Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Áp thuế tiêu thụ với nước ngọt như thế nào để hiệu quả nhất?

Nhiều quốc gia đã ghi nhận tác động tích cực khi áp thuế tiêu thụ với đồ uống có đường, song giải pháp này sẽ không mang lại hiệu quả nếu chỉ áp dụng ở cấp độ địa phương.

thue tieu thu nuoc ngot anh 1

Tháng 12/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố bản hướng dẫn đầu tiên về chính sách thuế với đồ uống có đường (SSB). Tính đến nay, ít nhất 85 quốc gia đã áp dụng một số loại thuế này nhằm giảm lượng đường tiêu thụ mỗi năm.

“Thuế đánh vào đồ uống có đường có thể là một công cụ mạnh mẽ để tăng cường sức khỏe, thúc đẩy công bằng y tế và huy động nguồn thu thuế hỗ trợ chương trình bảo hiểm y tế toàn dân tại nhiều quốc gia”, Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc bộ phận Nâng cao Sức khỏe tại WHO, nhận định.

Thuế SSB, thuốc lá và rượu đã được chứng minh là những công cụ hiệu quả về chi phí giúp ngăn ngừa bệnh tật, thương tích và tử vong sớm. Thuế SSB cũng có thể khuyến khích các công ty điều chỉnh lại công thức và giảm hàm lượng đường trong đồ uống.

Trong khi các quốc gia như Mexico, Nam Phi và Vương quốc Anh đã áp dụng thành công loại thuế này, một số khu vực khác vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Dấu hiệu khả quan

Thói quen tiêu thụ đồ uống có đường, bao gồm nước ngọt, sữa có hương vị, nước tăng lực, nước ép trái cây và trà đá ngọt có thể làm tăng nguy cơ sâu răng, tiểu đường loại 2, tăng cân và béo phì ở cả trẻ em và người lớn, cùng với các bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.

Theo WHO, các bằng chứng cho thấy việc áp thuế SSB làm tăng giá sản phẩm và giảm nhu cầu tiêu dùng. Dù thuế SSB chỉ ảnh hưởng đến một số sản phẩm, nó vẫn mang lại tác động đáng kể.

Nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Task Force for Global Health vào năm 2019 chỉ ra rằng việc tăng thuế có thể làm giảm mức tiêu thụ đồ uống, từ đó giảm mức độ béo phì và ngăn chặn 0,8-2,2 triệu ca tử vong sớm trong vòng 50 năm. Chính sách này cũng làm tăng nguồn thu thuế thêm 0,7-1,4 nghìn tỷ USD trong 50 năm tùy thuộc vào mức tăng.

thue tieu thu nuoc ngot anh 2

Mức thuế áp dụng với đồ uống có đường tại một số khu vực trên thế giới. Nguồn: Institute on Taxation and Economic Policy.

Bản hướng dẫn của WHO đã nêu bật kinh nghiệm của các quốc gia áp dụng thành công loại thuế này, bao gồm Vương quốc Anh, Mexico và Nam Phi.

Tại Vương quốc Anh, thuế SSB được áp dụng từ tháng 4/2018. Đây là loại thuế hai tầng đánh vào các nhà sản xuất theo hàm lượng đường trong đồ uống. Đồ uống chứa hơn 8 g đường/100 ml bị đánh thuế 0,24 bảng Anh/lít (0,29 USD/lít), và đồ uống chứa 5-8 g đường/ml bị đánh thuế 0,18 bảng Anh/lít (0,22 USD/lít).

Thành công của Vương quốc Anh đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Theo trang thông tin của chính phủ nước, các công ty đồ uống đã cắt giảm lượng đường trong công thức tương đương với việc loại bỏ 45 triệu kg đường khỏi các loại nước giải khát mỗi năm.

Tỷ lệ đồ uống có hàm lượng đường cao trong siêu thị cũng giảm. Từ năm 2015 đến năm 2019, tỷ lệ đồ uống trong siêu thị có hàm lượng đường lớn hơn 5 g/100 ml đã giảm từ 49% xuống 15%. Hàm lượng đường trong đồ uống chịu thuế giảm 43,7% sau 4 năm.

Điểm đáng chú ý là lượng đường trong đồ uống giảm mà không ảnh hưởng đến doanh thu chung. Một năm sau khi áp thuế, tổng lượng nước giải khát đã tiêu thụ, bao gồm cả những loại không chịu thuế, vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, tổng lượng đường trong nước giải khát đã giảm 10%.

Những kết quả này cho thấy việc áp thuế SSB có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe mà không gây tổn hại đến ngành hàng.

Tương tự Vương Quốc Anh, Nam Phi cũng đã áp dụng mức thuế 10% - được gọi là "thuế nâng cao sức khỏe" - đối với các loại nước ngọt ngoại trừ nước ép trái cây vào năm 2018. Theo đó, sản phẩm chứa nhiều hơn 4 g đường/100 ml phải chịu mức thuế 0,021 ZAR (0,0011 USD/g đường).

