Trong cuốn Địa đạo Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (NXB Hồng Đức, 2018), tác giả Đặng Việt Thủy đã trình bày một cách có hệ thống về địa đạo và cung cấp những thông tin cụ thể về 28 địa danh địa đạo trong cả nước.
Địa đạo ra đời trong hoàn cảnh nào?
Tác giả cho biết, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều địa phương đã xây dựng hệ thống địa đạo để phòng tránh bom đạn của quân thù, ém quân, bảo toàn lực lượng và đánh giặc.
Sơ đồ mô phỏng một góc nhỏ của địa đạo Củ Chi. Ảnh chụp lại: L.Q. |
Tác giả cũng cho biết địa đạo ra đời bắt nguồn từ một sự bức xúc, một sự đòi hỏi từ trong cuộc chiến đấu với quân thù.
Xuất phát từ những hầm bí mật đào trong lòng đất có độ dài 3-5 m, có nắp đậy (ra đời từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946) nhưng có nhược điểm là không có lối thoát, người ta đã nghĩ đến việc kéo dài những căn hầm này cho đến chỗ có lối thoát (tùy thuộc vào địa hình cho phép). Lúc đó, căn hầm bí mật sẽ trở thành địa đạo.
Đường hầm không chỉ có một cửa lên xuống mà có thể có nhiều ngõ ngách gắn với nhiều nắp hầm, để nếu địch phát hiện cửa hầm này, ta có thể ra bằng lối khác mà địch không biết rồi rút đi, hoặc quay lại bất ngờ tấn công chúng.
Nguyên tắc căn bản của địa đạo là tránh được thế cô lập của hầm bí mật, phát huy sự linh hoạt cơ động để bảo toàn lực lượng và chủ động tấn công địch có hiệu quả.
Hình ảnh thu nhỏ của làng quê dưới lòng đất
Theo tác giả, mỗi địa đạo là một hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được kiến tạo dưới lòng đất. Đường hầm chính là đường làng, các ô đất chính là căn hộ gia đình. Làng hầm còn có hội trường, giếng nước, nhà trẻ, hộ sinh, trạm xá…
Ngoài ra, các chiến hào nối liền các đường hầm, các ụ chiến đấu, trận địa mìn, cạm bẫy… đi theo cũng nằm trong địa đạo...
Đơn cử như hệ thống địa đạo Củ Chi ở các xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Địa đạo này phát triển vô cùng nhanh chóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ năm 1961-1968, với tổng chiều dài trên 200 km, gồm một tuyến chính rộng 0,6-0,7 m, cao 0,8-0,9 m (đủ cho người đi khom), nóc hầm dày 3-4 m, chịu được xe tăng 50 tấn và đạn pháo.
Nhiều nơi địa đạo có cấu trúc ba tầng, có nhiều trục phụ nối với trục chính bằng cửa đóng kín, khi cần mới mở cửa thông, nên khó phát hiện được cả hệ thống; có những đường nhánh đi đến từng hầm bí mật, phòng làm việc của cơ quan, hội trường, bệnh viện...; nhiều lỗ thông hơi, chiếu sáng, giếng nước, nhà vệ sinh và các ngõ cụt dẫn đến bãi mìn.
Địa đạo Vịnh Mốc ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, được đào từ 1966-1967, gồm ba tầng, có bậc thang lên xuống lượn xoắn ốc.
Các tầng 1 và 2 đều có giếng nước, nhà vệ sinh... Trục chính dài 2.034 m, nằm sâu dưới mặt đất 20-28 m, rộng 1-1,2 m, cao 1,5-4,1 m, trong khu vực có diện tích khoảng 1 km vuông.
Hai bên vách cứ cách 3 m được khoét một hầm làm nhà ở. Khu trung tâm có hội trường 150 chỗ, bệnh xá, nhà hộ sinh. Nhiều trục nhánh với 11 cửa thông ra biển hoặc lên mặt đất.
Địa đạo Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: L.Q. |
Thế trận chông mìn, bãi tử địa, khiến quân địch khiếp sợ
Do tính chất cuộc chiến đấu, do đặc điểm của địa hình và địa chất mà cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã sáng tạo ra địa đạo mang tính năng động, vừa trù ém, bảo toàn lực lượng, vừa phát huy thế tiến công địch với hiệu quả ngày càng cao.
Với sự phát triển nhanh chóng, rộng rãi, liên hoàn đa dạng…, các địa đạo đã tạo ra thế trận độc đáo và hiểm yếu như “mê hồn trận với kẻ thù”.
Ví dụ như ở địa đạo Củ Chi, nơi cuộc kháng chiến mang tính toàn dân toàn diện, rõ ràng và địa đạo phát huy được mọi khả năng, sức mạnh tổng hợp để chiến đấu bảo vệ căn cứ chiến lược quan trọng, bảo vệ làng xã, giữ vững thế tấn công.
Và ở đây, vũ khí thô sơ, vũ khí tự tạo được kết hợp nhuần nhuyễn với vũ khí hiện đại lấy được của địch.
Chỉ riêng vũ khí thô sơ đã có hàng chục kiểu chông hầm, cạm bẫy và một số loại vũ khí khác. Chỉ riêng chông thôi địch đã khốn đốn rồi.
Kết hợp với chông mìn, quân và dân Củ Chi còn tự chế các loại mìn sát thương bộ binh, đánh phá công sự, căn cứ địch, đánh máy bay, xe tăng… Du kích đánh xe tăng không phải chỉ mìn, mà còn cả bằng bẫy những hố đào sâu…
Ngoài ra, còn có loại “cạm bẫy” có trục quay. Địch giẫm chân vào nắp sẽ làm nắp quay lật 1/4 vòng bằng 45 độ, người lọt thỏm xuống hầm sâu 2,5 m.
Chông mìn, cạm bẫy còn được bố trí thành vô số bãi “tử địa” dày đặc theo hệ thống địa đạo, các trận địa ở khắp hang cùng ngõ hẻm như trận đồ bát quái đối với kẻ thù.
Ngoài những vũ khí tự chế kể trên, du kích và quân giải phóng còn được trang bị những vũ khí hiện đại.
Những vũ khí này kết hợp với vũ khí thô sơ và địa đạo đã biến Củ Chi thành trận địa bao la hiểm yếu diệt địch, giữ vững được vùng căn cứ cách mạng ngày sát nách địch.
Với việc sử dụng hệ thống địa đạo chiến độc đáo, hiểm hóc, cùng thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, quân dân Củ Chi đã lập được những chiến tích thần kỳ trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, đưa số lượng diệt địch và phương tiện chiến tranh lên hàng đầu với một địa phương cấp huyện ở miền Nam.