Chia sẻ kỳ vọng với đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Dongshu Liu - phó giáo sư tại khoa công chúng và quốc tế thuộc Đại học Thành phố Hong Kong - nhận định trong nhiệm kỳ tới, các quyết định sẽ tập trung ở cấp cao nhất.
“Phong cách quản lý hiện tại có lẽ sẽ tiếp tục. Điều đó đồng nghĩa các chính sách trong nước cũng sẽ được duy trì”, ông dự đoán với Zing.
Đồng nhận định, ông Dali Yang - giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Chicago của Mỹ - cho rằng chủ đề trọng tâm của Trung Quốc trong đại hội lần này là đề cập tới các mục tiêu tương lai đã nhắc tới suốt 10 năm qua.
“Vì vậy, đại hội lần này thể hiện sự tiếp diễn về những gì Trung Quốc mong muốn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cho đến giữa thế kỷ này, như là trở thành nền kinh tế - xã hội mạnh mẽ và hiện đại,... Đồng thời, khía cạnh quan trọng nhất của sự kiện lần này là thể hiện việc lãnh đạo liền mạch của ông Tập Cận Bình, ít nhất là trong 5 năm tới”, ông nói với Zing.
Dali Yang - giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Chicago của Mỹ. Giáo sư Yang là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo học thuật về chính trị và kinh tế chính trị của Trung Quốc. Ảnh: The University of Chicago. |
Do đó, ông Yang nhận thấy từ cả bài phát biểu khai mạc và bế mạc, mấu chốt là có rất nhiều điểm về các mục tiêu chiến lược đối với Trung Quốc, nối tiếp từ 5 năm trước, trong đó cụ thể là mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hùng mạnh vào giữa thế kỷ này.
Tại phiên bế mạc ngày 22/10, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, với 205 ủy viên và 171 ủy viên dự khuyết, cũng như bầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) gồm 133 thành viên, Tân Hoa xã đưa tin.
Sau đó một ngày, Ban Chấp hành Trung ương khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào sáng 23/10 và đã bầu ra 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới.
Ông Tập tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 3. Nhà lãnh đạo trở thành Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương kể từ năm 2012, giữ chức chủ tịch nước từ năm 2013.
Những cái tên mới
Theo giáo sư Yang, “trong lịch sử, thành viên của (Ban Thường vụ) có xu hướng là người có lý lịch khác nhau, và thường nhận được sự ủng hộ từ những vị lãnh đạo lão thành đã nghỉ hưu hoặc rút lui về phía sau, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Với danh sách thành viên năm nay, vị giáo sư nhận định: “Họ đều là những người từng làm việc với ông Tập, hay dưới quyền ông Tập trong quá khứ”. Do đó, ông Tập có thể tin tưởng vào việc thực hiện chính sách của cấp dưới.
Ông Dongshu Liu hiện là phó giáo sư tại khoa công chúng và quốc tế thuộc Đại học Thành phố Hong Kong. Ảnh: scholars.cityu.edu.hk. |
Phó giáo sư Liu cũng chia sẻ chung nhận định này: “Rõ ràng các nhân vật quan trọng nhất trong số những gương mặt mới tại Ban Thường vụ Bộ Chính trị đều là người từng có kinh nghiệm làm việc với ông Tập”.
Tân Hoa xã đưa tin danh sách 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa mới gồm các ông Tập Cận Bình, Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường và Lý Hi.
Trong Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX, ông Tập Cận Bình, Vương Hỗ Ninh và Triệu Lạc Tế là những ủy viên tái cử.
Trong báo cáo ngày 23/10, Tân Hoa xã cho biết Chủ tịch Tập đích thân tham gia vào quá trình rà soát thành viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XX.
"Đoàn kiểm tra rà soát xem các ứng cử viên nhất quán cao với sự lãnh đạo cốt lõi của ông Tập Cận Bình về tư tưởng, lập trường chính trị và hành động hay không. Đoàn cũng đánh giá khả năng thực hiện các chỉ thị được lãnh đạo đảng ban hành và tuân thủ quy tắc do đảng đề ra của các ứng viên", báo cáo ghi.
Bên cạnh đó, phó giáo sư Liu cũng chỉ ra một số thay đổi: “Trong nhiệm kỳ trước, ông Uông Dương là chuyên gia trong lĩnh vực quản trị kinh tế. Nhìn vào Ban Thường vụ mới, có thể thấy ông Lý Cường và Đinh Tiết Tường là hai nhân vật (cốt lõi)”. Đây là hai gương mặt mới trong bộ máy trung ương, ông Liu nói.
Ông Đinh Tiết Tường - Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng - là một trong 4 cái tên lần đầu có mặt tại Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc và là người trẻ nhất. Ông Đinh được cho là người hỗ trợ đáng tin cậy cho ông Tập Cận Bình, và thường xuyên tháp tùng nhà lãnh đạo trong các chuyến thăm trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, ông Lý Cường - cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải - được điều động làm chánh văn phòng tỉnh ủy Chiết Giang hồi năm 2004. Với chức vụ này, ông được coi là người đứng đầu nhóm giúp việc của Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Tập Cận Bình - người vừa nhậm chức 2 năm trước đó.
Khi ở vị trí này, ông Lý thường xuyên tháp tùng ông Tập trong các chuyến thị sát, cũng như sửa bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc tương lai. Ông Lý cũng hỗ trợ ông Tập đề ra các chính sách tại Chiết Giang. Một vài ý tưởng trong đó đã trở thành “Tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình” mà Trung Quốc đang áp dụng.
Về sự nổi lên của các kỹ sư hàng không vũ trụ trong hệ thống chính trị Trung Quốc, ông Liu cho rằng việc những chuyên gia này được thăng chức phần lớn vẫn nhờ vào sự nghiệp chính trị của họ.
“Họ có nền tảng là chuyên gia kỹ thuật hàng không vũ trụ nhưng họ được thăng chức chủ yếu do sự nghiệp chính trị. Họ được đề bạt tại chính quyền địa phương trước khi được thăng chức”, ông nói.
7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX. Ảnh: Reuters. |
“Tất nhiên, Trung Quốc cũng hy vọng những chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ tham gia quá trình ra quyết định. Trung Quốc rõ ràng muốn tập trung vào các nhà phát triển hàng không vũ trụ, công nghệ cao. Những lĩnh vực này là mối đe dọa, một phần áp lực đối với an ninh Trung Quốc”, ông nói.
“Do đó, nếu các quốc gia phương Tây kiểm soát công nghệ chủ chốt, theo quan điểm của Trung Quốc, đó là áp lực. Và Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề này”, phó giáo sư nhận định, đồng thời lưu ý để xác định xu hướng này có liên quan đến con đường thăng tiến của một số quan chức có nền tảng công nghệ hay không, cần xem vị trí và công việc mà họ đảm nhiệm.
Ưu tiên cao nhất
Trong bài phát biểu tại Đại hội đảng, ông Tập nhấn mạnh sáng kiến “thịnh vượng chung” và chiến lược “vòng tuần hoàn kép” sẽ tiếp tục. Trong đó, Trung Quốc sẽ chú trọng vào việc phát triển công nghệ mới, từ đó ứng dụng vào mở rộng cơ hội kinh tế cho các nhóm thu nhập thấp và bảo vệ môi trường.
Giáo sư Yang nhận định “rõ ràng đây đều là những chiến lược đã đề cập trong quá khứ”.
“Về vòng tuần hoàn kép, chiến lược này rõ ràng nhấn mạnh Trung Quốc không thể trông chờ vào xuất khẩu như trước đây, một phần vì nền kinh tế đã lớn hơn nhiều, một phần cũng vì các biện pháp bảo hộ với hàng xuất khẩu của Trung Quốc”, ông nói.
Mặc dù Trung Quốc coi việc phát triển công nghệ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới, ông Yang nhận định đây là một trong những lĩnh vực sẽ gặp nhiều thách thức.
Ông cho hay Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào những lĩnh vực này, trong đó có cả nỗ lực thay thế máy tính và phần mềm máy tính bằng thương hiệu nội địa. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực trong lĩnh vực này.
“Tuy nhiên, một số công nghệ tiên tiến, chẳng hạn chất bán dẫn, không phải thế mạnh của Trung Quốc, do đó sẽ có một số hạn chế nhất định”, giáo sư Yang cho biết.
Đề cập đến những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận một số loại chip được sản xuất với thành phần từ Mỹ, giáo sư Yang cho rằng thực tế đây không phải vấn đề hoàn toàn mới.
“Từ trước tới nay, Washington đã có những động thái như vậy. Trong khi Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng về lĩnh vực này, nỗ lực của Mỹ cho thấy họ muốn kiềm chế Trung Quốc, chứng minh họ đang chú ý tới điều này, vì cả hai quốc gia hiện coi nhau là đối thủ cạnh tranh”, ông đánh giá.
Trung Quốc sẽ chú trọng vào việc phát triển công nghệ mới, từ đó ứng dụng vào mở rộng cơ hội kinh tế cho các nhóm thu nhập thấp và bảo vệ môi trường. Ảnh: Reuters. |
Vị giáo sư từ Đại học Chicago nhấn mạnh trên thực tế, Bắc Kinh chắc chắn có ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhà nước.
“Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc cũng đang khuyến khích đầu tư tư nhân vào một số lĩnh vực nhất định. Vì vậy, tôi nghĩ (sự ưu tiên) sẽ tùy vào lĩnh vực cụ thể nào đó, có thể giúp Trung Quốc giải quyết tình trạng thiếu hụt loại mặt hàng họ cần”, ông nói.
“Điều này áp dụng cả trong đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, ở Thượng Hải, trong 3 năm qua, chính phủ đã hoan nghênh Tesla mở một trong những nhà máy lớn nhất của công ty này. Do đó, điều này phụ thuộc vào lĩnh vực Trung Quốc quan tâm, và rõ ràng chính phủ Trung Quốc mong muốn thu hút các công ty công nghệ cao”, ông giải thích.
“Vì vậy, quá trình này cân nhắc tới chính sách công nghiệp chứ không chỉ đơn giản là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân”, vị giáo sư kết luận.
Trong khi đó, phó giáo sư Liu cho rằng phát triển kinh tế dường như không còn là ưu tiên duy nhất của chính phủ Trung Quốc.
“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ đi theo hướng tập trung hơn vào an ninh, thay vì mô hình phát triển kinh tế, đồng thời theo đuổi mục tiêu hiện đại hóa. Có thể thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng mô hình phát triển riêng”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc sẽ duy trì nỗ lực hiện đại hóa, cải cách cơ cấu quân đội và đầu tư vào năng lực quân sự.
Hôm 17/10, ông Triệu Thần Hân - Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho rằng “nền kinh tế đã chuyển từ giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao sang chất lượng cao”, theo CNBC News.
“(Trung Quốc) sẽ không ngừng mở rộng cửa ở cấp độ cao và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế cởi mở hơn, bao trùm, cân bằng và mang lại lợi ích cho tất cả”, China Daily dẫn lời ông Triệu.
Bên cạnh đó, ông Liu cho rằng chiến dịch chống tham nhũng trong nước cũng sẽ tiếp tục: “Đây là hoạt động phổ biến được nhiều người ủng hộ và là một ví dụ điển hình để chứng minh chính phủ vẫn đang lắng nghe người dân”.
“Rộng cửa” với thế giới
Trong bài phát biểu tại lễ ra mắt Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ “mở rộng cửa hơn bao giờ hết”, đồng thời khẳng định “sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời khỏi thế giới” và ngược lại, theo Global Times.
