Dưới triều Nguyễn, Bình An đường (xưa tọa lạc góc đông bắc của Đại Nội, phía bên phải cửa Hòa Bình, nay là đầu đường Đặng Thái Thân) là nhà an dưỡng và khám, chữa bệnh đặc biệt chỉ dành riêng cho các thái giám, cung nữ.
Di tích Bình An đường ở Đại Nội Huế. Ảnh: LTST. |
Chức năng ít biết của Bình An đường
Tuy nhiên, sách vở ghi chép về “bệnh viện cung đình” đặc biệt này lại rất ít ỏi. Chính sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục chỉ có một dòng rất vắn tắt ghi lại mốc thời gian xây dựng của Bình An đường: tháng 10 năm 1823 vua Minh Mệnh cho dựng nhà Bình An đường (ở sau phía tả hoàng thành).
Trong cuốn Từ điển Nhà Nguyễn, tác giả Võ Hương An cũng có một số mô tả vắn tắt: Bình An đường là nơi khám, điều trị và tĩnh dưỡng cho thái giám, nữ quan và cung nhân, cung nữ, thị nữ khi lâm bệnh nặng. Nó được đặt dưới sự trông coi của Thái Y viện. Ngôi nhà này được xây dựng nhằm mục đích tạo sự thuận tiện cho người nhà ở lại săn sóc, thuốc men và đặc biệt tránh được tình trạng chết trong cung cấm, là điều cấm kị.
Rất may, trong khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn (những văn bản hành chính có ấn chương của các cơ quan soạn thảo văn bản, có bút phê bằng mực son của vua Nguyễn) tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I vẫn còn một số văn bản gốc ghi lại thông tin về Bình An Đường.
Các tài liệu này không chỉ đề cập đến quá trình tu sửa công trình qua các giai đoạn, mà còn cho biết đây là nơi thờ tự tạm thời và lo việc hậu sự cho các nữ quan, cung nữ...
Có thể nói đây là những tư liệu quý giá, có giá trị bổ khuyết thông tin / những gì mà sách vở chưa đề cập, đồng thời cung cấp thêm những cứ liệu cho các nhà nghiên cứu y học cổ truyền thời Nguyễn.
Về kiến trúc của tòa nhà, theo tài liệu Châu bản triều Nguyễn còn ghi lại dưới triều vua Duy Tân, Bình An đường trước kia là một ngôi nhà có 6 vì kèo 5 gian 2 chái. Do tính chất và chức năng của mình nên Bình An đường được xây dựng với kiến trúc hết sức khiêm nhường. Nó khác hẳn những tòa điện đài cổ kính, nguy nga trong cung đình.
Tòa nhà Bình An đường hiện nay còn lại trên đất Cố đô Huế là một ngôi nhà thiết kế theo kiểu nhà vườn cổ ở Huế, xung quanh là vườn trồng hoa và thuốc nam để tiện phục vụ cho việc chữa bệnh.
Căn cứ theo tài liệu Châu bản ghi chép, Bình An đường không chỉ là nơi khám chữa bệnh mà còn là nơi thờ tự tạm thời và lo việc hậu sự cho các nữ quan, cung nữ ...
Cụ thể như: Bản tấu của Bộ Lễ ngày 23 tháng 11 năm Tự Đức 22 (1869) tâu về việc vừa rồi gặp việc tang của Cẩn tần Nguyễn Lương Thị. Bộ thần vâng mệnh phái thuộc viên bàn bạc cùng Thị vệ, Thái giám giao cho các vật hạng khâm liệm xong, còn việc cúng cơm sáng, chiều đã do Thị vệ sứ sức lo liệu.
Nhưng tra cứu ngày tháng 7 năm Tự Đức 19 (1866), gặp việc tang của Tín tần Nguyễn Thạnh Thị các đồ thờ cho đến các thuyền bè hộ tống đều do của công chi lo liệu an táng. Việc xong đem đến Bình An đường thờ, đợi sau khi lễ một trăm ngày, sẽ do thân nhân đem về nhà riêng thờ.
Tờ tư của Bộ Lễ ngày 13 tháng 6 năm Đồng Khánh thứ nhất (1885) về việc tài nhân chưa vào bậc ở điện Biểu Đức là Phan Thị Diệu đã tạ thế canh 1 đêm qua. Vậy truyền cho quan hữu ty theo lệ thực hiện. Xin phái ngay thuộc viên đến nhà Bình an đường thuộc tôn sở để họp bàn.
Từng bị hư hại phải xây dựng lại
Bình An đường được xây dựng từ đầu triều vua Minh Mệnh (1823) do đó không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên miền trung khắc nghiệt. Giống bao công trình khác trong hoàng thành, Bình An đường cũng được triều đình nhà Nguyễn quan tâm tu sửa qua các giai đoạn.
Trang đầu bản tấu của Bộ Công ngày 18 tháng 5 năm Duy Tân thứ 4 (1910) về việc xây dựng lại tòa nhà Bình An đường. Nguồn: TTLTQGI. |
Cụ thể: vào năm Tự Đức thứ 7 (1854), ngói lợp trên nóc nhà Bình An đường lâu ngày nhiều chỗ bị rơi vỡ nên thấm dột. Triều đình lệnh cho Bộ Công phái quan viên kiểm tra và lệnh cho Cấm binh, biền binh lĩnh nhận nguyên vật liệu sửa chữa.
Năm Thành Thái thứ 18 (1906) bão lớn làm các tòa sở trong cung bị hư hỏng nặng, Bình An đường cũng không tránh khỏi bị thiệt hại.
Năm Thành Thái thứ 19 (1907), triều đình nhà Nguyễn đã cho tu bổ lại toàn bộ các công trình bị mưa bão làm thiệt hại trong đó có Bình An đường.
Năm Duy Tân thứ 4 (1910), tòa nhà Bình An đường được xây dựng lại do tháng 9 năm trước (1909) gió bão làm cột kèo bị xiêu vẹo, ngói lợp bị bay rơi, gỗ lạt hư hỏng quá nhiều (kinh phí trích từ ngân khoản chi sửa chữa lặt vặt tại Kinh trong năm).
Trước khi xây lại, Bộ Công đã phái người kiểm tra công trình này. Nguyên trước kia Bình An đường là 1 tòa nhà gồm 6 vì kèo 5 gian 2 chái nhưng do hư hỏng quá nhiều nếu tu bổ lại theo nguyên trạng tốn nhiều kinh phí.
Do đó Bộ này xin tháo dỡ chọn lại gỗ lạt vật liệu để làm một ngôi nhà vuông gồm 2 vì kèo 1 gian 2 chái. Mặt trước chế hệ thống cửa bức bàn. Mặt trái, phải và phía sau mỗi mặt chế 2 cửa sổ (trong là chấn song gỗ ngoài là cánh cửa ghép bằng nhiều thanh gỗ bào mỏng xếp nằm nghiêng). Hai cửa ngách trong nhà làm hai bức ván có khắc bài thơ. Đào giảm bớt chân móng, xây đắp thêm mặt nền dinh thự. Phía dưới đúc đá vôi chắc chắn cùng chân bậc thềm các khoản để được thuận tiện.
Theo ước tính của Bộ Công, các khoản xây dựng, cần thuê thợ, mua vật liệu tổng chi phí là 157 đồng 3 hào.
Khi nhà Nguyễn cáo chung, Bình An đường cũng bị lãng quên. Có giai đoạn Bình An đường trở thành quán cà phê nhưng hiện nay đóng cửa, nơi đây trở nên hoang phế. Hy vọng trong thời gian tới công trình này sẽ được trùng tu để trở thành điểm tham quan thú vị.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.