CNN cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua "chuyến tàu lượn siêu tốc". Nguyên nhân chủ yếu là những kỳ vọng về các động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Phố Wall phấn chấn vì Fed khẳng định các quyết định trong tương lai sẽ tính đến "tổng mức thắt chặt tiền tệ, độ trễ của tác động lên hoạt động kinh tế và lạm phát, tình hình kinh tế, tài chính".
"Đó là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ thắt chặt trong tháng 12", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nói với Zing.
Thị trường Mỹ trồi sụt theo những phát biểu của ông Powell và các quan chức Fed. Ảnh: Reuters. |
Phán đoán động thái tiếp theo của Fed
Nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhanh chóng dập tắt mọi hy vọng. Trong họp báo ngay sau cuộc họp chính sách ngày 2/11, ông cho biết ngân hàng trung ương Mỹ vẫn lo lắng về lạm phát.
"Khi giới đầu tư tin rằng Fed sẽ ôn hòa hơn trong việc thắt chặt chính sách, vốn là điều mà họ mong chờ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã giáng đòn mạnh vào thị trường", ông Craig Erlam bình luận với Zing.
Tuy nhiên, theo CNN, vấn đề nằm ở chỗ các nhà đầu tư đã quá chú ý đến những tuyên bố của ông Powell và các quan chức khác tại Fed, thay vì những con số phản ánh bức tranh thực sự của nền kinh tế.
Vấn đề nằm ở chỗ các nhà đầu tư đã quá chú ý đến những tuyên bố của ông Powell và các quan chức khác tại Fed, thay vì những con số phản ánh bức tranh thực sự của nền kinh tế
CNN
Trên thực tế, Fed vẫn phụ thuộc vào dữ liệu. Cơ quan này sẽ đưa ra các chính sách dựa trên tình hình của thị trường việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng và một loạt yếu tố khác.
2 ngày trước báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ, ông Powell cho rằng thị trường lao động vẫn khỏe mạnh. Các con số mới nhất sẽ ảnh hưởng đến những động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương.
"Fed đang học hỏi và thích ứng, nhưng vẫn phải dựa trên dữ liệu", ông Mark Hamilton - Giám đốc đầu tư của Hirtle Callaghan - bình luận.
Trong khi đó, các nhà đầu tư quá ám ảnh với những động thái tiếp theo của Fed.
Vấn đề phình to khi các nhà đầu tư tin rằng động thái tiếp theo đã được Fed định sẵn. Nhưng quá nhiều thứ sẽ thay đổi, và ngân hàng trung ương Mỹ luôn phải phân tích một lượng lớn dữ liệu mới.
"Không có ngày nào mà thị trường không phân tích các câu nói của ông Powell hay những thành viên khác", ông Christopher Smart - chiến lược gia toàn cầu của Barings - bình luận.
Nhưng những lời nói không phải các con số. "Và chúng rất không chắc chắn", ông Smart nhận xét.
Tập trung vào những con số thay vì lời nói
Đó là lý do Phố Wall liên tục thay đổi phán đoán về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed.
Trong cuộc họp chính sách ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Một tháng trước, thị trường đánh giá khả năng Fed tăng lãi suất lên 4-4,25% vào tháng 12 là 13,5%.
Khả năng lãi suất tăng lên 4,25-4,5% lên tới 63%, còn mức 4,5-4,75% có tỷ lệ 23,5%.
Nhưng sau đợt tăng lãi suất tháng 11, các nhà đầu tư tin rằng Fed hoặc nâng lãi suất lên 4,25-4,5%, hoặc 4,5-4,75%, tức mỗi kịch bản đều có khả năng 50%.
Báo cáo CPI tháng 10 sẽ được công bố trong tuần này. Ảnh: Reuters. |
Vấn đề nằm ở chỗ con số quan trọng hơn lời nói. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 sẽ được công bố trong tuần này. CNN cho rằng giới đầu tư cần tập trung vào dữ liệu này hơn những phát biểu của các quan chức Fed.
Fed đang phân tích các dữ liệu giống mọi người. Và mức tăng lãi suất tương lai sẽ thay đổi theo những báo cáo kinh tế mới nhất.
"Mọi người đều nhìn vào những con số. Việc các nhà hoạch định chính sách đánh giá dữ liệu đó ra sao cũng rất quan trọng", ông Leo Grohowski - Giám đốc đầu tư tại BNY Mellon Wealth Management - nhận định.
Vì vậy, trừ khi báo cáo cho thấy áp lực về giá đã giảm đáng kể, Fed sẽ vẫn giữ vững quan điểm.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.