Con dê “cổ” đậm ý nghĩa phồn thực
Ở nước ta, cùng với gà, lợn, trâu, chó và ngựa, dê là một trong 6 con vật được người Việt thuần dưỡng từ rất sớm và rất gần gũi với đời sống con người. Từ xa xưa, trong văn hóa phương Đông, dê đại diện cho địa chi Mùi, một chi quan trọng mang ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc.
Nó luôn mang ý nghĩa biểu tượng cao và có giá trị tinh thần phong phú. Con dê biểu tượng cho sức sống và sự sinh sôi phồn thịnh… Con dê đực biểu tượng cho mãnh lực sinh sôi nảy nở. Dê cái lại biểu tưởng cho tính ôn hòa, thuần hậu và nhanh trí… Đối với góc độ tâm linh, dê cùng với trâu và lợn là 3 con vật hay dùng để cúng tế, tục gọi là lễ tam sinh.
Bức tranh “bịt mắt bắt dê”. |
Mang nhiều ý nghĩa như thế nhưng theo ông Nguyễn Đăng Chế - một trong số ít nghệ nhân còn lại của làng tranh Đông Hồ - thì con dê được vẽ trong dòng tranh này không nhiều. Nổi tiếng và đặc sắc nhất là bức tranh “Bịt mắt bắt dê”. Đây là một trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các ngày hội đầu xuân.
Cho chúng tôi xem bức tranh “ngộ nghĩnh” này, ông Chế vui vẻ giải thích, con dê thường gắn với lễ hội đầu năm nên rất vui tươi. Xưa kia, trong mỗi lần lễ hội, trò chơi này không thể thiếu và thường cuốn hút người xem nhất. Trong bức tranh cổ này, hình ảnh nổi bật là “đấu trường” gồm một người nam, một nữ và một con dê đực, tất cả đều bịt mắt.
Cả ba đều khoác áo tơi, đeo lục lạc (người ở chân, dê ở cổ) nên phát ra những âm thanh giống nhau khi chạy nhảy, khiến hai người khó phân biệt nổi, nhiều lúc không bắt được dê mà lại… ôm nhầm phải nhau, gây tiếng cười sảng khoái, thích thú cho khán giả.Không chỉ tái hiện hình ảnh một trò chơi dân gian vui nhộn, bức tranh về con dê này còn thể hiện khát vọng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của người xưa. Nhất là ở khía cạnh phồn thực.
Con dê vốn được coi là loài vật có sức sinh sôi mãnh liệt, ở đây lại là vẽ một nam một nữ biểu tượng cho âm dương hòa hợp, cầu mong một năm mới mọi thứ cũng nảy nở, ấm no như vậy. Thời kỳ trước đây, cứ mỗi độ tết đến xuân về bức tranh “Bịt mắt bắt dê” cũng thường được người chơi mua về để cầu mong một năm thịnh vượng, làm ăn phát đạt.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả giới thiệu về bức tranh Đông Hồ mới sáng tác “Tam dương nghênh phúc”. |
Con dê “tân thời” được sản xuất trước thềm Tết Ất Mùi
Không chỉ trong tranh Đông Hồ cổ, những thập niên gần đây, hình ảnh con dê cũng thu hút năng lực sáng tạo của không ít nghệ nhân tranh Đông Hồ thế hệ kế cận. Tiếp chúng tôi trong phòng tranh truyền thống của gia đình, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (con trai lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) cho biết, anh vừa hoàn thành xong bức tranh “Tam dương nghênh phúc” cho dịp Tết Ất Mùi năm nay. Bức tranh vẽ ba con dê ngộ nghĩnh với 3 mầu xanh, đỏ, vàng trong một khung cảnh mùa xuân với hoa đào, hoa mai.
Theo lời giải thích của anh Quả, 3 con dê này là biểu tượng cho một gia đình, trong đó nổi bật là con dê màu vàng, con dê này được vẽ bé hơn 2 con còn lại và sừng của nó cũng ngắn hơn hẳn. Theo anh Quả, con dê này biểu tượng cho người con trong gia đình đang quay về với bố mẹ, đó cũng là thông điệp anh muốn gửi đến mọi người, là sự đoàn viên trong mỗi gia đình Việt Nam.
Ý tưởng sản xuất bức tranh này đến với người nghệ nhân trẻ cũng hết sức tình cờ. Anh Quả cho biết, anh đã ấp ủ vẽ một bức tranh Đông Hồ về con dê từ lâu nhưng mãi vẫn chưa tìm được tứ. Thế rồi vào một ngày tình cờ năm 2009, có một người khách đến xem tranh, thấy tranh Đông Hồ có hình con dê rất ít và nói với vợ anh Quả câu “Tam dương nghênh phúc” trong sách cổ.
Nhiều bạn trẻ bị cuốn hút với tranh Đông Hồ. |
Đây là một tích trong đạo phật, ý nói sự cầu chúc một năm mới nhiều phúc lộc cho các gia đình. Khi về nghe vợ kể lại, anh Quả mừng như bắt được vàng và quyết định năm nay sẽ cho ra đời bức tranh dê theo câu nói này với hàm ý đầu xuân đón phúc.
Những năm gần đây, thị trường rất chuộng những hình ảnh về linh vật trong dịp năm mới, nhất là trong các sản phẩm dân gian như tranh Đông Hồ. Anh Quả chia sẻ, ngoài bức tranh về dê, anh còn vẽ nhiều tranh về các linh vật khác bổ sung vào dòng tranh Đông Hồ như: Con hổ với bức “Uy trấn sơn hà”, con mèo với bức “Chị em mèo”… Những bức tranh này, anh vẫn tuân thủ tuyệt đối cách vẽ của cổ nhân nhưng truyền tải nhiều vấn đề, tâm tư, tình cảm của con người ngày nay.
Hướng đi mới mẻ này đã khiến cho nhiều du khách thích thú, nhất là các bạn trẻ. Bạn Phạm Văn Chính (quê ở Thái Bình) vui vẻ cho biết, dù đã biết đến tranh Đông Hồ từ rất lâu, nhất là những bức tranh như "Đám cưới chuột", "Hứng dừa", "Đánh ghen", nhưng Chính vẫn bị dòng tranh này mê hoặc.
Năm nay, đến xem tranh dịp giáp Tết, Chính lại bị cuốn hút với những bức tranh mới, đặc biệt là tranh về linh vật dê. Chính cũng đã mua nhiều bản để tặng những người thân quen. Món quà này không nhiều tiền nhưng ý nghĩa của bức tranh chắc chắn sẽ làm những người thân hài lòng.
Rời vùng đất “bên kia sông Đuống” với những hình ảnh “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong” nay có cả những nét “con dê” tinh nghịch mà tràn đầy hồng phúc, tôi mới cảm nhận được sức sáng tạo của dân gian như thế nào.
Mặc dù tranh về linh vật con dê không nhiều tiền như con dê bằng vàng, bằng cây cảnh, đá quý nhưng ý nghĩa của nó cũng phong phú và đáng trân trọng không kém. Đây cũng là một cách chơi độc đáo giản dị mộc mạc mà tinh tế của những người yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc.