Việc tin rằng tất cả chúng ta đều được định sẵn để làm nên điều gì đó thật đặc biệt đã trở thành một phần được chấp nhận trong văn hóa của chúng ta. Những người nổi tiếng nói vậy. Các ông trùm doanh nghiệp nói vậy. Các chính trị gia nói vậy. Ngay cả Oprah cũng nói như thế (nên điều này chắc đúng). Mỗi và mọi người trong số chúng ta đều có thể trở nên đặc biệt. Chúng ta xứng đáng với sự vỹ đại.
Sự thực là câu nói này vốn dĩ đã mâu thuẫn - xét cho cùng, nếu mọi người đều đặc biệt, thì định nghĩa không ai có thể được xem là đặc biệt đều bị mọi người xem nhẹ. Thay vì đặt ra nghi vấn về việc ta xứng hay không xứng với cái gì, chúng ta ngấu nghiến cái thông điệp ấy và đòi hỏi nhiều hơn nữa.
Ở mức “trung bình” trở thành chuẩn mực mới của sự thất bại. Nằm ở mức trung bình của đội ngũ, nằm ở lưng chừng của đường phân phối chuẩn là điều tồi tệ hơn cả. Khi tiêu chuẩn của một nền văn hóa là “trở nên khác biệt,” thì việc nằm ở thái cực thấp nhất của đường phân phối chuẩn vẫn tốt hơn nhiều so với việc nằm ở giữa, bởi vì ít nhất thì bạn vẫn đặc biệt và xứng đáng nhận được sự chú ý. Nhiều người lựa chọn chiến lược này: Chứng minh với mọi người rằng họ là kẻ bất hạnh nhất, hay bị đàn áp nhất, hoặc bị trù dập nhiều nhất.
Rất nhiều người sợ phải chấp nhận mình cũng chỉ là người bình thường mà thôi bởi vì họ tin rằng nếu như chấp nhận điều đó, họ sẽ không bao giờ đạt được thứ gì, không bao giờ tiến bộ, và rằng cuộc đời họ chẳng có nghĩa lý gì.
Kiểu suy nghĩ này thật nguy hiểm! Một khi bạn chấp nhận tiền đề rằng một cuộc đời chỉ đáng giá nếu như nó thật sự đáng kể và tuyệt vời, thì về cơ bản bạn đã chấp nhận thực tế rằng hầu hết mọi người (trong đó có bạn) đều tệ hại và vô dụng. Quan niệm này có thể dễ dàng trở nên nguy hiểm đối với chính bạn và mọi người.
Ảnh: Courtesy of Muhammad Sarim Akhtar/Buenos Muzik. |
Hiếm người nào trở nên thật sự xuất sắc trong lĩnh vực nào đó vì họ tin rằng họ đặc biệt. Ngược lại, họ trở nên tuyệt vời như vậy là bởi vì họ bị ám ảnh với việc phải tiến bộ hơn. Và nỗi ám ảnh ấy xuất phát từ một lòng tin tuyệt đối rằng bọn họ, thực ra, chẳng vỹ đại chút nào hết. Đó là phản lại việc tự cho mình đặc quyền. Những người xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó trở nên xuất sắc bởi vì họ hiểu rằng họ chưa thật tuyệt lắm đâu - rằng họ cũng là loại thường thôi, rằng họ chỉ ở mức trung bình - và rằng họ còn có thể tiến bộ nhiều hơn nữa.
Toàn bộ việc mà “mọi người đều có thể trở nên đặc biệt và đạt được thành tựu vỹ đại” về cơ bản chỉ là việc tự tôn vinh bản ngã mà thôi. Đó là một thông điệp ngon lành khi tiêu hóa, nhưng trên thực tế không có thứ gì thiếu dinh dưỡng lại khiến bạn béo ú và phì nộn hơn thế, nói cho văn hoa thì đó chiếc Big Mac dành cho trái tim và trí não bạn.
Tấm vé để có một tinh thần khỏe mạnh cũng giống như đối với một thân thể khỏe mạnh đến từ việc ăn rau - đó là chấp nhận sự thật nhạt nhẽo và phàm tục của cuộc sống: Những sự thật kiểu như “Hành động của bạn thực ra không có ý nghĩa nhiều đến thế trong mọi việc” và “Toàn bộ cuộc đời bạn sẽ cực nhàm chán, không đáng nhớ, và thế cũng không sao!” Món rau này mới đầu sẽ khó ăn, rất tệ là khác! Bạn sẽ tránh né việc chấp nhận nó.
Nhưng một khi đã tiêu hóa chúng, cơ thể bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khoẻ mạnh và có sức sống hơn. Rốt cuộc, áp lực triền miên vì phải trở nên xuất sắc, trở thành người tiếp bước vỹ đại sẽ được trút khỏi lưng bạn. Nỗi căng thẳng và lo lắng của việc luôn cảm thấy không đủ và nhu cầu không ngừng nghỉ được chứng tỏ bản thân sẽ tiêu tan. Và việc nhận biết, chấp nhận sự tồn tại tầm thường của bạn sẽ thực sự cho phép bạn đạt tới những điều mà bạn ao ước mà không phải chịu những phán xét hay những kỳ vọng cao ngất.
Bạn sẽ ngày càng trân trọng những trải nghiệm căn bản của cuộc sống: niềm vui thích trước tình bạn giản dị, sáng tạo nên thứ gì đó, giúp đỡ một ai đó, đọc một quyển sách hay, vui đùa với người mà bạn quan tâm.
Nghe có vẻ nhàm chán nhỉ? Đó là bởi những điều này thật tầm thường. Nhưng có lẽ chúng tầm thường vì một lý do: Bởi vì chúng thật sự có ý nghĩa.