Thị trường điện ảnh Việt 4 tháng đầu năm 2024 biến động như đồ thị hình sin, với điểm cực đại (đỉnh cao nhất) là Mai của Trấn Thành, doanh thu hơn 550 tỷ đồng. Tiếp đó, loạt phim Việt nối đuôi nhau trình làng nhưng không được khán giả đón nhận.
Đóa hoa mong manh của Mai Thu Huyền là điểm cực tiểu (thấp nhất) của biểu đồ nói trên. Ra rạp từ ngày 12/4 đến nay, phim chỉ mang về hơn 300 triệu đồng, đối diện với nguy cơ lỗ rất nặng. Trước đó, Sáng đèn, Quý cô thừa kế 2, Trà… chung tình cảnh. Thậm chí, Trà của Lê Hoàng sau khi rút vào dịp Tết nguyên đán, chưa công bố lịch trở lại rạp.
Thị trường điện ảnh Việt ngày càng khắc nghiệt. Khoảng cách giữa phim thắng doanh thu và thất bại chênh lệch rất lớn. Sự sôi động, phong phú về “đầu phim” không phải bảo chứng cho sự đi lên của điện ảnh Việt. Khán giả vẫn ủng hộ phim nội địa song họ khước từ với những tác phẩm có chất lượng dưới mức trung bình.
'Đóa hoa mong manh' đối diện nguy cơ lỗ rất nặng
Vài ngày qua, câu chuyện đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền lên tiếng “tố” Đóa hoa mong manh bị nhà rạp chèn ép, ít suất chiếu dẫn đến doanh thu thấp, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn lẫn khán giả.
Trong bài phỏng vấn trên Tri thức - Znews, Mai Thu Huyền nói cô sốc, bất ngờ với lịch chiếu của bộ phim trong những ngày mở màn. Tại các hệ thống rạp, ngoại trừ BHD (đối tác phát hành), Đóa hoa mong manh đều có tỷ lệ suất chiếu thấp đến mức khó tin.
Đóa hoa mong manh đối diện nguy cơ lỗ rất nặng. |
Phim phát hành ở gần 200 cụm rạp trên toàn quốc song lượng vé bán ra ít ỏi (32 vé) và chỉ có 134 suất chiếu (ngày 19/4, theo thống kê của Box Office Vietnam). Doanh thu hiện tại của Đóa hoa mong manh hơn 300 triệu đồng sau gần một tuần công chiếu. Tác phẩm mới nhất của Mai Thu Huyền đối diện nguy cơ lỗ rất nặng. Nữ đạo diễn cho biết do phim quay hoàn toàn ở Mỹ, đầu tư lớn, cần hàng trăm tỷ đồng để hòa vốn.
Nếu theo chia sẻ của Mai Thu Huyền, Đóa hoa mong manh có thể là một trong những phim Việt lỗ nặng nhất trong lịch sử điện ảnh Việt.
Sự bức xúc của đạo diễn khi bỏ ra số tiền lớn để đưa một bộ phim ra rạp nhưng doanh thu thấp là điều có thể thông cảm. Song việc phim thất bại, đạo diễn quay ra đổ lỗi cho nhà rạp là “văn hóa xấu xí” cần phải loại bỏ. Thậm chí, trong một vài dự án điện ảnh gần đây, tình trạng nhà sản xuất lên tiếng tố nhà rạp chèn ép cũng xảy ra không ít. Họ xem đây như một chiêu trò để truyền thông, PR, câu kéo khán giả. Nhưng kết quả nhận về vẫn là sự quay lưng của người yêu phim.
Sau mỗi thất bại, các nhà làm phim nên bình tĩnh, nhìn nhận về nguyên nhân khiến tác phẩm không được đón nhận và tự rút ra những bài học cho mình. Thành bại trong điện ảnh đến từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm.
Trước Mai Thu Huyền, đạo diễn Hoàng Duy cũng “nếm trái đắng” khi phần hai của Quý cô thừa kế tiếp tục thất thu phòng vé. Bộ phim chỉ thu về 6,4 tỷ đồng, trong khi cần 40 tỷ đồng để hòa vốn. Đối diện với nguy cơ lỗ nặng, Hoàng Duy xoay xở bằng cách tìm những đầu ra mới cho dự án như phát hành ở một số quốc gia khác hay bán phim cho nền tảng xem phim trực tuyến.
Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) sau hai lần trình chiếu cũng chỉ thu hơn 3 tỷ đồng. Hay Trà (Lê Hoàng) đạt 1,6 tỷ đồng sau khi rút khỏi hệ thống rạp vào dịp Tết Nguyên đán. Tác phẩm có thể đối diện tình trạng “một đi không trở lại”.
Hạn chế của phim Việt
Hiện tại, hai bộ phim Việt chính thức công chiếu vào ngày 19/4 là B4S - Trước giờ yêu (Phan Gia Nhật Linh, Tùng Leo, Michael Thái và Huỳnh Anh Duy) và Cái giá của hạnh phúc (Nguyễn Ngọc Lâm).
B4S - Trước giờ yêu dao động hơn 900 suất với khoảng 1.100 vé bán ra (ngày 19/4). Bộ phim đề cập chủ đề tình yêu - tình dục của giới trẻ. Song kịch bản chỉ khai thác vấn đề ở bề mặt, chưa tạo được những nút thắt cần thiết để dẫn dắt, thuyết phục khán giả.
B4S - Trước giờ yêu còn bộc lộ nhiều hạn chế về kịch bản và diễn xuất của dàn cast. |
Câu chuyện được dàn trải 3 tuyến truyện với 3 cặp đôi. Tuy nhiên, chất lượng của các tuyến chưa đồng đều. Việc nhiều đạo diễn cầm trịch một dự án cũng có thể là nguyên nhân khiến tác phẩm trở nên rời rạc, lộn xộn, thiếu liên kết.
Thoại phim hời hợt, không làm nổi bật cá tính nhân vật, đôi khi sến sẩm và đậm chất kịch. Diễn xuất của dàn cast như Khánh Vân, Tôn Kinh Lâm đều nhạt nhẽo, gây thất vọng. Thông điệp phim có phần cũ kỹ, cho thấy nhà làm phim không bám sát đời sống, tư duy về tình yêu, tình dục của giới trẻ hiện đại.
Thái Hòa là điểm sáng trong phim Cái giá của hạnh phúc. |
Cái giá của hạnh phúc đang có hơn 2.200 suất chiếu/ngày, thu 3,7 tỷ đồng, dẫn đầu phòng vé trong ngày 19/4. Bộ phim đầu tay của Nguyễn Ngọc Lâm được đầu tư khá chỉn chu, với sự góp mặt của Thái Hòa, "bảo chứng diễn xuất" của màn ảnh Việt. Song đề tài cùng cách khai thác câu chuyện của Cái giá của hạnh phúc còn thiếu sự mới mẻ, đôi khi lạm dụng bi kịch, khiến người xem mệt mỏi.
Hiện tại, người yêu phim Việt đang đổ dồn sự quan tâm vào dịp 30/4 khi Lật mặt 7 của Lý Hải trình làng. Tác phẩm khai thác chủ đề tình mẫu tử nhẹ nhàng, phù hợp với thị hiếu khán giả đại chúng, nhất là trong kỳ nghỉ lễ dài ngày. Đặc biệt, sau gần một thập kỷ tạo dựng thương hiệu Lật mặt, Lý Hải ngày càng chứng minh được tài năng, tầm ảnh hưởng và sức hút tại thị trường điện ảnh Việt.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.