“Rõ ràng ông Tập muốn gửi thông điệp trấn an tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua bài phát biểu ngắn đó, đồng thời nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc”, ông Yang cho biết.
Đề cập đến cam kết mở cửa của Trung Quốc, phó giáo sư Liu nhận định việc “ngắt kết nối với phần còn lại của thế giới không có lợi cho Bắc Kinh, vì đất nước vẫn phụ thuộc về công nghệ cao và thương mại quốc tế”.
“Do đó, (cam kết mở cửa) là nỗ lực nhằm xoa dịu thị trường hoặc cố gắng thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài rằng Trung Quốc sẵn sàng liên kết với thế giới", theo cách mà Bắc Kinh xác định, ông nói.
Ông Liu giải thích Trung Quốc đang hội nhập với thế giới theo mô hình cũ với các quy tắc do phương Tây đặt ra. Song, nước này không còn muốn tuân theo tất cả quy tắc được xác định bởi phương Tây. Thay vào đó, họ muốn xác định một số quy tắc riêng nhưng vẫn gắn kết với thế giới.
“Đó là tín hiệu muốn gửi đi. (Trung Quốc) không muốn ngắt kết nối hoàn toàn (với thế giới)”, ông đánh giá.
Trong các bài phát biểu tại Đại hội Đảng, ông Tập liên tục cảnh báo về việc Trung Quốc đối mặt với “những cơn bão nguy hiểm”.
Đề cập đến tuyên bố này, vị phó giáo sư từ Đại học Thành phố Hong Kong cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang nói về sự suy thoái kinh tế.
“Mọi quốc gia đều có chu kỳ kinh tế. Trung Quốc đã không thực sự trải qua chu kỳ suy thoái nghiêm trọng nào trong gần 30 năm. Và không quốc gia nào có thể thoát khỏi điều đó. Đó là quy luật cơ bản của sự phát triển kinh tế”, ông nói.
Công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Thượng Hải hôm 10/10. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, giáo sư Yang cho rằng “cơn bão nguy hiểm” đề cập tới cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, cũng như việc kiểm soát dịch Covid-19. Ngoài ra, ông cho hay ông Tập cũng nhấn mạnh Trung Quốc phải đối mặt với tình huống thay đổi chưa từng có trong vòng 100 năm qua.
Ông Tập muốn nhắc nhở công chúng rằng “có những khó khăn tồn tại phía trước, cả trong nước và quốc tế, do đó họ cần chuẩn bị để đối phó”, giáo sư cho biết.
Chia sẻ về những thách thức với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tới, vị giáo sư từ Đại học Chicago cho biết Bắc Kinh sẽ đối mặt với khá nhiều trở ngại. Trong đó, thách thức lớn nhất trước mắt là dịch Covid-19.
Về thách thức dài hạn, ông Yang nhận định có nhiều vấn đề tồn tại, từ nhân khẩu học đến quan hệ với các nước khác, trong đó có Mỹ.
“Tỷ lệ sinh sản thấp là vấn đề dài hạn với Trung Quốc, ảnh hưởng tới lực lượng lao động sau 15 năm nữa. Đây là vấn đề phức tạp, và cũng là khó khăn mà nhiều nền kinh tế phát triển phải đối mặt”, ông Yang nói.
Trong khi đó, phó giáo sư Liu dự đoán “mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ leo thang hơn nữa". Và căng thẳng trong quan hệ quốc tế có thể khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong lĩnh vực công nghệ cao, tiếp cận chuyên gia và các vấn đề quốc tế.
“Đây sẽ là thách thức lớn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc và rất khó để dự đoán họ sẽ làm gì để chuẩn bị cho những trở ngại này. Song đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể cảm thấy họ có đủ năng lực để giải quyết vấn đề”, ông kết luận.
Chức vụ hiện tại của 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc. Đồ họa: Mỷ Thi. |