Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Điều nhiều người chưa biết về bà Harris

Những buổi phỏng vấn trong tuần này phần nào thể hiện phong cách của bà Harris: Ứng biến câu hỏi khó bằng cách lảng tránh trọng tâm và xoay chuyển theo hướng có lợi cho mình.

Khi ngày bầu cử 5/11 tới gần, trong tuần này, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tham gia một loạt buổi phỏng vấn để giới thiệu với cử tri những điều họ chưa biết về bà.

Theo New York Times, nhờ đó, có một điều cử tri hiểu thêm về bà: Ứng viên đảng Dân chủ trả lời câu hỏi theo cách bà muốn, thay vì trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.

Các chính trị gia, đặc biệt là các tổng thống Mỹ, từ lâu đã phải luyện tập thành thạo khả năng "đánh trống lảng" và xử lý những câu hỏi khó chịu trong khi vẫn giữ được thông điệp chính.

Trong tuần qua, bà Harris đã tạo được dấu ấn riêng. Phó tổng thống thường tránh thẳng thắn trả lời những câu hỏi khó, đặt câu hỏi ngược lại cho phóng viên nếu cảm thấy sai, hoặc thậm chí tự diễn đạt lại câu hỏi theo cách bà cảm thấy hợp lý.

Có thể vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu

Thay vì đơn thuần né tránh trả lời trực tiếp - vốn bị coi là động thái phòng thủ, Phó tổng thống Harris biến câu trả lời thành một đòn phản công. Bà có thể nhanh chóng đáp lại câu hỏi và nhanh chóng gài bẫy đối thủ, như cách bà đã làm với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận hồi tháng 9.

Trong chương trình The View của ABC News, phóng viên đã đề cập tới cáo buộc từ Thống đốc Florida Ron DeSantis, khi ông nói bà Harris chỉ đề nghị hỗ trợ ứng phó bão vì đang là ứng viên tổng thống. Bà nhanh chóng ám chỉ lời chỉ trích đó là bằng chứng cho thấy góc nhìn thiên kiến của chính ông DeSantis.

Còn khi người dẫn chương trình Howard Stern trong chương trình SiriusXM hỏi bà có chọn cựu nghị sĩ Liz Cheney - đảng viên Cộng hòa - vào nội các không, phó tổng thống lảng sang: “Tôi phải thắng đã, Howard. Tôi phải thắng, tôi phải thắng”.

bau cu tong thong my anh 2

Bà Harris đã có mặt tại New York hôm 8/10 để tham gia ba cuộc phỏng vấn. Ảnh: New York Times.

Với nền tảng là một công tố viên, bà Harris có xu hướng lập luận, luôn ở tư thế phòng thủ và lảng tránh. Phó tổng thống có thể nói một cách say sưa về các giá trị của bản thân theo cách khiến người nghe cảm thấy như thể câu hỏi đã được trả lời, trong khi bản chất vẫn chưa được giải quyết. Để tránh nêu rõ lập trường trong một số vấn đề, bà tập trung nói về tinh thần cống hiến cho sự tiến bộ và hòa nhập.

Phong cách này có thể khiến một số cử tri cho rằng họ không hiểu rõ về bà hoặc các quan điểm chính sách của phó tổng thống. Điều này trở thành điểm yếu lớn nhất khi bà phải nhanh chóng thuyết phục hàng triệu cử tri còn đang do dự ở những bang chiến trường then chốt.

Trong khi đó, đối thủ của bà đang áp dụng một lối hùng biện khác. Ông Trump liên tục phá vỡ các chuẩn mực và thông lệ chính trị truyền thông. Cựu tổng thống nổi tiếng với việc bảo vệ những lời nói dối trắng trợn, hoặc nói lan man và quay lại những khẩu hiệu đã có từ gần một thập niên trước để né trả lời câu hỏi. Sau hai chiến dịch tranh cử tổng thống, ông từ chối tham gia những cuộc phỏng vấn hoặc tranh luận kiểm chứng sự thật ngay tại chỗ.

Trong 5 tuần qua, 30 cuộc phỏng vấn ông Trump thực hiện chủ yếu dành riêng cho kênh truyền thông bảo thủ hoặc những người dẫn chương trình công khai ủng hộ nỗ lực tranh cử vào Nhà Trắng của cựu tổng thống. Ông từ chối lời mời tham gia lần tranh luận thứ 2 với bà Harris và hủy cuộc phỏng vấn trước đó đã đồng ý với 60 minutes.

"Bà Harris đã tự tin hơn"

Tuy nhiên, việc cử tri chưa quen mặt bà Harris không đồng nghĩa bà chịu thiệt thòi. Trong khảo sát hồi tháng 9 của New York Times/Siena College, 1/4 cử tri nói họ cần tìm hiểu thêm về phó tổng thống, trong khi chỉ 1/10 người nói vậy về ông Trump.

