"Đừng bao giờ giải thích, đừng bao giờ phàn nàn", là một câu châm ngôn của hoàng gia Anh. Và câu nói này cũng là điều Angela Merkel tự nhủ với chính mình trong suốt 16 năm làm thủ tướng Đức, từ năm 2005 cho đến khi bà từ chức vào tháng 12 năm 2021.
Merkel năm 2005 khi liên minh của bà giành được đa số phiếu. Ảnh: EPA. |
Những người đọc Freedom, dày tới 709 trang, có thể ngạc nhiên khi có lần Merkel dùng câu nói này không phải để thảo luận về hậu quả của một quyết định chính sách căng thẳng, mà là để tự nói với bản thân khi gặp phải chú chó Labrador của tổng thống Nga Vladimir V. Putin năm 2007. Bà bị ám ảnh với chó vì từng bị cắn vào năm 1995. "Bình tĩnh, tập trung vào các nhiếp ảnh gia, sẽ không lâu đâu", bà nhớ lại đã tự nhắc mình như vậy.
Câu chuyện nhỏ này cũng phần nào cho thấy tính cách nghiêm nghị của Merkel khi trưởng thành về mặt chính trị suốt những năm 1990 sôi động của nước Đức. Mặc dù bà nói rằng mình yêu thích “tự do”, điều bà thường dùng để giải thích cho nhiều quyết định ứng phó với hàng loạt cuộc khủng hoảng xảy ra ở Đức trong thời gian dài bà tại nhiệm, sự thẳng thắn và vững vàng của bà là điều cần và quan trọng trong nền chính trị Đức. Bà rất được yêu thích khi rời nhiệm sở đến nỗi chiến dịch kế nhiệm bà về cơ bản là một cuộc thi giữa các ứng cử viên để xem ai có thể bắt chước cách cư xử thận trọng của bà tốt nhất.
Cuốn sách ra mắt ngày 26/11. Ảnh: NYT. |
Tuy nhiên, trong ba năm kể từ đó, sự phụ thuộc của Đức vào các quốc gia lớn khác, Nga về năng lượng, Trung Quốc là đối tác thương mại và Mỹ về quốc phòng, đã khiến quốc gia này rơi vào tình thế dễ bị tổn thương.
Người Đức đã bắt đầu xem xét lại kỷ nguyên Merkel với con mắt phê phán hơn và điều đó khiến bà, vốn ít nói, nhưng nay buộc phải lên tiếng thông qua cuốn hồi ký Freedom, với sự giúp đỡ của Beate Baumann, đồng tác giả và cộng sự thân cận nhất của bà kể từ năm 1992.
Đối với phiên bản tiếng Anh, bà Merkel cũng đã sử dụng không dưới tám biên dịch viên. Và bằng cách kỳ diệu nào đó, họ không cản trở nhau khi trình bày những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất của nhà lãnh đạo Đức.
Con đường thành công nhiều dấu ấn
Bà Merkel có đầy đủ lý do để hy vọng vào sức hút của cuốn sách. Mặc dù kết thúc nhiệm kỳ giữa đại dịch, bà đã rời khỏi cương vị khi GDP đang phục hồi. Sự thăng tiến chính trị của bà cũng không phải là điều tự nhiên mà có.
Trong Freedom, bà đã nhấn mạnh đến nhiều khó khăn bà gặp phải với tư cách là một người phụ nữ đến từ Đông Đức. Trong hai thập kỷ, bà đã lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (C.D.U.), theo truyền thống do những người đàn ông từ phương Tây thống trị. Cho đến khi bà rời cương vị, bà đã ở trong đảng 30 năm.
Mặt khác, dù có những khó khăn nhưng xuất thân của bà cũng phần nào góp phần cho thành công chính trị đáng kinh ngạc của bà. Merkel trở thành người đại diện đối với nhiều người Đức, bao hàm rất nhiều trải nghiệm sống ở một đất nước trước đó bị chia rẽ.
Merkel sinh năm 1954 tại Tây Đức, là con của một mục sư Tin lành. Tuy nhiên, cha bà đã quyết định nhận công việc tại một nhà thờ, nơi sau đó trở thành Đông Đức. Trong bối cảnh đất nước nhiều chia rẽ, khi còn nhỏ, bà đã học cách "xả hơi" trong không gian an toàn của ngôi nhà mình, tổ chức "họp báo" với mẹ khi bà về nhà ăn trưa.
Merkel năm 1999 tại Cổng Brandenburg, Berlin. Ảnh: Bild. |
Bà Merkel cũng dành một không gian lớn trong cuốn sách của mình để nói về những sự kiện nhanh chóng và bất ngờ xảy ra sau tháng 11 năm 1989. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã mang đến cho bà, ở tuổi 35, một cuộc sống mới. Bà từng nói: "Tôi mong đợi nhiều điều". Merkel háo hức giúp xây dựng một xã hội mới. Bà trở thành phó phát ngôn viên của chính phủ Đức vào năm 1990 và nhanh chóng thăng tiến qua một loạt các chức vụ bộ trưởng. Trên con đường này, bà đã hạ gục nhiều đối thủ nam của mình và thậm chí là một số đồng minh.
Năm 1999, sau một vụ bê bối quyên góp, bà đã công bố một lá thư trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, để buộc người từng hướng dẫn bà, Thủ tướng CDU Helmut Kohl, người đã tái thống nhất nước Đức, phải từ chức.
Động thái này đã mở đường cho bà lên vị trí lãnh đạo đảng vào năm 2000 và giúp bà nổi tiếng là một thủ lĩnh chính trị tài giỏi nhưng cũng rất quyết đoán. Năm 2005, bà trở thành thủ tướng khi liên minh của bà giành được đa số phiếu.
Nhìn lại kỷ nguyên Merkel
Câu chuyện của Merkel về các sự kiện thế giới diễn ra chóng mặt nhưng rõ ràng. Và sự lạc quan đôi lúc ngăn cản bà giải quyết hoàn toàn hậu quả từ những lựa chọn của chính mình. Bà vẫn giữ nguyên quyết định đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân ở Đức sau thảm họa Fukushima tại Nhật Bản năm 2011, mặc dù một số chuyên gia hiện cho rằng đây là một sai lầm.
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi mà Merkel cho là động lực thúc đẩy bà viết hồi ký chính là quyết định của bà vào tháng 9/2015 cho phép người tị nạn, chủ yếu từ Syria, vào Đức (Đức đã ghi nhận 1,1 triệu lượt người đến vào năm đó).
Merkel vẫn suy ngẫm về câu nói nổi tiếng mà bà đã thốt ra: "Chúng ta có thể làm được điều này! (We can do this)". Bà bối rối khi câu nói của mình bị hiểu sai thành Đức sẽ chào đón tất cả người tị nạn trên thế giới. Merkel viết: "Nếu vào thời điểm đó, có người nói với tôi rằng 'Chúng ta có thể làm được điều này', bốn từ thông dụng đó, sẽ được dùng để chỉ trích tôi trong nhiều tuần, nhiều tháng và nhiều năm tới, tôi chắc chắn sẽ không tin".
Trong các cuộc bầu cử khu vực đầu năm nay, hậu quả chính trị từ các cuộc khủng hoảng di cư và nền kinh tế mong manh của Đức đã khiến phe cực hữu nhận được thêm sự ủng hộ. Tuy nhiên, trong Freedom, bà Merkel vẫn truyền đạt niềm tin không lay chuyển đối với các giá trị phổ quát và bất khả xâm phạm của phẩm giá con người, và lợi ích của một thế giới cởi mở, kết nối, được xây dựng trên sự thịnh vượng chung.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.