Nhờ chính sách này, Nam Phi đã hạn chế được số lượng đồ uống có ga tiêu thụ ở khu vực thành thị. Sức mua của các hộ gia đình đối với sản phẩm này giảm trung bình 29% sau khi áp thuế. Lượng đường trong những đồ uống này cũng giảm 51%.

thue tieu thu nuoc ngot anh 3

Các quốc gia áp thuế với đồ uống có đường trên thế giới tính đến tháng 4/2021. Ảnh: Global Food Research Program UNC.

Mexico cũng ghi nhận kết quả khả quan sau khi áp thuế SSB vào năm 2014, khiến giá nước ngọt có ga tăng khoảng 11%. Tính đến năm 2016, lượng tiêu thụ đồ uống có đường giảm 37% so với trước khi áp thuế. Xu hướng này biểu hiện rõ nhất ở các hộ gia đình thu nhập thấp và những hộ từng tiêu thụ số lượng lớn nước ngọt.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu từ Viện Y tế Công Cộng Mexico cũng dự đoán trong hơn 10 năm, thuế SSB sẽ ngăn chặn được 239.900 trường hợp béo phì, trong đó 39% là ở trẻ em.

Vướng mắc

Tuy nhiên, thuế SSB sẽ không thể phát huy hết hiệu quả nếu không được áp dụng đồng bộ.

Theo nghiên cứu từ Đại học Georgia (Mỹ), trong một số trường hợp loại thuế áp dụng với nước ngọt không tạo ra nhiều tác động trong việc cải thiện chế độ ăn uống và giảm lượng đường.

Nghiên cứu đã xem xét tác động của thuế SSB ở Philadelphia (Mỹ) vào năm 2017 và nhận thấy nhu cầu về loại đồ uống này giảm khoảng 31%, phù hợp với nghiên cứu trước đây.

Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ đơn giản là chuyển sang các loại thực phẩm có đường khác để lấp đầy khoảng trống hoặc đi đến các khu vực xung quanh - những nơi không đánh thuế sản phẩm có đường, bao gồm cả nước ngọt có ga và đồ ngọt như kẹo và bánh quy, theo USA Today.

Bên cạnh đó, thuế SSB đã làm tăng khoảng 4% lượng mua các mặt hàng có hàm lượng đường cao khác ở Philadelphia và các thị trấn lân cận.

thue tieu thu nuoc ngot anh 4

Tác động của thuế tiêu thụ nước ngọt vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ảnh: Shutterstock.

“Chúng ta có thể tác động đến hành vi thông qua thuế hay không? Câu trả lời là có, nhưng chỉ khi chính sách được ban hành ở các cấp chính quyền rộng hơn”, ông Felipe Lozano-Rojas, trợ lý giáo sư từ Trường Quan hệ Công chúng và Quốc tế thuộc Đại học Georgia, cho biết.

Ông cũng chỉ ra rằng chính sách này sẽ không hiệu quả nếu chỉ được áp dụng ở cấp độ địa phương.

Vị chuyên gia coi kết quả ở Philadelphia là một thất bại trong cách thiết kế và áp dụng thuế. “Hiện có rất nhiều sản phẩm thay thế và chúng tôi muốn tìm cách làm cho chính sách này hiệu quả hơn”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Lozano-Rojas cho hay những người nghèo nhất sẽ chịu gánh nặng thuế nặng nề nhất. Một nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm này có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho đồ uống có đường, vì vậy gánh nặng thuế ảnh hưởng đến họ nhiều hơn so với những người có khả năng mua nước ngọt với giá cao hơn.

Bà Lucy Dadayan, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện đô thị ở Washington, cũng đồng tình với cách lý giải này.

"Những người ủng hộ thuế SSB cho rằng mục tiêu chính là bù đắp chi phí kinh tế ngày càng tăng do bệnh béo phì, đồng thời cải thiện chế độ ăn uống không lành mạnh", bà nói. "Tuy nhiên, thuế SSB có tính lũy thoái, vì những đồ uống này nhiều khả năng được tiêu thụ bởi các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn".

Độc giả có thể tìm thêm kiến thức về tài chính, tiền tệ, doanh nghiệp, các câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Chìa khóa giải quyết khủng hoảng khí hậu từ tảo bẹ đường

Các nhà khoa học sẽ tiến hành dự án phát triển phương pháp trồng và thu hoạch trên quy mô trang trại, nhằm biến tảo bẹ đường thành công cụ tích trữ carbon.

10.000 tấn rác ngập đường phố Paris

Giới chức Paris cho biết lượng rác không được thu gom trên đường phố đã tăng lên 10.000 tấn, khi các nhân viên tiếp tục đình công phản đối cải cách hưu trí.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm