Agassi từng huấn luyện cho Djokovic trong quá khứ. Và nếu huyền thoại quần vợt người Mỹ có lời khuyên nào cho Nole sau sự cố tại Australia gần đây, thì cựu tay vợt 51 tuổi có lẽ sẽ nói về "sự cúi đầu" (hay cái tôi lớn - PV). "Ở Wimbledon tôi học cách cúi đầu", Agassi từng nói về một trong những rắc rối nổi tiếng của làng banh nỉ thế giới.
Djokovic gặp rắc rối khi tham dự Australian Open 2022. Ảnh: Reuters. |
Bài học từ Agassi
Agassi từng sở hữu tài năng và cái tôi bướng bỉnh không khác gì Djokovic bây giờ. Cuối những năm 80 và đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, cựu tay vợt người Mỹ nổi lên từ sớm và trở thành một "trai hư" trong làng quần vợt.
Thế nhưng, khi đang tràn trề cơ hội bước lên đỉnh cao thế giới, Agassi gây ngỡ ngàng khi từ chối dự Wimbledon trong giai đoạn 1988-1990 vì quy định trang phục của ban tổ chức.
Các vận động viên tham dự giải Grand Slam tại nước Anh phải mặc trang phục toàn trắng từ quần áo, tất, giày hay thậm chí các phụ kiện khác trên người. Quy định khắt khe của Wimbledon từng gây rắc rối cho nhiều tay vợt hàng đầu như Rafael Nadal hay Roger Federer.
Năm 2005, Nadal phải đổi trang phục vì mặc quần quá dài. Năm 2013, Federer bị yêu cầu phải thay giày vì phần đế của anh có màu cam. Sau khi đổi giày mới, nhà đương kim vô địch Wimbledon năm đó bị loại ngay ở vòng 2 trước Sergiy Stakhovsky.
Ba thập niên trước, Agassi sở hữu cá tính ngổ ngáo của một tay vợt trẻ tuổi. Việc từ chối thi đấu ở Wimbledon vì không thích mặc đồ trắng của huyền thoại sinh năm 1970 là minh chứng. Tuy nhiên, sau những thất bại liên tiếp ở chung kết Roland Garros 1990, 1991 và US Open 1990, Agassi bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình về việc tham dự Wimbledon.
Khi đó, dù được coi là tay vợt trẻ đầy tiềm năng, Agassi vẫn chưa giành danh hiệu Grand Slam nào. Ông đồng ý mặc toàn đồ trắng để dự Wimbledon 1991 và một năm sau, bản thân có chức vô địch Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp tại nước Anh.
"Wimbledon là nơi tôi học cách mặc đồ trắng và cúi đầu", Agassi sau này thổ lộ với CNN. "Giải đấu đó là nơi tôi học cách tôn trọng và chấp nhận những giá truyền thống". Một phát biểu cho thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của cựu tay vợt người Mỹ.
Wimbledon là nơi Agassi tạo ra bước ngoặt cho sự nghiệp của mình. Ông giành thêm 7 danh hiệu Grand Slam khác kể từ sau thành công ở All England Club năm 1992. Nếu không chịu "cúi đầu" ở Wimbledon năm 1991, liệu Agassi có thành công như vậy?
Bản thân Djokovic chẳng lạ gì Agassi. Cả hai từng làm việc cùng nhau vào năm 2017, giai đoạn tay vợt Serbia mới có 12 Grand Slam và đang gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp.
Sau này, Agassi từng ám chỉ cái tôi lớn khiến Nole không nghe lời khuyên của mình. Cả hai nảy sinh mâu thuẫn khi Djokovic bỏ ngoài tai lời khuyên của Agassi về việc không tham dự Miami Open, giải đấu tay vợt 34 tuổi "cố đấm ăn xôi" và thua ngay ở vòng hai.
Huyền thoại người Mỹ có lẽ không bất ngờ với những gì Djokovic đang trải qua. Nole từng phớt lờ những lời khuyên bỏ Olympic Tokyo 2020 để tập trung cho US Open 2021. Cuối cùng, vận động viên sinh năm 1987 thất bại ở cả hai giải đấu quan trọng kể trên. Giấc mộng Golden Slam của Nole tan vỡ. Thậm chí lúc này, anh có thể phải mất thêm thời gian khá lâu để lập kỷ lục giành 21 danh hiệu Grand Slam.
Agassi từng chịu hạ cái tôi của mình để tham dự Wimbledon và vô địch giải đấu. Ảnh: ATP. |
Djokovic chỉ có thể tự trách mình
Trả lời Zing, Jason Dasey, BLV của ABC News, nhận xét Djokovic không phải người duy nhất có lỗi trong vụ lùm xùm đang diễn ra. Tuy nhiên, bản thân tay vợt người Serbia chắc chắn biết trước những rắc rối khi đến Australia, với quan điểm từ chối tiêm vaccine gây tranh cãi của mình.
"Tôi nghĩ Nole sẽ không vấp phải làn sóng phản đối lớn đến vậy nếu tay vợt người Serbia không đăng thông điệp trên trang cá nhân sau khi nhập cảnh Australia", ông Dasey phân tích. "Như tôi đã nói, việc Djokovic đến Australia mà không tiêm vaccine trở thành một vấn đề mang tầm quốc gia".
BLV người Australia đánh giá phần lớn người hâm mộ xứ chuột túi không mấy thiện cảm với Nole. Việc anh tuyên bố bản thân được miễn trừ y tế và không cần công khai tình trạng tiêm chủng trên mạng xã hội đã chọc giận công chúng Australia.
Nadal khẳng định nếu Djokovic muốn, tay vợt người Serbia hoàn toàn có thể thi đấu tại Australian Open 2022 mà không gặp phải rắc rối nào. Tại sao Nole không đơn giản là làm theo những quy định mà chính quyền Australia yêu cầu?
Colette Wong, cựu BLV của Fox Sports, chia sẻ với Zing rằng những gì xảy ra với Djokovic thật sự đáng tiếc. Chính quyền Australia có thể sử dụng Nole như một quân cờ chính trị, cho cuộc bầu cử vào tháng 5 tới.
"Điều đáng tiếc với Djokovic là anh ấy bị đối xử theo cách không hay khi nhập cảnh vào Melbourne", BLV Dasey nói. "Thủ tướng Australia, Scott Morrison, sử dụng vụ việc của Djokovic như một cách để làm tăng uy tín chính trị cho ông và chính quyền, khi cuộc bầu cử tháng 5 sắp diễn ra".
Nhà báo người Australia khẳng định: "Morrison biết công chúng không ưa Djokovic, và người dân Australia cảm thấy bất công nếu Nole được phép thi đấu ở Australian Open 2022 mà không tiêm vaccine".
BLV Wong thì cho rằng Nole tiếp tục đánh mất thiện cảm từ công chúng và anh khó có thể được yêu mến như Nadal hay Federer. Nadal cảm thán rằng thế giới hai năm qua chịu đựng đủ và đơn giản là bạn phải tiêm vaccine để giúp đỡ mọi người. Đó là vấn đề nghiêm trọng hơn cả việc mặc đồ trắng của Agassi năm xưa.
Ngay cả khi thắng kiện và được dự Australian Open 2022, tâm lý của Djokovic chắc chắn bị ảnh hưởng sau chuỗi ngày vừa qua. Liệu trong tương lai, Nole có chấp nhận "cúi đầu" để chặng đường chinh phục thêm danh hiệu Grand Slam dễ dàng hơn? Với cá tính và cái tôi lớn của Nole, ít người dám lạc quan về điều đó.