Gần một tháng qua, sà lan liên tục chở hàng trăm bao cát trên sông Sài Gòn đến khu vực nóc hầm Thủ Thiêm và đổ xuống. Có thời điểm, sà lan chở thêm máy cuốc đến để tham gia đổ cát xuống sông.
Hình ảnh trên khiến nhiều người dân thắc mắc và nghi ngờ về độ an toàn của hầm Thủ Thiêm sau hơn 10 năm công trình được đưa vào sử dụng.
Vị trí được đánh dấu trên sông Sài Gòn để đổ bao cát. Ảnh: Tiến Dũng. |
Ngày 29/1, trao đổi với Zing, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM, cho biết việc sà lan đổ cát xuống nóc hầm Thủ Thiêm là hoạt động bình thường trong công tác quản lý, bảo trì đường hầm.
Theo ông Tấn, hàng năm đơn vị này thực hiện quan trắc toàn bộ lòng sông Sài Gòn qua khu vực hầm Thủ Thiêm để đảm bảo công trình vận hành an toàn.
Nước dưới lòng sông Sài Gòn có dòng chảy. Qua thời gian, bùn đất sẽ bồi lắng hoặc xói mòn phía trên nóc hầm.
Vừa qua, đơn vị quan trắc phát hiện một số điểm xói mòn trên nóc hầm nên đã triển khai sà lan chở bao cát đổ xuống các vị trí trên. Đồng thời, lực lượng chức năng nạo vét một số điểm bồi lắng dày để bảo vệ vỏ hầm Thủ Thiêm.
“Sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, đây là lần đầu tiên đơn vị thực hiện kiểm tra và đắp bao cát bảo vệ vỏ hầm Thủ Thiêm. Chúng tôi thực hiện công việc này trong vòng một tháng. Công tác bảo trì kỹ thuật đường hầm thực hiện theo yêu cầu của nhà thiết kế”, ông Tấn nói.
Hầm Thủ Thiêm được đưa vào khai thác vào năm 2011. Đây là đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á, nối giữa quận 1 (TP.HCM) với thành phố Thủ Đức. Đường hầm dài khoảng 1,5 km, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.