Trò chuyện thường xuyên với người bệnh sa sút trí tuệ sẽ giúp bệnh nhân cải thiện khả năng nhận thức. Ảnh: SK&ĐS. |
Gần đây, không chỉ các phương pháp điều trị bằng thuốc mà cả các phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng đã được phát triển để cải thiện triệu chứng của bệnh nhân sa sút trí tuệ. Trong số đó, phương pháp điều trị can thiệp nhận thức nhận được sự quan tâm đặc biệt và nghiên cứu tích cực. Phương pháp can thiệp nhận thức bao gồm các lĩnh vực kích thích nhận thức, rèn luyện nhận thức và phục hồi nhận thức.
Kích thích nhận thức là phương pháp cho bệnh nhân tham gia vào các hoạt động đa dạng để cải thiện nhận thức và hành động tổng thể. Phương pháp này có thể áp dụng vào nhiều giai đoạn từ thời kỳ đầu của bệnh sa sút trí tuệ, đến thời kỳ giữa và thời kỳ bệnh đã đổ nặng.
Nó bao gồm liệu pháp định hướng đời thực, liệu pháp hồi tưởng, liệu pháp kích thích đa cảm, ca hát, chơi nhạc cụ và liệu pháp trồng trọt để thông báo về thời gian, địa điểm hoặc các sự kiện hiện tại. Hình thức này được sử dụng rộng rãi trong các viện điều dưỡng và các trung tâm chăm sóc ban ngày.
Rèn luyện nhận thức để cải thiện các chức năng nhận thức cụ thể như khả năng ghi nhớ, chức năng ngôn ngữ, khả năng tập trung chú ý và chức năng điều hành. Mức độ khó có thể được điều chỉnh tùy theo mức độ suy giảm nhận thức.
Hình thức này có thể được sử dụng cho bệnh nhân sa sút trí tuệ, ngoại trừ những người mắc bệnh nặng. Có liệu pháp nhóm và trị liệu cá nhân, và gần đây, các chương trình rèn luyện nhận thức điện toán hóa sử dụng máy tính cũng đang được áp dụng rộng rãi.
Phục hồi nhận thức là một phương pháp điều trị nhằm cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Phương pháp này có thể áp dụng cho bệnh nhân ở nhiều giai đoạn, từ thời kỳ đầu cho đến thời kỳ bệnh đổ nặng. Vì các mục tiêu cụ thể của phục hồi nhận thức ở mỗi bệnh nhân khác nhau nên chúng được quyết định sau khi tham khảo ý kiến của bệnh nhân và người giám hộ.
Bệnh Alzheimer là căn bệnh điển hình của chứng sa sút trí tuệ. Người bệnh có thể sống được trung bình khoảng mười năm sau khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện, tuy nhiên giữa mỗi cá nhân lại có sự khác biệt rất lớn.
Ban đầu, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng khả năng suy giảm trí nhớ thể nhẹ, sau đó các triệu chứng dần trở nên trầm trọng hơn. Khả năng ghi nhớ những sự kiện gần đây bị suy giảm, nhưng những ký ức cũ vẫn được duy trì tương đối tốt. Khả năng định hướng suy giảm theo thứ tự sau: thời gian, địa điểm và con người. Trong giai đoạn đầu của chứng sa sút trí tuệ, có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, khó chịu và nghi ngờ.
Khi bước vào giai đoạn giữa, các chức năng nhận thức khác nhau bị suy giảm và xuất hiện các triệu chứng tâm lý hành vi. Những ký ức cũ bắt đầu xấu đi và khả năng định hướng cũng kém dần. Đồng thời phát sinh vấn đề về việc hiểu và diễn đạt lời nói. Các triệu chứng tâm lý hành vi như hoang tưởng, ảo giác, thơ thẩn, mất ngủ, hung hăng thường xuyên xuất hiện.
Ở giai đoạn cuối, đa số các chức năng nhận thức đều bị mất và các triệu chứng thể chất trở nên trầm trọng hơn. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nhận biết mọi người và kỹ năng ngôn ngữ suy giảm rất nhiều.
Đồng thời có thể xảy ra tình trạng tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, đi lại khó khăn và cứng khớp, cuối cùng khi mọi thứ trầm trọng hơn bệnh nhân có thể bị viêm phổi hoặc lở loét do nằm liệt giường, và dẫn đến tử vong.
Bình luận