Kwon Do-hyeong, thường được biết với tên gọi là Do Kwon, đã chính thức bị tuyên án 4 tháng tù ở Montenegro. Cụ thể, tòa án sơ thẩm thành phố Podgorica đã tuyên bố Do Kwon và đồng phạm là Han Chang Joon - cựu nhân viên tài chính của Terraform Labs - cùng nhận hình phạt 4 tháng tù với tội danh làm giả tài liệu.
Tuy nhiên, 4 tháng tù cũng bao gồm 85 ngày bị giam giữ trong khoảng thời gian 23/3-15/6. Điều này đồng nghĩa với việc thời hạn tù của cả hai sẽ chỉ còn hơn 2 tháng.
Tòa án thành phố Podgorica cho biết bản án sẽ được ghi lại, gửi đến Do Kwon và Han Chang Joon trong vòng 30 ngày. Họ có quyền chấp thuận hoặc kháng cáo trong vòng 8 ngày sau khi nhận được.
Do Kwon là người sáng lập, CEO công ty Terraform Labs, tổ chức đứng sau stablecoin có tên TerraUSD. Khi đế chế của Do Kwon sụp đổ tháng 5/2022, hàng tỷ USD tài sản của nhà đầu tư vào đồng tiền kỹ thuật số LUNA và hệ sinh thái Terra mất trắng, gây ra tác động lan tỏa lên toàn bộ thị trường tiền mã hóa.
Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) Mỹ hồi tháng 2 phát lệnh truy tố Kwon đứng sau âm mưu lừa đảo chứng khoán trị giá hàng tỷ USD. Trong khi đó, Hàn Quốc truy tố Kwon cùng 5 cộng sự với cáo buộc vi phạm luật tài chính từ tháng 9/2022.
Do Kwon và Han Chang Joon bị cảnh sát Montenegro bắt giữ ngày 23/3 tại sân bay Podgorica khi đang làm thủ tục xuất cảnh để tới Dubai.
Bộ đôi này bị cáo buộc làm giả giấy tờ. Cảnh sát Montenegro sau đó bắt giữ Kwon và Han, đồng thời thông báo cho Văn phòng Interpol tại Seoul, đề nghị xác nhận danh tính của hai người này.
Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, kết quả kiểm tra dấu vân tay hai người bị bắt giữ trùng khớp với Kwon và Han. Qua kiểm tra hành lý, cảnh sát Montenegro tìm thấy các hộ chiếu giả của Costa Rica, Bỉ, máy tính xách tay và một số thiết bị khác trong hành lý của Do Kwon và Han.
Đến ngày 12/5, tòa án tại Montenegro đã đưa ra phán quyết tạm thả Do Kwon và Han Chang Joon với số tiền bảo lãnh 400.000 euro (hơn 440.000 USD), Reuters đưa tin. “Tòa án nhận thấy khả năng mất số tiền bảo lãnh 400.000 euro mỗi người đủ để ngăn ngừa khát khao bỏ trốn”, tòa án tuyên bố.
Tuy nhiên, ngày 24/5, tòa án cấp cao Montenegro tại Podgorica đã thu hồi quyết định cho phép bảo lãnh Do Kwon, phát ngôn viên Marija Rakovic tại tòa án cho biết. Số tiền bảo lãnh 400.000 euro cũng bị thu hồi.
Tờ Segye Ilbo của Hàn Quốc cho biết khi ở trong tù, Do Kwon khẳng định mình nhận được hộ chiếu thông qua một công ty ở Singapore do bạn giới thiệu nhưng không nhớ tên. Trong khi đó, tòa án Montenegro cho rằng ông có ý định đào tẩu bằng cách làm giả hộ chiếu Costa Rica và Bỉ.
Theo Gizmodo, trước đó, công tố viên liên bang Mỹ đã yêu cầu dẫn độ người này sang New York để hầu tòa. Tại đây, Do Kwon bị Ủy ban giao dịch chứng khoán (SEC) cáo buộc tội lừa đảo nhà đầu tư và tham gia thao túng thị trường để thay đổi giá của đồng tiền ổn định USTC.
Cùng lúc, phát ngôn viên văn phòng công tố quận Nam Seoul Hàn Quốc - bà Kim Hee-kyung nhấn mạnh chính phủ Hàn Quốc cũng muốn dẫn độ Do Kwon về nước.
Tòa án Hàn Quốc truy tố nhà sáng lập Terraform Labs vì tội vi phạm luật chứng khoán trong nước và lừa đảo. “Các công tố viên đang làm thủ tục để đưa nhà sáng lập Terraform Labs về quê hương. Do Kwon cũng phải đối mặt với một số vụ kiện ở Mỹ”, Kim Hee-kyung nói.
Để blockchain không bị hiểu nhầm
Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.
Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.
Bloomberg đưa tin tòa án đã bác bỏ phán quyết tạm thả Do Kwon - người đứng sau sự sụp đổ của đồng LUNA.
Do Kwon có nguy cơ lãnh án hơn 40 năm tù
Do Kwon có khả năng lãnh án hơn 40 năm tù, nặng hơn bản án dành cho Kim Jae-hyun - CEO của công ty Optimus Asset Management.
Nỗi đau LUNA trở lại ở Hàn Quốc khi Do Kwon bị bắt
Nhà đầu tư, phần lớn là người Hàn Quốc và từng ủng hộ dự án LUNA, vẫn muốn Do Kwon bị dẫn độ sang Mỹ vì hình phạt sẽ thích đáng hơn.