Nhà báo, nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đăng cổ tùng báo |
Tờ Hà Thành Ngọ báo các số ra cuối tháng 4, đầu tháng 5/1936 đăng loạt bài viết của tác giả Phan Trần Chúc với chủ đề Lịch sử làm báo xứ Bắc Kỳ.
Loạt bài viết này không chỉ cung cấp những tư liệu quý về lịch sử phát triển báo chí ở Việt Nam cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20, mà còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng về những tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ.
Phan Trần Chúc (1907-1946) là nhà báo, nhà văn thời tiền chiến. Ông nổi tiếng là cây bút chuyên nghiệp chuyên viết sách lịch sử ký sự, lịch sử tiểu thuyết. Ông cũng được biết đến là chủ bút của tờ Việt Cường, Tân Việt Nam…
Đại Việt tân báo - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ
Trong bài Ông Trương Vĩnh Ký thủy tổ nghề làm báo (Hà Thành ngọ báo số 2592, ra ngày 2/5/1936), Phan Trần Chúc cho biết báo chí xuất hiện ở Đông Dương từ năm 1864, nhưng tới “năm 1867 xứ Nam kỳ mới thật có một tờ báo quốc văn (Quốc ngữ). Tờ ấy là Gia Định báo của ông Trương Vĩnh Ký”. Tuy nhiên, Gia Định báo chỉ là "quan báo", vì không đăng gì ngoài nghị định, công văn.
Nhà báo, nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh. |
Đến năm 1901, Sài Gòn có thêm một tờ báo quốc văn nữa là Nông cổ mín đàm. Dù còn những hạn chế như chuyên đi ca tụng các nhà quyền quý, hay viết hơi vụng, tờ báo này đã đăng những vấn đề thời sự, có luận thuyết…
Trong bài Đăng cổ tùng báo (Hà Thành ngọ báo số 2592, ra ngày 2/5/1936), Phan Trần Chúc cho biết ở Bắc Kỳ tới năm 1905 mới thực sự có tờ báo Quốc ngữ. Tờ báo này có tên Đại Việt tân báo do ông F. Babut làm chủ nhiệm. Trụ sở báo ở số 90 Hàng Mã, Hà Nội.
Phan Trần Chúc cho rằng: “Báo quốc ngữ sở dĩ ra chậm như vậy là vì 2 cớ: Không có chữ và không có người đọc”.
Ông cho biết chữ Quốc ngữ, ngoài những chữ giống chữ Pháp (ký tự Latin), lại có nhiều dấu, trong chữ in Pháp không có. Vì vậy, muốn ra báo chữ Quốc ngữ, nhà in phải thuê Pháp đúc cho mình lớp chữ riêng. Công đúc lâu, đường đi xa xôi. Muốn nhà in ra báo hoặc in sách quốc ngữ, ít ra phải dự bị hàng năm. Có tờ báo trong tay chưa chắc đã sống được. Vì số người đọc báo đã hiếm, đọc được chữ Quốc ngữ những năm đầu thế kỷ 20 còn hiếm nữa.
Cái khó khăn mà báo giới nước ta trải qua từ cuối thế kỷ 19 gần như vẫn còn (ở thời đại của ông Phan Trần Chúc) vì chữ in mà Đông Dương dùng vẫn phải thuê đúc ở bên Pháp và số người đọc cũng không quá 50.000 trên tổng số 20 triệu dân
Trong bài Mấy tờ báo đầu tiên ở Hà Nội (Hà Thành ngọ báo số 2591, ra ngày 1/5/1936), Phan Trần Chúc viết “trái với thông lệ văn hóa đi từ miền Bắc xuống, báo xứ mình đi từ phía Nam đi lên. So với nước Pháp, báo nước mình chậm ngót hai trăm năm. Nhưng giữa Hà Nội và Sài Gòn, báo Bắc kỳ còn ra chậm hơn báo Nam kỳ hai chục năm nữa”.
Trở lại với báo Đại Việt tân báo - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ, trong bài Đăng cổ tùng báo (đã dẫn) Phan Trần Chúc cho biết báo này ra theo thể tạp chí, mỗi trang có hai cột, một bên Quốc ngữ, một bên chữ Hán. Người giữ việc biên tập là ông Hoàng Giáp Đào Nguyên Phổ, xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, Thái Bình.
Tuy nhiên, Phan Trần Chúc không đánh giá cao nội dung của báo này. Ông viết: “Đại Việt tân báo kể cũng chẳng làm vinh hạnh cho báo giới Bắc Kỳ vì phần quốc văn, cũng như tờ báo ấy chỉ chuyên đăng những tin lặt vặt, những bài đoản bình, không có ý nghĩa gì khác là ôm chân những nhà quyền quý…”.
"Đăng cổ tùng báo" và vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh
Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau (1907), báo giới Bắc Kỳ đổi hẳn diện mục, tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo” của ông Schneider (vốn viết bằng chữ Hán, do Chính phủ bảo hộ Bắc kỳ giao cho ông Schneider tổ chức) đổi thành tờ Đăng cổ tùng báo. Báo được chia một nửa chữ Quốc ngữ, một nửa chữ Hán. Phần chữ Quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương.
Trang bìa Đăng cổ Tùng báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên số 793 ra ngày 28 tháng 3, 1907. |
Mặc dù được đặt tên là Đại Nam đồng văn nhật báo, báo chỉ ra hàng tuần. Sau khi đổi tên là Đăng cổ tùng báo, tòa soạn cũ liền được giao cho chính quyền bảo hộ kiểm duyệt.
Dư luận Bắc Kỳ bị phiền nhiễu vì sự khắt khe của ngòi bút chì xanh cho mãi đến ngày 31/12/1934, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh bãi Ty kiểm duyệt Nam báo.
Đăng cổ tùng báo ra theo thể tạp chí, 16 trang, trang Quốc ngữ áp mặt với trang Hán văn. Về phần chữ Quốc ngữ, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã cố làm cho tờ báo được mới mẻ. Tuy là tuần báo, báo đủ điện tín các nước, thời sự trong xứ.
Các mục chính phần nhiều là ông Nguyễn Văn Vĩnh viết. Các bài luận thuyết đều ký tên N.V.V. hay Tân Nam Tử (tên hiệu của ông).
Đại Nam đồng văn nhật báo số 804 tức Đăng cổ tùng báo số 9 còn mở thêm mục “Nhời đàn bà” với lời lẽ phải chăng, tư tưởng mới mẻ. Chuyên mục này cũng do ông Vĩnh viết và ký tên là Đào Thị Loan.
Cũng theo Phan Trần Chúc, Đăng cổ tùng báo những số đầu viết còn rụt rè, sau dùng lời văn mạnh mẽ, bạo dạn, khi thì vin vào chính quyền bảo hộ để công kích quan trường, lúc mượn các việc vặt mà phô bày những khuyết điểm của chính quyền bảo hộ.
Điều này khiến ông Schneider mất lòng tin của chính quyền bảo hộ, bị ruồng bỏ, nhà in của ông phải sáp nhập vào nhà in Viễn Đông. Chủ mới của nhà in không cho Đăng cổ tùng báo ra nữa. Đăng cổ tùng báo "chết đứng".
Xuất bản ngày 28/3/1907 đóng cửa ngày 14/11/1907, Đăng cổ tùng báo "sống" được 8 tháng, trọn bộ 33 số.