Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều tra vụ hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh 'bị thất lạc'

Bộ Nội vụ đang làm việc với cơ quan công an về một bộ hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch Hậu Giang bị thất lạc.


Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 Chiều 3/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Tham dự cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/8 có Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa...

Đại diện các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên.

  • Quyết đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

    Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng là thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%, trong 6 tháng cuối năm đạt mức tăng 7,43%.

    Ngay phiên họp hôm nay có chuyên đề về giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, do Bộ trưởng Tài chính báo cáo. Trong đó có các giải pháp như giảm chi phí đường bộ, giảm tiền lệ lô hàng phải kiểm tại khâu thông quan xuống 15%, phí thông quan…

    Bộ Kế hoạch Đầu tư giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, tiếp cận đất đai, giảm các chi phí công chính thức. Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, một cách công khai minh bạch trong việc thu các khoản thuế và phí.

    Về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, Tổ đã có báo cáo gửi tới Chính phủ các cuộc làm việc từ đầu năm.

    Tổ công tác đã thực hiện việc kiểm tra tại PVN, kiểm tra 13 cơ quan địa phương giải ngân chậm vốn ngân sách nhà nước. Kiểm tra liên quan đến thực hiện nhiệm vụ tại các tổng công ty, tập đoàn kinh tế…

    Chính phủ và Thủ tướng đã giao khoảng 13.000 nhiệm vụ, 7.000 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn khoảng 6.000 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Nhiệm vụ quá hạn vẫn chiếm tới 3,2% do các bộ ngành bỏ qua và con số này đang tăng lên.

  • Nhiều tín hiệu kinh tế - xã hội tích cực

    Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kinh tế vĩ mô 7 tháng qua ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát, tăng 0,31% tăng so với tháng 12/2016, đảm bảo mục tiêu đề ra.

    Tín dụng tăng trưởng cao nhất cùng kỳ 6 năm gần đây, 8,92% so với tháng 12/2016. Lãi suất cho vay đều giảm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng (0,5-1%). Việc cơ cấu lại ngân hàng yếu kém và nợ xấu đang được tích cực thực hiện. Thị trường chứng khoán tăng trưởng.

    "Xuất khẩu tăng 18,7%, thu ngân sách đạt khá. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều tốt, mặc dù sản xuất khai khoáng tăng chậm cùng kỳ. 7,24 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,8% là một dấu hiệu rất tích cực so với nước ta hiện nay...", ông Dũng nói.

    Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh đã ổn định, đã cải thiện tốt, tích cực hơn thời điểm năm trước. FDI tăng trên 52% so với năm trước, đạt khoảng 22 tỷ USD. Đã có 73.000 doanh nghiệp thành lập mới.

    Về hoạt động đối ngoại, nổi bật là chuyến thăm của Thủ tướng tới Hà Lan...

  • Đề nghị không phạt người đi thế chấp ngân hàng để vay tiền mua xe

    - Về việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy tờ gốc, hướng xử lý của Chính phủ ra sao?

    - Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nghị định 163 có quy định khi thế chấp, bên đi thế chấp được quyền nắm giữ giấy tờ của tài sản này. Trong khi đó Bộ luật Dân sự quy định bên nhận thế chấp có quyền nắm giữ giấy tờ của phương tiện đó nếu như thỏa thuận vay mượn có.

    Bo truong Mai Tien Dung anh 1
     

    NHNN có nhận được phản ánh về vướng mắc của các ngân hàng thương mại về việc nếu không nắm giữ giấy tờ gốc, bên đi thế chấp có thể cầm cố giấy tờ gốc và phát sinh nợ xấu. Vì vậy, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an không phạt người đi thế chấp để vay tiền mua xe.

    - Bộ trưởng VPCP Mai Tiến Dũng: Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho Bộ Tư pháp rà soát toàn bộ thủ tục liên quan tới việc cầm giữ giấy tờ thế chấp mua xe theo hướng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khi nào có kết luận chính thức sẽ thông báo rộng rãi.