Theo thăm dò, những cử tri muốn biết thêm về bà Harris chủ yếu là người trẻ tuổi, người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha. Họ thường không nghiêng về đảng phái chính trị nào và chủ yếu tiếp nhận tin tức từ các phương tiện truyền thông xã hội hoặc kênh trực tuyến, thay vì thông qua báo chí hoặc kênh truyền hình cáp.

Lịch trình của bà Harris, về cơ bản, tập trung vào việc tiếp cận những nhóm đối tượng cụ thể đó.

Trong lần xuất hiện trên podcast Call Her Daddy - chương trình phổ biến với phụ nữ Gen Z và Millennial, bà Harris lần đầu tiên nhắm vào những bình luận của Thượng nghị sĩ JD Vance, ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa. Bà gọi câu nói “bà cô yêu mèo không con” của ông khi ở vị trí quyền lực là “hèn hạ và hẹp hòi”.

David Axelrod - người từng là chiến lược gia cho ông Barack Obama - từng công khai thúc giục bà Harris tương tác nhiều hơn với giới truyền thông. Ông Axelrod đã khen ngợi màn trình diễn của phó tổng thống trong tuần này.

“Hầu hết ứng viên đều mài giũa kỹ năng (giao tiếp) trong các chiến dịch tranh cử sơ bộ”, ông Axelrod ám chỉ việc chiến dịch của bà Harris được chuẩn bị gấp rút.

“Bà ấy bị ném vào nơi sâu nhất của hồ bơi khi chỉ còn 90 ngày là tới ngày bầu cử 90 ngày (tức là đối mặt với những thách thức lớn nhất mà không có nhiều thời gian chuẩn bị). Mặc dù chưa đạt được trình độ xuất sắc và chuyên nghiệp, bà Harris hiện trông thoải mái hơn nhiều so với vài tuần trước. Việc rèn giũa với truyền thông sẽ giúp bà cải thiện kỹ năng”, vị chiến lược gia nói thêm.

bau cu tong thong my anh 3

Bà Harris trong chương trình 60 Minutes. Ảnh: CBS News.

Lần xuất hiện trên 60 Minutes - chương trình tin tức truyền thống duy nhất bà đồng ý tham gia trong tuần này - đưa ra một số ví dụ rõ ràng nhất về cách bà trả lời đan xen với các đề xuất chính sách.

Khi phóng viên Bill Whitaker hỏi về kế hoạch kinh tế trị giá 3.000 tỷ USD, phó tổng thống trả lời bằng cách quảng bá những lợi ích tiềm ẩn cho tầng lớp trung lưu. Khi ông tiếp tục xoáy vào chủ đề này, bà đề xuất tăng thuế với nhóm người có thu nhập cao. Khi ông đặt câu hỏi về khả năng Quốc hội thông qua kế hoạch, bà lại nói về việc mình đang nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

“Tôi không thể có tầm nhìn ngắn hạn khi nhắc tới chủ đề củng cố nền kinh tế Mỹ”, bà Harris nói. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi là một công chức tận tụy. Các bạn biết điều đó mà. Tôi cũng là một nhà tư bản. Và tôi biết những hạn chế của chính phủ”.

Một chủ đề khác mà phóng viên Whitaker liên tục dồn ép là xung đột Dải Gaza, và bất đồng quan điểm giữa Israel và Mỹ, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu khước từ lời kêu gọi ngừng bắn và kiềm chế từ Washington.

Khi được hỏi liệu Mỹ “có ảnh hưởng gì đến Thủ tướng Netanyahu” hay không, bà Harris mô tả quan hệ ngoại giao giữa hai bên là “một cuộc rượt đuổi”.

Ông Whitaker tiếp tục dồn ép: “Ông Netanyahu không lắng nghe”. Bà Harris lại lặp lại câu trả lời, khẳng định chính quyền “sẽ không ngừng theo đuổi” việc chấm dứt giao tranh.

Ông Whitaker không dừng lại ở đó. Lần này, phóng viên hỏi thẳng liệu bà có coi ông Netanyahu là “một đồng minh thực sự thân thiết” hay không.

“Với tất cả sự tôn trọng, câu hỏi phù hợp hơn là: ‘Liệu chúng ta có một liên minh quan trọng giữa người dân Mỹ và người dân Israel không?’. Câu trả lời là có”, phó tổng thống vặn lại.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Bài liên quan

Sự xoay chuyển khó ngờ của bà Harris

Sự xoay chuyển khó ngờ của bà Harris

Thay vì bị cuốn theo những đòn công kích từ ông Trump, bà Harris tìm cách thể hiện hình ảnh người bảo vệ nước Mỹ thông qua các cam kết chính sách và nỗ lực giải quyết vấn đề.

Phương Linh