Ngoài số ca nhiễm mới là người lao động tại các doanh nghiệp, Bắc Giang vừa ghi nhận thêm một số ca bệnh ở cộng đồng là giáo viên, học sinh, nông dân... Việc này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch ở bên ngoài khu công nghiệp tại điểm nóng về Covid-19 của cả nước.
Trao đổi với Zing, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết địa phương đã khoanh vùng được các F0, F1 liên quan đến ổ dịch tại các công ty, nhưng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn cao.
Bên cạnh việc chuẩn bị kịch bản cho số ca nhiễm trong khu công nghiệp tiếp tục tăng, tỉnh chuyển sang giai đoạn chống dịch mới để hạn chế việc lây nhiễm cộng đồng.
Bắc Giang chuyển sang giai đoạn chống dịch mới
- Bắc Giang liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong những ngày qua. Ông đánh giá đây đã là giai đoạn đỉnh dịch của Bắc Giang chưa?
- Nếu tính theo số ca mắc Covid-19 thì dịch bệnh ở Bắc Giang mới ở giai đoạn gần đến đỉnh. Nhưng nếu theo diễn biến thực tế thì địa phương đã qua giai đoạn tăng tốc để xét nghiệm rồi.
Tỉnh đang cách ly tập trung khoảng 11.000 F1. Trong số này, nhiều trường hợp có nguy cơ cao chuyển từ âm tính lần 1, lần 2, sang dương tính.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng còn rất cao. Ảnh: Phạm Thắng. |
Những ngày gần đây, ca mắc mới được ghi nhận hầu như là những trường hợp F1 làm việc trong phân xưởng số 4 ở Công ty TNHH Hosiden (KCN Quang Châu). Công ty này có 5 phân xưởng, riêng xưởng số 4 có khoảng 500 công nhân. Số công nhân này đều có nguy cơ cao trở thành F0.
Ngoài ra, chúng tôi đánh giá còn nguy cơ một số F1 khác sẽ nhiễm bệnh do tiếp xúc với F0 trong quá trình ở trọ, sinh hoạt cùng nhau. Mặc dù đã được cách ly trước đó, nhưng họ đã ăn ở cùng nhà nên khả năng lây nhiễm cũng rất cao.
Ngày 20/5, Bắc Giang ghi nhận tới 92 ca F1 trở thành F0 trong các khu cách ly. Tôi cho rằng diễn biến này còn tiếp tục trong nhiều ngày tới.
- Vậy Bắc Giang tính đến kịch bản có bao nhiêu ca nhiễm và lên phương án ứng phó với kịch bản này như thế nào?
- Hiện, chúng tôi đã khoanh vùng được các F1, F2 nhưng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng vẫn còn vì nguồn lây bệnh không phải chỉ từ khu công nghiệp, còn những nguồn lây chính sau: nguồn từ Bệnh viện K, từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nguồn từ các địa phương khác do giao lưu kinh tế, xã hội, thăm thân giữa các tỉnh, thành phố, nhất là trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5.
Các công nhân trong phân xưởng 4 ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam đều có nguy cơ cao trở thành F0
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang
Do đó, với số ca mắc trong cộng đồng thì chúng tôi không thể tính được kịch bản, ở đâu cũng có nguy cơ. Còn với ca nhiễm trong khu công nghiệp, tỉnh đánh giá còn khoảng 500 trường hợp có nguy cơ cao trở thành F0.
Trước mắt, khi nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn cao, chúng tôi chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, tập trung cho các giải pháp cơ bản nhất để nâng cao ý thức người dân.
Muốn làm được việc này, chúng tôi có các biện pháp: đẩy mạnh tuyên truyền, củng cố các tổ Covid cộng đồng và dùng công cụ xử phạt để quản lý. Ngoài ra, Bắc Giang cũng phát động toàn dân khai báo y tế.
- Nhiều người lại cho rằng để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, Bắc Giang cần cách ly xã hội toàn tỉnh. Ông có tính đến việc này?
- Nếu nguy cơ cao thì chúng tôi sẽ phải tính đến biện pháp này. Tuy nhiên, nguyên tắc là chỗ nào nguy cơ cao thì sẽ thực hiện cách ly xã hội ở nơi ấy.
Do đó, quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh cần được chúng tôi xem xét dựa trên việc đánh giá nguy cơ, không phải tùy tiện áp dụng theo ý chí chủ quan hoặc chạy theo dư luận.
"Chống dịch không chỉ lấy thời gian làm thước đo"
- Sau khi ông ký quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp trong đêm 17/5, có ý kiến cho rằng động thái này là cần thiết nhưng chậm trễ vì công nhân đã có thời gian dài tiếp xúc với nhau. Ông phản hồi việc này thế nào?
- Để nói về nhanh hay chậm thì phải xem mọi người đang đánh giá từ góc độ nào. Nếu tính từ góc độ thời gian từ khi phát hiện dịch đến khi đóng cửa khu công nghiệp, thì có thể nói là chậm cũng không sai.