     


  • "Người dân hiểu nhầm vật chất nhận chìm là chất thải"

    - Về việc nhận chìm 1 triệu m3 vật chất tại nhiệt điện Vĩnh Tân, hướng xử lý của Chính phủ, của Bộ TN&MT như thế nào?

    Bo truong Mai Tien Dung anh 2
     

    - Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN&MT (áo xanh): Đây là cơ hội chính thức để tôi trao đổi với báo chí về thông tin nhận chìm 1 triệu m3 bùn của Nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển. Ở đâu đó người dân hiểu nhầm vật chất là chất thải. Trên thực tế về thuật ngữ công ước London và Luật về biển cho rằng các vật chất về biển là tài nguyên và luôn có khuyến cáo xem xét tái sử dụng nguồn tài nguyên này.

    Về việc cấp phép của Bộ TN&MT thì Bộ đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và thấy rằng việc nhận chìm này tuân thủ luật pháp và hài hòa trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Trước đó trong việc xây dựng cảng Cái Lân, cảng Lạch Huyện chúng ta đã làm.

    Bộ TN&MT đã tiếp cận vấn đề nhận chìm vật chất ở Vĩnh Tân chặt chẽ, toàn diện, khoa học và bài bản hơn. Quan điểm của Chính phủ, Bộ TN&MT là đương nhiên bảo vệ môi trường, không đánh đổi phát triển với môi trường. Tuy nhiên môi trường cũng phải hài hòa với phát triển. Bộ TN&MT dựa trên quy định của pháp luật và các cơ sở khoa học xác đáng.

    Sau khi có dư luận từ người dân và các nhà khoa học, Viện Hải dương học Nha Trang cũng công bố đánh giá độc lập để có thể đối chứng, kiểm chứng với các báo cáo của Bộ TN&MT. Bên cạnh đó Chính phủ cũng giao cho Viện Hàn lâm Khoa học cũng có đánh giá tiếp cận ở góc độ khoa học xem xét ở các góc độ cơ lý hóa để xem góc độ toàn diện.

     

  • Không chấp nhận đơn thôi việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

    - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương. Bà Thoa cũng đã nộp đơn nghỉ công tác. Vậy xử lý về mặt chính quyền sẽ như thế nào? Vấn đề liên quan tới tài sản của bà Thoa được xem xét ra sao?

     - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Tại kỳ họp thứ 16, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo cụ thể về việc kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương. Theo quy định, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý nên Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ tiến hành họp, sau đó báo cáo xin ý kiến của Ban Bí thư.

    Ngày 31/7, Ban Cán sự Đảng Chính phủ nhận được báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và đơn xin thôi việc của bà Hồ Thị Kim Thoa. Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ xem xét đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Thoa. Tuy nhiên, theo Luật Công chức, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật thì sẽ không được chấp nhận thôi việc.

  • Điều tra thông tin hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh "bị thất lạc"

    - Liên quan tới việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, được biết hồ sơ về quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh tại Bộ Nội vụ đang thất lạc và Bộ Công an đã vào cuộc. Vậy kết quả kiểm tra về sự việc này như thế nào?

    Bo truong Mai Tien Dung anh 3
     

    - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa: Liên quan đến hồ sơ phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang của Trịnh Xuân Thanh, về việc hồ sơ thất lạc hay không, chúng tôi đang báo cáo với cơ quan công an và vẫn đang quá tình kiểm điểm và điều tra. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo cụ thể.

    Về hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh, Bộ Nội Vụ nhận được 2 hồ sơ có dấu đỏ gốc của tỉnh Hậu Giang. Trên cơ sở đó văn thư Bộ Nội vụ đã đóng dấu 1 bản và giữ 1 bản gốc. Còn thất lạc 1 bản đóng dấu công văn đến. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan công an về việc này khi có kết quả cụ thể sẽ thông tin tới các cơ quan báo chí.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm