Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ nhân từng được Đại tướng đến nhà xếp hàng chờ viếng

Từ Bắc Ninh, nghệ nhân làng tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế đã cùng con trai chờ đợi hàng giờ để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Nguyễn Đăng Chế là nghệ nhân nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ông là nghệ nhân đời thứ 20 theo nghiệp tranh của gia đình.

Người nghệ nhân dù năm nay đã gần 80 tuổi nhưng với niềm kính trọng người anh hùng dân tộc, ông vẫn yêu cầu con trai chở đi từ sáng sớm để mong được vào nhìn ảnh Đại tướng lần cuối. Phải đến gần trưa, ông và con trai mới được vào viếng.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và con trai xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đối với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có dấu ấn đặc biệt trong lòng ông và người dân làng tranh Đông Hồ. 

Nhớ lại lần duy nhất được gặp Đại tướng, ông chia sẻ: "Đó là vào năm 1995, Đại tướng về thăm làng tranh Đông Hồ và đến nhà tôi chơi. Lần đó, tôi còn tặng cụ bức tranh do tôi làm".

Người nghệ nhân già còn nghẹn ngào tâm sự: "Cụ Võ Nguyên Giáp là một con người rất am hiểu văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian. Vì vậy, trong lần về thăm làng nghề cụ đã động viên chúng tôi làm thế nào cố gắng giữ gìn sản phẩm đó, duy trì nét văn hóa đẹp của dân tộc". 

Cũng trong lần gặp gỡ đó, người nghệ nhân già đã có dịp được chụp bức ảnh bắt tay cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức ảnh đó trở thành kỷ vật quý báu của gia đình và lần này khi về Hà Nội tiễn biệt người anh hùng dân tộc, ông Nguyễn Đăng Chế không quên đem theo bức ảnh này.

Bức ảnh Đại tướng bắt tay nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế trong lần về thăm làng nghề năm 1995.

Đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn, dù trải qua nhiều thăng trầm, biến cố nhưng gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn "sống chết" với nghề truyền thống.

Cũng nhờ bao công sức mày mò, không quản khó nhọc tìm kiếm nghệ nhân đã sưu tầm được hơn 100 bản khắc cổ với tuổi thọ hàng trăm năm, hàng ngàn bản khắc mới và gần 200 mẫu tranh các loại, trong đó quý nhất là bộ tranh Thạch Sanh có từ vài trăm năm trước. 

Được biết, ngôi nhà của ông hiện nay đã trở thành địa điểm quen thuộc của khách du lịch muốn đến thăm quan và tìm hiểu về nghệ thuật tranh Đông Hồ.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm