Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Định vị lại quan hệ Việt - Trung thời kỳ mới

"Tương lai quan hệ Việt - Trung, chúng tôi kỳ vọng sẽ bớt dao động, dần ổn định", ông Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao trả lời Zing.vn.

Trao đổi với Zing.vn trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao - nói:

10 năm kể từ chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của Chủ tịch Trung Quốc, quan hệ hai nước đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, thậm chí đã chứng kiến những vụ việc đáng tiếc. Chuyến thăm của ông Tập sẽ góp phần củng cố lại quan hệ từng rất bền chặt.

Trong quan hệ Việt - Trung, hữu nghị và ổn định là đặc biệt quan trọng. Anh làm gì cũng phải trong mức độ vừa phải, tất cả các bên cùng chấp nhận được. Ảnh: Duy Hiếu.
Ông Trần Việt Thái cho rằng, trong quan hệ Việt - Trung, hữu nghị và ổn định là điều đặc biệt quan trọng. Ảnh: Duy Hiếu.

Chuyến thăm sẽ định vị lại quan hệ Việt – Trung trong thời kỳ mới, khi mà tình hình thế giới thay đổi nhiều, thế và lực của Việt Nam cũng như Trung Quốc thay đổi, là dấu mốc mới trong tiến trình hợp tác hai nước thời gian tới. Hai bên định hướng lại các lĩnh vực hợp tác, hướng tới một tương lai quan hệ Việt – Trung thực chất, tốt đẹp hơn, ổn định, bền vững, có lợi cho cả hai phía và khu vực.

Quan hệ Việt – Trung cũng cần định vị trong các khuôn khổ đa phương, vì lợi ích của Việt Nam trong tổng thể quan hệ với tất cả đối tác và khu vực trên thế giới, chứ không để quan hệ Việt - Trung đi ngược lại lợi ích tổng thể hoặc vì quan hệ này mà chúng ta phải hy sinh lợi ích.

-  Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng, hai nước sẽ xây dựng một định hướng cụ thể cho quan hệ Việt - Trung trong thời kì mới dựa trên tầm nhìn chiến lược dài hạn. Theo ông, mối quan hệ cần hướng tới là gì?

- Để nói về quan hệ tương lai quan hệ Việt - Trung, trước hết ta cần xác định lợi ích chung mà hai bên mong muốn. Trước hết, đó là mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và ổn định - yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra môi trường chiến lược ổn định cho hai nước trong quá trình phát triển.

Ổn định là nền tảng đầu tiên và then chốt trong quan hệ 2 nước. Bất kỳ nước nào đi ngược lại xu hướng này, mọi động thái gây tổn hại hòa bình, ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước đều không nằm trong lợi ích của cả hai bên.

Điểm thứ hai là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và quan hệ mọi mặt giữa hai nước. Chuyến thăm sẽ định vị các lĩnh vực hợp tác cụ thể: hạ tầng cơ sở, tài chính, các lĩnh vực từ dệt may đến thương mại, hợp tác công nghiệp.

Ba là, hai bên có nhiều lợi ích trong phối hợp trong các diễn đàn khu vực và quốc tế nhằm duy trì hòa bình ổn định khu vực và thế giới.

Định hướng tương lai quan hệ Việt – Trung thời gian tới có 3 cấp độ: lợi ích song phương, khu vực và toàn cầu như vậy.

-  Nhìn vào quan hệ Việt - Trung thời gian qua có thể thấy giữa những tuyên bố hữu nghị ở cấp cao và tình hình ở thực địa có khoảng cách. Theo ông, nguyên do là gì?

- Dư luận nói nhiều về việc Trung Quốc cam kết mà không làm. Đó là thực tế, không chỉ trong quan hệ với Việt Nam. Nhật, Mỹ và các nước khác đều phàn nàn về việc Trung Quốc kí rất nhiều cam kết nhưng triển khai không bao nhiêu, giữa cam kết và triển khai khác xa nhau.

Nguyên nhân có nhiều. Cá nhân tôi thấy có mấy điểm:

Một là từ nội tại Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc khác nhiều so với trước đây, với lợi ích toàn cầu. Họ muốn vươn lên vị trí số một thế giới. Trong quá trình vươn lên ấy Trung Quốc va chạm với lợi ích của nước A, nước B ở một số vấn đề. Trong quá trình vươn lên đó, có người xử lý không tốt, không đúng như lãnh đạo hai bên mong muốn.

Vấn đề thứ hai là lãnh thổ Trung Quốc quá rộng. Giữa trung ương và địa phương, đối nội và đối ngoại là một khoảng cách lớn. Sự phối hợp trong nội bộ Trung Quốc cũng có vấn đề.

Ngoài ra chúng ta phải lưu ý những nguyên nhân khách quan từ sự biến đổi của tình hình thế giới. Một số cam kết trước đây của Trung Quốc không còn phù hợp với hiện tại, nên họ không thực hiện đến nơi đến chốn.

Điều quan trọng là phải xác định có thực tế như vậy. Hai bên cần ngồi lại, đối thoại với nhau thẳng thắn thay vì chỉ trích nhau.

Một số người cho rằng quan hệ Việt - Trung chưa bao giờ bình thường theo nghĩa quan hệ bình đẳng, đồng chí nhưng không ràng buộc, không hạn chế quan hệ khác. Bình luận của ông?

- Đây là một ý kiến thú vị. 65 năm qua, quan hệ hai nước trải qua rất nhiều biến động. Giai đoạn 1950-1960, thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, quan hệ Việt – Trung rất khăng khít, môi hở, răng lạnh. Chúng ta nhận giúp đỡ lớn lao của Đảng và nhân dân Trung Quốc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Có thể nói, thời kì này, quan hệ Việt – Trung đạt được trần quan hệ.

Không may, giai đoạn 1970-1980, quan hệ hai nước có những biến động lớn. Quan hệ Việt – Trung tụt xuống mức thấp nhất. Thời điểm đó, hai bên có chiến tranh biên giới và xung đột trên biển. Đó là mức sàn của quan hệ.

Từ năm 1991, sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay, quan hệ hai nước dần trở lại mức tôi tạm gọi là bình thường. Bình thường trong quan hệ quốc tế nghĩa là giữa các quốc gia có quan hệ chính trị - kinh tế - xã hội với nhau, có hữu nghị, có hợp tác, có điểm tương đồng.

Quan hệ Việt – Trung từ 1991 đến nay biến động theo đồ thị hình sin và không bao giờ vượt quá trần. Không bao giờ hai nước trở lại được như thời kì trăng mật của thời kì trước. Tuy nhiên quan hệ cũng không bao giờ xuống mức sàn, bởi hai nước đã hình thành quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt quan hệ kinh tế - thương mại đan xen, chồng chéo, không thể bỏ nhau. Lợi ích của quan hệ Việt - Trung rất to lớn, trên nhiều lĩnh vực.

Tương lai quan hệ Việt – Trung, chúng tôi kỳ vọng, sẽ bớt dao động, dần ổn định hơn. Hành vi ứng xử của Trung Quốc, cả trên bộ và trên biển minh bạch, công khai hơn thì sẽ có lợi hơn.

Đó là sự bình thường mới trong quan hệ Việt - Trung, khi mà một nước lớn hành xử theo luật pháp quốc tế, tôn trọng các nước khác, sống hòa thuận trong một môi trường thế giới và khu vực hòa bình, ổn định, dựa trên luật quốc tế.

- Điều kiện cho một mối quan hệ bình thường và thực chất theo nghĩa đó là gì?

- Điều kiện tiên quyết nhất là lòng tin chiến lược, cần tăng cường trao đổi đối thoại một cách thực chất, không chỉ là trao đổi quan chức, kênh Đảng mà cả học giả, nhân dân. Quan hệ với nước nào cũng thế, phải biết được ý đồ, mục tiêu và những tính toán của nhau thì mới xác định được chính sách đúng. Quá thận trọng chưa hẳn đã tốt.

Hai là sự ổn định tương đối của chiều hướng phát triển quan hệ. Nếu lại có vụ việc như 981 (Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam - pv) thì rất khó xử lí.

Trong quan hệ Việt - Trung, hữu nghị và ổn định là đặc biệt quan trọng. Anh làm gì cũng phải trong mức độ vừa phải, các bên cùng chấp nhận được. Có lòng tin mà không ổn định, lúc thế này, khi thế khác cũng không được.

Ngoài ra là sự đan cài về lợi ích. Hai nước gần nhau như thế, Việt Nam 90 triệu dân, rất nhiều tiềm năng. Trung Quốc trỗi dậy, cả thế giới thèm muốn. Tại sao ta lại phải ngoảnh mặt đi. Phải nhìn rõ cơ hội trước. Đừng nhìn đâu cũng thấy âm mưu, ý đồ. 

Ông Trần Việt Thái nói về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình Chuyến thăm của ông Tập sẽ góp phần củng cố lại quan hệ từng rất bền chặt là nhận định của ông Trần Việt Thái.

 

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về Chính trị và bang giao quốc tế, Đại học George Mason, Mỹ:

Sự khác biệt giữa tuyên bố hữu nghị ở cấp cao và thực tế căng thẳng ở thực địa thời gian qua bắt nguồn từ tham vọng của Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là dịp để hai bên trao đổi thẳng thắn.

Sau Việt Nam, ông Tập sẽ thăm Singapore. Trước đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Nhật - Hàn Quốc đã gặp tay ba. Trong bối cảnh ấy, có thể nói chuyến thăm Việt Nam là một phần trong ngoại giao gây cảm tình mới của Trung Quốc ở châu Á. Nhờ chuyến công du, quan hệ hai bên có thể cải thiện nhưng khó có thể trở lại tình trạng trước vụ giàn khoan và xây đảo nhân tạo. 

 

Phương Loan - Linh Phong

Bạn có thể quan tâm