Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

DJ SlimV - Cơ trưởng của đám đông

Ở tuổi 30, nhà sản xuất âm nhạc, DJ SlimV muốn truyền tải một thứ âm nhạc mạnh mẽ, sôi động và gửi gắm thông điệp vui tươi, sống tích cực tới tất cả mọi người.

Sách 1987+: 30 chưa phải là Tết là những câu chuyện về tuổi 30, về những suy tư, trăn trở khi đã “tam thập nhi lập” của các tác giả. Trải qua 30 năm, cuộc đời đã quật ngã họ nhiều lần, theo cách này hay cách khác. Nhưng tất cả đều đứng lên, làm chủ chính mình.

Được sự đồng ý của đại diện nhóm tác giả, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Dưới đây là những chia sẻ của DJ SlimV và tình yêu, cuộc sống của anh gắn liền với nhạc điện tử.

Tuoi 30 cua SlimV anh 1
DJ/nhà sản xuất âm nhạc trẻ sinh năm 1987 SilmV.

Một ngày của tôi bắt đầu từ 2h chiều

Mùa hè năm nay, tôi sẽ tròn 30 tuổi. Như bao chàng trai khác ở tuổi này, tôi đang cống hiến hết nguồn năng lượng mình có cho sự nghiệp. Một ngày của tôi thông thường bắt đầu từ… hai giờ chiều. Tôi cũng dành thời gian cho việc tập Gym, đi cà phê tán gẫu cùng bạn bè, nấu ăn cùng bạn gái. Thời gian làm việc của tôi thông thường sẽ từ chín giờ tối hôm nay đến sáu giờ sáng ngày hôm sau. Nếu không làm việc ở bên ngoài, không gian của tôi sẽ là bốn bức tường cách âm cùng những âm thanh điện tử. Tôi là một nhà sản xuất âm nhạc, DJ, là người vẫn khuấy động đám đông bằng những giai điệu được gọi tên là EDM (Electronic Dance Music).

Từ ngày bé tí, khi tôi còn chưa biết âm nhạc là gì thì một ngày tình cờ được bố cho nghe băng cassette Modern Talking và Michael Jackson. Nhạc Dance châu Âu và của Vua nhạc Pop ngày ấy không chỉ hấp dẫn người lớn mà còn khiến hội trẻ con phải thích thú, say sưa lắc lư theo. Sau đó, bố cho tôi và em gái đi học nhạc từ bé. Tôi chính là nhân vật mà khi đi học, các bậc phụ huynh sẽ nhìn vào và bàn tán là “con nhà có điều kiện” bởi bố mẹ tôi không muốn con cái đi kinh doanh như truyền thống gia đình, nên hướng chúng tôi đi theo nghệ thuật. Tôi đã theo học bộ môn Piano trong bảy năm ở trường nhạc. Thời gian đó gắn với những ngày khớp tay, khớp chân đau thấu đến xương tủy.

Tuy nhiên, càng theo học Piano thì tôi lại càng thấy một tương lai mù mịt khi mà ở Việt Nam, các nghệ sĩ dương cầm vẫn chưa có nhiều đất để hoạt động. Học Piano xong thì ra ngoài sẽ chỉ làm được nhạc công và đi dạy. Chấm hết. Tôi quyết định chuyển sang học về Sáng tác và Lý luận âm nhạc, được tiếp xúc với nhạc giao hưởng, biết thêm nhiều kiến thức hơn, đặc biệt là có thể sáng tác được những giai điệu đầu tiên. Tới năm 17 tuổi, tôi bị hấp dẫn bởi nhạc điện tử nên bắt đầu tập tành đi làm DJ, biểu diễn ở các quán bar. Tôi học mọi thứ trên bộ máy tính mà xin mãi bố mới mua cho.

DJ chỉ là nghề tay trái, tôi xác định làm cho vui nhưng nó lại giúp tôi rủng rỉnh tiền bạc khi vẫn còn đang đi học. Mỗi sô diễn ở quán bar, tôi kiếm được năm triệu đồng. Chỉ sau một năm làm DJ, tức khi 18 tuổi, một tháng tôi đã kiếm được 20 triệu đồng. Nhưng tôi nhận ra quán bar không phải là nơi làm việc lâu dài được vì môi trường khá độc hại - nhiều khói thuốc, rượu bia. Trong khi đó, tôi lại không uống được. Không hiểu sao nhiều người vẫn mặc định DJ là sẽ xăm trổ đầy người, nhuộm tóc hầm hố, bặm trợn, mở mồm ra là chửi bậy. Tôi thấy mình vẫn rất hiền lành và chẳng hề thay đổi gì, chỉ dồn hết thời gian vào âm nhạc.

Cuộc sống của một “công tử” sẽ tồi tệ nhất là khi nào? Chắc chắn là khi gia đình có “biến”. Năm 2010, gia đình tôi gặp một cuộc khủng hoảng tài chính. Bố mẹ chẳng thể chu cấp như trước nữa và vô vàn khó khăn đổ xuống. Lúc ấy, cái cảm giác của tôi là rất tự ti, mặc cảm. Tôi làm gì cũng lủi thủi một mình. Tôi bắt đầu ra ngoài thuê nhà ở riêng, bắt đầu cuộc sống tự lập và tự nhủ mình phải vực dậy được. Nhưng có vẻ như càng cố gắng, mọi thứ cứ càng trở nên u tối. Tôi sống khép kín hơn, ít giao du với bạn bè. Dịp Tết nguyên đán 2011, tôi trở về nhà ăn Tết được vài hôm xong lại nhốt mình giữa bốn bức tường để sống trong thế giới của âm nhạc điện tử.

Cũng trong năm 2011, tôi được diễn cho các nghệ sĩ ở Rock Storm -nhạc hội lớn nhất lúc bấy giờ ở miền Bắc. Tôi đi diễn từ tỉnh tới các thành phố lớn cùng những ban nhạc Rock nổi tiếng, được chơi nhạc trước những sân khấu tới 10.000 khán giả. Nhưng chẳng mấy người biết đến tôi. Những sản phẩm của tôi cũng ra đời một cách âm thầm, lặng lẽ. Thời ấy, có bài hát Thu cuối tôi làm nhà sản xuất, gây sốt trong cộng đồng Underground một thời gian nhưng người ta chỉ nhớ đến ca sĩ thể hiện chứ chẳng ai quan tâm người hòa âm, phối khí làm gì. Nghề sản xuất khi đó vẫn chưa có thị trường, làm hai tuần mới xong một sản phẩm và cát-xê chỉ vỏn vẹn là ba triệu đồng một bài. Tôi tích cực đi làm DJ vì dù gì, đó vẫn là công việc đem lại nguồn thu tốt, giúp bản thân tôi và hỗ trợ được cho gia đình.

Có những giai đoạn tôi chỉ sống với bốn bức tường, đôi khi cảm thấy như mình cũng mắc hội chứng Hikikomori tự cách ly bản thân với cộng đồng xã hội. Tôi làm ngày, làm đêm bên bàn máy tính, bàn mixer. Ngoại hình khi đó chắc như người rừng vì tóc tai không cắt, râu cũng không cạo. Cảm thấy không có tương lai và sự nghiệp của mình cứ mãi trong bóng tối, tôi đã tính bỏ âm nhạc để đi làm kinh doanh.

Nhưng bước ngoặt đã đến với tôi vào năm 2015, khi sắp 27 tuổi.
Năm ấy, khán giả Việt Nam đã biết đến khái niệm EDM và dần say mê, phát cuồng nó. Chương trình The Remix lần đầu tiên xuất hiện có sự kết hợp giữa nhà sản xuất, DJ và ca sĩ, diễn ra trong Sài Gòn. Tôi được ghép đội với Sơn Tùng M-TP, nam ca sĩ gây chú ý nhất showbiz Việt lúc bấy giờ và khi đó cậu ấy mới đầu quân sang công ty mới. Thi được bốn-năm vòng và lần nào cũng nhất, khán giả biết đến tôi nhiều hơn trước, thông qua Sơn Tùng M-TP. Tuy nhiên, tới vòng sáu, Sơn Tùng M-TP xin rút khỏi cuộc thi vì lý do sức khỏe.

Tôi quay lại bài toán cũ là chưa biết phải làm gì. Ở lại Sài Gòn thì không biết có phát triển được không còn ra Hà Nội thì lại quay về với cuộc sống cũ trong bóng tối. Sau cùng, tôi quyết định ở lại Sài Gòn thêm chín tháng nhưng sau cuộc thi The Remix, người ta cũng nhanh chóng lãng quên tôi vì thực ra mới đi được nửa chặng đường đã dừng lại.
Tôi lại quay ra Hà Nội và tiếp tục làm DJ…

Tuoi 30 cua SlimV anh 2
SlimV qua nét vẽ của họa sĩ Đặng Hồng Quân.

Tôi muốn truyền tải thứ âm nhạc vui tươi, tích cực

Năm 2016, tôi tìm được người quản lý, đồng thời cũng là một người bạn sinh năm 1988 như mình và làm trong lĩnh vực Marketing. Chính cậu ấy đã đốc thúc tôi trở lại với The Remix 2016 và ghép đội với Noo Phước Thịnh. Nếu như lần trước, tôi đóng vai trò là nhà sản xuất còn DJ là người khác thì lần này, tôi kiêm “combo” cả hai. Đội của chúng tôi giành giải Nhất. Bắt đầu từ đó, sự nghiệp của tôi rộng mở hơn trước. Các ca sĩ dần chú ý đến tôi, đặt hàng làm giám đốc âm nhạc, các sô diễn đến nhiều hơn, truyền thông cũng nhắc tới và ghi nhận những cố gắng của tôi.

Tôi muốn truyền tải một thứ âm nhạc mạnh mẽ, sôi động và gửi gắm thông điệp vui tươi, sống tích cực tới tất cả mọi người. Với tôi, âm nhạc không bao giờ là u tối. Tôi thường hay đi dự các festival âm nhạc ở nước ngoài, tham gia vào các trang cộng đồng producer quốc tế để giao lưu, cập nhật xu hướng mới. Cái khó của việc tạo xu hướng là cần có thời gian vì ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, khán giả thay đổi rất nhanh. Có rất nhiều người Việt Nam vẫn còn thích nghe nhạc buồn, đau khổ, chết chóc. Nhưng tôi nghĩ âm nhạc là để thư giãn, để thưởng thức chứ không phải nghe để gặm nhấm nỗi buồn. Dù có chia tay hôm nay nhưng ngày mai vẫn tới mà.

Tôi vẫn sản xuất nhiều bài hát không phải nhạc EDM như Âm thầm bên em, Thái Bình mồ hôi rơi của Sơn Tùng M-TP nhưng vẫn gắn với hình ảnh nhạc “quẩy”, đem tới niềm vui và cảm hứng sống. Tôi luôn cố tìm tòi những cách truyền tải âm nhạc mới bởi với tôi, âm nhạc là không giới hạn. Tại sao nhạc điện tử lại không thể kết hợp với nhạc giao hưởng?
Ngoài sản xuất âm nhạc và đi diễn, tôi vẫn tổ chức nhiều workshop dành cho các bạn trẻ mong muốn trở thành DJ, trở thành nhà sản xuất hay đơn giản là yêu âm nhạc. Tôi đem cả đàn Piano tới những buổi đó và chơi, giải thích thế nào là đạo nhạc để giúp khán giả hiểu và ủng hộ các nghệ sĩ Việt hơn.

Tôi có thể chơi năm bài hát đang hot nhất thế giới theo cùng một hòa âm để cho thấy đó không phải là đạo nhạc. Khi gần giống với thế giới nghĩa là âm nhạc Việt Nam không còn xa với thế giới nữa.

Chào đón tuổi 30, hoài bão của tôi là muốn tạo được một cộng đồng đam mê âm nhạc ở Việt Nam và có thể truyền cảm hướng đến giới trẻ, đặc biệt là những ai muốn đi theo con đường này. Hãy cứ làm đi, dù thất bại thì cái ta có được là kinh nghiệm và đến một ngày, trái ngọt sẽ đến vào lúc rất bất ngờ.

Giờ đây, cuộc sống của tôi bận rộn với những buổi biểu diễn, những dự án âm nhạc lớn. Năm mới, trong khi mọi người vui vẻ đi chơi thì tôi đi làm. Có những năm đến Tết chỉ có thể ở bên gia đình vào sáng 30 Tết. Nhưng tôi hạnh phúc vì tuổi trẻ của mình đang cống hiến hết mình cho âm nhạc, đem đến niềm vui, sức sống cho mọi người. Nếu không dính đến công việc, một ngày của tôi sẽ rất đơn giản. Đi ngủ lúc 10 giờ tối, sáng thức dậy lúc bảy giờ để chạy bộ, ăn sáng, cà phê và tập thiền. Từ một năm nay, tôi tìm đến bộ môn này giống như một cách để nghỉ dưỡng cho đôi tai. Người ta vẫn nói đôi tai của chúng ta chỉ hoạt động tốt nhất đến năm 35 tuổi. Trong khi đó, môi trường làm việc của tôi lại tàn phá sức khỏe kinh khủng. Đôi tai khi tiếp xúc với âm thanh quá nhiều, quá ồn thì dần sẽ mất đi cảm giác, cộng thêm việc làm đêm nhiều khiến tôi còn mắc căn bệnh đau dạ dày.

Mỗi ngày, tôi dành ra ít nhất 15 phút để thiền, chỉ hít thở trong một không gian câm lặng, không có âm thanh, mắt và tai không hoạt động. Tuổi 30, tôi bắt đầu quan tâm nhiều tới sức khỏe của mình hơn chứ không thể tự do hủy hoại như những năm tháng 20. Tôi còn ấp ủ thực hiện một liveshow kết hợp giữa nhạc giao hưởng và nhạc điện tử để đánh dấu nấc thang mới trong sự nghiệp nhưng đến cột mốc này, tôi cũng đã sẵn sàng lập gia đình.

Bước sang đầu ba, tôi thấy mình trưởng thành hơn, sẵn sàng thay đổi, không còn làm những thứ chỉ mình thích nữa mà quan tâm hơn tới những người xung quanh. Người ta vẫn nói thành công trong sự nghiệp sẽ đẩy gia đình ra xa chúng ta hơn.

Nhưng tôi tin trong cuộc sống hiện đại này, thế hệ chúng tôi, những người vừa bước sang tuổi 30, sẽ tìm thấy chiếc chìa khóa của sự cân bằng.

30 chưa phải là Tết

30 chưa phải là Tết! Nhưng chắc chắn đó luôn là ngày vui nhất của mỗi dịp Tết.

Trích sách "1987+"

Bạn có thể quan tâm