Tuy nhiên, về nguyên tắc chống dịch, không phải cứ thấy có ca nhiễm là chúng tôi đóng cửa ngay được. Việc đóng cửa một khu hoặc một lúc 4 khu thì phải căn cứ trên nhiều yếu tố.
Lực lượng y tế ở Bắc Giang lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam với tần suất 3 ngày/lần. Ảnh: X.N. |
Yếu tố lớn nhất để tỉnh ra quyết định đóng cửa khu công nghiệp là thời điểm. Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm an toàn, tránh việc phát tán nguồn lây bệnh cho các địa phương khác.
Bởi, các công nhân làm việc ở 4 khu công nghiệp đều đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Nếu Bắc Giang đóng cửa khu công nghiệp vào thời điểm chưa rà soát, phân loại được công nhân xem ai là người có bệnh, ai cần cách ly, thì rất nguy hiểm vì công nhân có thể về quê, dịch sẽ lan ra khắp các tỉnh, thành.
Theo luật, cơ quan chức năng chỉ có thể yêu cầu cách ly đối với các trường hợp là F0, F1. Chúng tôi không thể cách ly toàn bộ công nhân đang sinh sống ở địa phương.
Cho nên, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, chúng tôi buộc phải bắt tay vào làm một cuộc sàng lọc lớn, xét nghiệm toàn bộ 140.000 công nhân, chuyên gia, cán bộ quản lý. Khi có kết quả sàng lọc, chúng tôi đã xác định được các F0, F1, F2 để đưa ra phương án phù hợp cho từng trường hợp đi điều trị, cách ly tập trung hoặc yêu cầu tự cách ly tại nhà. Sau đó, tỉnh mới có thể ra quyết định đóng cửa khu công nghiệp.
Người ở ngoài chỉ nhìn thời gian làm thước đo để đánh giá phản ứng nhanh hay chậm, nhưng chống dịch thì không chỉ có vậy. Nếu chúng tôi xử lý không chắc chắn và cẩn thận, dịch không chỉ ở Bắc Giang mà có thể bung ra cả nước.
- Nhưng sau khi đóng cửa các khu công nghiệp, cuộc sống công nhân chắc chắn bị ảnh hưởng. Ông đánh giá mức độ ảnh hưởng này thế nào và tỉnh có phương án gì để hỗ trợ họ?
- Sau khi ra lệnh đóng cửa khu công nghiệp, Bắc Giang cũng đưa ra lời kêu gọi công nhân ở lại, không về quê. Tỉnh cũng có cam kết sẽ đảm bảo đời sống cho công nhân. Hiện, hàng vạn công nhân vẫn đang ở lại các xóm trọ và tất cả đều ở trong khu vực cách ly xã hội, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Trước mắt, đời sống của họ chắc chắn bị ảnh hưởng vì không đi làm thì không có thu nhập. Thời gian đầu có thể số người chịu ảnh hưởng chưa nhiều, nhưng dịch bệnh càng kéo dài thêm bao nhiêu ngày thì càng có thêm bấy nhiêu người bị ảnh hưởng.
Nếu chúng tôi xử lý không chắc chắn và cẩn thận, dịch không chỉ ở Bắc Giang mà có thể bung ra cả nước
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang
Ở nhiều xóm trọ, công nhân quen ăn ca ở công ty, họ thường chỉ ăn sáng ở nhà bằng mì tôm nên nhiều người còn không có nồi niêu, xoong, chảo để nấu nướng. Chủ nhà trọ cũng không thể nấu phục vụ cho hàng trăm công nhân cùng lúc. Do đó, việc bố trí ăn uống cho công nhân vẫn là một vấn đề hết sức nan giải.
Để giải quyết việc này, tỉnh thành lập một bộ phận chuyên trách để nắm bắt tình hình, chăm lo đời sống cho công nhân trong các xóm trọ, đồng thời đề ra các giải pháp hỗ trợ công nhân như huy động nguồn xã hội hóa, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh có các chính sách hỗ trợ công nhân là F0, F1, F2...
Chúng tôi cũng yêu cầu công ty sử dụng lao động phải có chính sách hỗ trợ cho chính công nhân của mình vì đây là nguồn lực của họ. Khi hết cách ly, họ sẽ trở lại nhà máy làm việc. Do đó, các nhà máy, doanh nghiệp không thể bỏ rơi công nhân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, sau khi có sự hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương, Bắc Giang đã cơ bản giải quyết được bài toán về thiếu mẫu sinh phẩm xét nghiệm. Tuy nhiên, tỉnh còn đối mặt với khó khăn về thiếu nhân lực lấy mẫu xét nghiệm và đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm điều trị Covid-19.
"Các chuyên gia đang thiết lập bệnh viện dã chiến 620 giường và nếu đưa vào vận hành, chúng tôi cũng phải cần đến hàng trăm bác sĩ và kỹ thuật viên. Do đó, Bắc Giang còn phải nhờ Bộ Y tế cũng như các ngành công an, quân đội chi viện các lực lượng này", ông Dương cho biết.