đau đầu của doanh nghiệp vận tải hàng hóa qua Cát Lái, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, thừa nhận hạ tầng giao thông chưa tốt dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài khu vực Cát Lái, khiến hàng trăm doanh nghiệp vận tải TP.HCM thiệt hại nặng nề.
"Mặc dù chưa có con số thiệt hại cụ thể nhưng cứ ước tính lượng container ra vào cảng hơn 22.000 lượt/ngày bị chậm, mất thời gian đứng chờ thì tiền công tài xế, hao tổn hàng hóa, giao dịch, xăng dầu... là vô cùng lớn", ông Quản nói.
Hàng ngày có khoảng từ 20.000 đến 26.000 lượt xe đầu kéo container, xe tải ra vào cảng Cát Lái. Ảnh: Lê Quân. |
Cũng theo ông Quản, cuối năm 2017, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đã có kiến nghị gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM về giải pháp giảm kẹt xe, ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái.
Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, đơn vị đã kiến nghị Sở GTVT sớm đẩy nhanh tiến độ các công trình, có phương án điều phối giao thông để hạn chế ùn tắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải phục vụ vận chuyển hàng hóa Tết Mậu Tuất qua cảng Cát Lái.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận các dự án đang thi công và nhiều dự án chậm tiến độ khiến tình hình giao thông qua khu vực Cát Lái, Mỹ Thủy thêm khó khăn.
Trong số các dự án có thể kể đến như: Cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt trên đường Vành đai 2 và hầm chui rẽ trái Vành đai 2 đi cảng Cát Lái, cùng các tuyến đường lân cận Vành đai 2, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ. Ngoài ra, đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cảng Phú Hữu kéo dài đến vòng xoay Vành đai 2) hiện chưa được mở rộng, khiến tình hình giao thông ở cả khu vực rất phức tạp.
Theo Sở GTVT, UBND TP.HCM đã chỉ đạo thành lập một tổ liên ngành để giải quyết kẹt xe khu vực cảng Cát Lái. Cụ thể là thành lập tổ phản ứng nhanh, gồm các thành viên như: CSGT TP.HCM, Công an quận 2, Thanh tra giao thông...
Tổ phản ứng nhanh sẽ xử lý những trường hợp dừng đỗ sai quy định trên các tuyến đường ra vào cảng, đồng thời tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại khu vực nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy và đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.