Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phố Wall nín thở trước bầu cử Mỹ giữa kỳ

Phố Wall "yêu thích" một chính phủ chia rẽ. Bởi nếu đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, đề xuất tăng thuế có khả năng chết yểu.

Phố Wall dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, Phố Wall vừa trải qua một tuần biến động. Thị trường chìm trong sắc đỏ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu rằng lãi suất có thể tăng cao hơn dự kiến. Nhưng Phố Wall đang chuyển sự chú ý sang cuộc bầu cử giữa kỳ.

Thị trường sẽ phản ứng tích cực nếu đảng Cộng hòa giành được ít nhất một viện trong Quốc hội. Bởi điều đó có nghĩa là một số đề xuất chính sách bất lợi với thị trường có thể khó được thông qua hơn.

Theo dữ liệu từ Edelman Financial Engines, kể từ năm 1948 đến nay, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 16,9%/năm trong 9 năm đảng Dân chủ giữ Nhà Trắng, còn đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong lưỡng viện.

Mức tăng trung bình là 15,1% trong những năm đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện, và 15,9% khi Đảng Cộng hòa nắm toàn quyền.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội là tin tốt với Phố Wall

Phố Wall rất yêu thích việc các chính trị gia bất đồng và không thể ban hành bất cứ luật mới nào gây tổn hại tới lợi nhuận doanh nghiệp.

Thuế doanh nghiệp là một trong những ví dụ.

"Nếu đảng Cộng hòa chiếm được Hạ viện, việc tăng thuế sẽ chết từ trong trứng nước", ông David Wagner - chuyên gia quản lý danh mục đầu tư của Aptus Capital Advisors - nhận định.

Khả năng cao đảng Cộng hòa sẽ không thông qua thuế áp lên các doanh nghiệp dầu mỏ, và cũng không ủng hộ việc tăng thuế đối với giới nhà giàu.

Dù đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện, các đề xuất của ông chủ Nhà Trắng sẽ khó được thông qua hơn. Nhưng trên thực tế, Nhà Trắng và những nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng có sự đồng thuận trong một số vấn đề.

bau cu giua ky anh 1

Phố Wall yêu thích việc các chính trị gia bất đồng và không thể ban hành bất cứ luật mới nào gây tổn hại tới lợi nhuận doanh nghiệp. Ảnh: Reuters.

Theo ông, việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện sẽ dẫn tới tăng cường chi tiêu cho quốc phòng.

Hạ viện Mỹ đã thông qua đề xuất ngân sách quốc phòng cao kỷ lục vào mùa hè này.

Nhà Trắng và đảng Cộng hòa cũng có chung quan điểm về việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Đó sẽ là tin tốt với các cổ phiếu tiện ích, xây dựng và một số mã bất động sản. Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.000 tỷ USD.

“Mọi thứ đều phân cực về mặt chính trị, nhưng vẫn có điểm chung là cơ sở hạ tầng. Điều đó từng xảy ra giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton hồi năm 2016”, ông Jim Lydotes, Phó giám đốc phụ trách đầu tư cổ phiếu tại Newton Investment Management, bình luận.

Sự chia rẽ không phải lúc nào cũng tốt

Dĩ nhiên, không có gì đảm bảo rằng ông Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ có thể làm việc hiệu quả với những nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa. Khi bầu cử giữa nhiệm kỳ đi qua, câu chuyện sẽ nhanh chóng chuyển sang cuộc đua tổng thống năm 2024.

Quốc hội và Nhà Trắng có thể đối đầu nhau nhiều hơn, thay vì cố gắng thông qua đề xuất luật.

Một chính phủ chia rẽ cũng có một số hạn chế, nhất là với những lo ngại về một cuộc suy thoái vào năm sau.

Chúng tôi sợ rằng một chính phủ chia rẽ sẽ dẫn tới những tranh cãi về nợ trần và nguy cơ đóng cửa chính phủ

Ông Rob Dent, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Nomura Securities International

Ông Rob Dent, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Nomura Securities International, cho rằng nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, chính phủ liên bang sẽ chi ít hơn cho các chương trình mạng lưới an toàn xã hội.

Điều đó sẽ khiến nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm hơn. Đó không phải tin tốt với thị trường chứng khoán. Bởi chi tiêu của người tiêu dùng thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp.

Một chính phủ chia rẽ sẽ tranh cãi nhiều hơn về vấn đề nợ trần. Lần gần nhất nợ trần trở thành vấn đề lớn trong Quốc hội Mỹ là ở nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Barack Obama.

Những tranh cãi về nợ trần khiến chứng khoán Mỹ mất xếp hạng tín nhiệm AAA từ Standard & Poor vào tháng 8/2011. Điều đó khiến thị trường chứng khoán bay hơi 5%.

Theo ông Dent, với kịch bản này, Washington sẽ hành động ít hơn để vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái.

“Chúng tôi sợ rằng một chính phủ chia rẽ sẽ dẫn tới những tranh cãi về nợ trần và nguy cơ đóng cửa chính phủ. Mỹ đã không phải đối mặt với tình huống này trong một thời gian khá dài”, ông Dent bình luận.

Nhưng cuối cùng, các tin tức về cuộc bầu cử chỉ là những thông tin gây nhiễu cho thị trường. Chiến lược gia trưởng thị trường của Ameriprise Anthony Saglimbene cho biết sau những cuộc bầu cử, cổ phiếu đã tăng mạnh dù đảng nào kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội.

Thông tin về cuộc bầu cử có thể bị lấn át bởi những vấn đề vĩ mô khác, chẳng hạn tăng trưởng, lợi nhuận, lạm phát và lãi suất, vốn ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong dài hạn.

Ông thừa nhận rằng kết quả bầu cử có thể dẫn tới những biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường hiện đã định giá dựa trên kịch bản về một chính phủ chia rẽ.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.

Nhu cầu dầu toàn cầu sắp bùng nổ?

OPEC kêu gọi đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu mỏ vì nhu cầu sẽ bùng nổ trong hai thập kỷ tới.

Giá xăng chi phối suy nghĩ của người Mỹ

Khi giá xăng tăng lên, người Mỹ bi quan hơn về hoàn cảnh cá nhân, về nền kinh tế và thậm chí là tình hình quốc gia. Và mọi thứ đảo chiều khi xăng hạ giá.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm