Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều khiến Nam Phi tiên phong trong áp thuế đường tại châu Phi

Đối mặt với thực trạng thừa cân và mắc các bệnh tiểu đường trong nước, Nam Phi đã trở thành quốc gia đầu tiên của châu Phi áp thuế đồ uống có đường, vào năm 2018.

Hình ảnh trong chiến dịch quảng cáo không dùng đồ uống có đường ở Nam Phi. Ảnh: HEALA.

Xuất phát điểm từ quốc gia đang phát triển, Nam Phi đã áp dụng mô hình áp thuế đồ uống có đường từ những nền kinh tế có quy mô tương đương như Mexico và Chile, hay từ những quốc gia phát triển như Anh.

Yêu cầu áp thuế đường và mục tiêu giảm tiêu thụ đường tại Nam Phi đến từ thực trạng nước này có tỷ lệ người bị tiểu đường cao nhất trong các nước ở vùng cận Sahara, và tiếp tục tăng đáng kể.

Chống lại "cơn nghiện" đồ uống có đường

Trong giai đoạn 2002-2012, lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại châu Phi bình quân đầu người đã tăng từ 183 sản phẩm của Coca-cola/người/năm lên 260 sản phẩm.

Tính riêng ở trẻ em, con số này là 254 trên mỗi trẻ trong một năm, cao hơn so với trung bình toàn cầu là 89 sản phẩm của Coca-cola.

Trong một báo cáo của tạp chí Public Health Nutrition hồi năm 2019, phần đông cư dân Soweto thuộc thành phố Johannesburg đồng tình với các quan điểm rằng những loại đồ uống như Coca-cola đã trở thành một phần không thể thiếu, và những người nghiện loại đồ uống này đa dạng ở mọi độ tuổi.

Năm 2017, Quốc hội Nam Phi đã thông qua luật áp thuế 11% với đồ uống có đường, chính thức có hiệu lực từ năm 2018, được các quan chức y tế hoan nghênh khi vừa tăng doanh thu vừa đạt mục tiêu y tế.

thue duong o nam phi anh 1

Lượng đường có trong một số loại nước ngọt. Ảnh: NB Dental.

Theo đó, sau 4 g/100 ml đầu tiên không phải chịu thuế, các nhà cung cấp sẽ phải trả 2,1 cent/gram/100 ml.

Việc tăng thuế buộc các nhà cung cấp phải lựa chọn giữa tăng giá bán và giảm lượng đường trong thành phần. Từ đó, nhiều nhãn hàng đã ra mắt những loại đồ uống không bổ sung năng lượng, và đường được thay thế bằng "chất tạo ngọt tổng hợp".

Tại Nam Phi, đường có trong các loại đồ uống chiếm 1/3 tổng lượng đường tiêu thụ. Do vậy, việc áp thuế đồ uống có đường đã giúp Nam Phi giảm tỷ lệ sử dụng đường rõ rệt.

Theo Bhekisisa, đến tháng 5/2021, người dân nước này đã mua đồ uống có đường ít hơn 28% kể từ khi luật áp thuế đường có hiệu lực. Những gia đình thu nhập thấp, vốn trước đây tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn những người thu nhập cao hơn, cũng đã giảm việc mua các loại thức uống này.

Lượng đường tiêu thụ từ các loại nước ngọt ở mỗi người đã giảm từ 16,25 g/ngày xuống còn 10,63 g/ngày. Trong khi đó, khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là mỗi người tiêu thụ khoảng 25 g đường/ngày sẽ mang lại lợi ích về sức khỏe.

Hỗ trợ từ chiến dịch truyền thông

Những tổ chức y tế trong nước đã cùng nhau thành lập Liên minh sống Lành mạnh (HEALA) và kêu gọi đánh thuế 20% với đồ uống có đường.

thue duong o nam phi anh 2

Hình ảnh trong chiến dịch quảng cáo không dùng đồ uống có đường ở Nam Phi. Ảnh: HEALA.

Dù là tổ chức nhỏ, các chiến dịch của HEALA được hỗ trợ bởi truyền thông nhà nước và các tổ chức quốc tế, biến các nỗ lực tuyên truyền mang lại những tác động, theo Vital Strategies.

Khi các nhóm nghiên cứu ra báo cáo về việc nhiều người không nhận thức được tác hại từ đồ uống có đường, HEALA đã đẩy một chiến dịch truyền thông vào năm 2016. Tổ chức này không đề cập đến việc áp thuế, và nhấn mạnh vào ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiêu thụ đồ uống có đường. Những quảng cáo như vậy được chiếu tại các kênh truyền hình nổi tiếng và tiếp cận được lượng khán giả lớn.

Khi dự luật áp thuế đường chuẩn bị bỏ phiếu, HEALA hướng trọng tâm sang các chính khách, khi chiếu quảng cáo trên các đài truyền hình cho doanh nghiệp, đặt biển quảng cáo trước trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Y tế hay tòa nhà quốc hội.

Chiến dịch truyền thông này đã thu về kết quả khi 90% khán giả tin rằng đồ uống có đường là tác nhân lớn nhất gây bệnh tiểu đường, so với 76% trước khi bắt đầu chiến dịch. Số người ủng hộ tăng thuế cũng tăng từ 67% lên 76%.

Kế hoạch đang chững lại

Dù mang những tín hiệu khả quan về sức khỏe bước đầu, quyết định tăng thuế của Nam Phi vấp phải những lo ngại về kinh tế.

Báo cáo hồi tháng 2 cho biết đất nước có thể mất tới 16% diện tích trồng mía và hơn 10% việc làm ở các trang trại, nếu chính phủ tiếp tục tăng thuế với đồ uống có đường và nhiều sản phẩm khác.

Theo tài liệu của Cục Chính sách Lương thực và Nông nghiệp Nam Phi, khoảng 54.000 ha đất trồng mía và hơn 9.000 việc làm có thể mất cho đến năm 2031, khi các loại thuế tăng khiến nhu cầu đường trong nước giảm.

thue duong o nam phi anh 3

Ngành sản xuất mía tại Nam Phi bị đe dọa khi đất nước áp thuế đường khiến nhu cầu tiêu thụ mía giảm. Ảnh: Bloomberg.

Bloomberg cho hay chính phủ đã thu về 120 triệu USD tính đến tháng 3/2022 kể từ khi áp thuế đồ uống có đường. Dù vậy, nhiều nghị sĩ cho rằng thuế này đã khiến đất nước tổn thất 445 triệu USD và mất 10.000 việc làm.

Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana cho biết sẽ không tăng thuế đường trong tài khóa 2023-2024 và 2024-2025. Ngoài ra, chính phủ Nam Phi cũng sẽ đề xuất về việc hạ ngưỡng miễn thuế 4g/100 ml và áp thuế với nước ép trái cây tự nhiên.

Hiệp hội đồ uống Nam Phi (BEVSA) đã dẫn đầu trong việc phản đối áp thuế đường, và đã đặt những quảng cáo phản đối thuế ở nhiều phương tiện truyền thông.

Trước khi luật thuế đường được thông qua, BEVSA đã cảnh báo quyết định này sẽ khiến đất nước mất 62.000-72.000 việc làm, và khiến 10.000 doanh nghiệp phải đóng cửa.

Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Áp thuế tiêu thụ với nước ngọt như thế nào để hiệu quả nhất?

Nhiều quốc gia đã ghi nhận tác động tích cực khi áp thuế tiêu thụ với đồ uống có đường, song giải pháp này sẽ không mang lại hiệu quả nếu chỉ áp dụng ở cấp độ địa phương.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm