Hai tháng sau vụ việc máy bay của Vietnam Airlines cất cánh từ Tân Sơn Nhất đi Phú Quốc với phần thân vỏ bị hư hỏng, Cục Hàng không Việt Nam đã có kết luận điều tra vụ việc.
Theo đó, lỗi lớn nhất thuộc về nhân viên vận hành xe nâng. Người này đã thiếu tập trung, vận hành sai quy trình dẫn đến lan can bảo hiểm trên sàn xe nâng va chạm với máy bay và gây ra hỏng hóc cho vỏ máy bay. Khi nhận biết có va chạm, nhân viên xe nâng cũng không báo cáo sự việc.
Vết móp tại bụng máy bay do va chạm với lan can của xe nâng. Ảnh: CAA. |
Sau hành vi của nhân viên xe nâng, 2 nhân viên kỹ thuật của VAECO đã không thực hiện kiểm tra khu vực đuôi máy bay nên không phát phát hiện ra hỏng hóc. Ngoài ra, Cục Hàng không cũng xác định nhân viên xe nâng sau khi lái xe vào vị trí sửa chữa máy bay đã bỏ đi nơi khác, để các nhân viên kỹ thuật tự điều khiển nâng hạ xe nâng dù những người này không có chuyên môn chức trách.
Về trách nhiệm của tổ bay, nhà chức trách hàng không xác định lái chính chuyến bay đã không phát hiện ra hư hỏng, dù khu vực đuôi máy bay cũng thuộc vị trí mà người này phải kiểm tra.
Hậu quả, máy bay đã cất cánh với phần vỏ ở đuôi bị móp. Vụ việc được Cục Hàng không xếp loại sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C).
Sau vụ việc, Cục Hàng không yêu cầu Vietnam Airlines dừng bay đối với lái chính để huấn luyện lại quy trình kiểm tra trước chuyến bay.
Cục cũng yêu cầu VAECO đình chỉ giấy phép của nhân viên vận hành xe nâng, xem xét biện pháp kỷ luật đối với nhân viên này. Các nhân viên kỹ thuật phụ trách kiểm tra máy bay trước chuyến bay, phụ trách kéo đẩy, bảo dưỡng đuôi máy bay cũng bị đình chỉ giấy phép để huấn luyện lại.
VAECO phải kiểm tra nội bộ tình trạng nhân viên bỏ vị trí làm việc, làm tắt, bỏ bước, không thực hiện đúng quy trình.
Ngày 17/4, chuyến bay VN1823 (dòng máy bay A321) của Vietnam Airlines sau khi hạ cánh tại Phú Quốc thì các nhân viên kỹ thuật phát hiện phần vỏ ở bụng đuôi máy bay có 2 vết lõm. Một vết dài 67 cm, rộng 50 cm và sâu 1 cm, vết còn lại có kích cỡ tương tự. Ngoài ra, phần vỏ miệng hút khí động cơ phụ bị một số vết rạn tại phần góc. Với hỏng hóc vượt giới hạn cho phép, máy bay phải tạm dừng hoạt động để đánh giá, sửa chữa.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy trước khi thực hiện chuyến bay, máy bay được bảo dưỡng phần đuôi với sự hỗ trợ của xe nâng đêm 16/4 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nhân viên vận hành xe nâng khi thực hiện thao tác rút phương tiện ra khỏi vị trí bảo dưỡng đã vận hành không đúng quy trình, dẫn đến tấm chắn an toàn trên sàn xe nâng va chạm vào máy bay và gây ra lõm, móp phần vỏ.