Cũng giống như các triều đại phong kiến trước của Việt Nam, nhà Nguyễn vẫn duy trì chế độ tuyển chọn và sử dụng thái giám làm việc trong cung cấm (việc tuyển thái giám đến thời vua Bảo Đại mới chấm dứt).
Thân phận hoạn quan dưới triều Nguyễn
Theo một số sách như Đời sống cung đình triều Nguyễn và Đời sống trong Tử Cấm Thành (Tôn Thất Bình), Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử (Lê Nguyễn), Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Hocquard), Nếp cũ - Con người Việt Nam (Toan Ánh)…, việc kén chọn hoạn quan rất được triều đình chú trọng và khuyến khích.
Theo đó, hoạn quan được tuyển vào cung chủ yếu từ hai nguồn, một là không có “sinh thực khí” (khi sinh ra đã khuyết bộ phận sinh dục), “phi nam, phi nữ”, gọi là giám sinh, hai là tự thiến đi để được tuyển vào cung, gọi là giám lặt.
Một người dân nào sinh được một trẻ ái nam ái nữ, quan sở tại tới khám xét rồi làm sớ trình. Cha mẹ nuôi đứa bé đến năm 13 tuổi. Bộ Lễ sẽ chọn ngày tốt tiến cử đứa bé vào cung tập sự hoạn quan. Làng nào có hoạn quan tiến cử được miễn cho trai tráng việc binh lính, phu phen tạp và cả sưu thuế nữa.
Trong những trường hợp thiếu giám sinh, triều đình sẽ kén chọn những thiếu niên bị thiến đi bộ phận sinh dục đưa vào cung nuôi, sau sung vào làm hoạn quan.
Phần lớn những thiếu niên bị thiến từ khi còn nhỏ rồi sau đó đưa vào cung nuôi đều có hoàn cảnh nghèo khổ. Do được hưởng nhiều quyền lợi vật chất, nên cha mẹ chúng tự nguyện cho con mình làm thái giám sau khi đã trải qua đau đớn để loại bỏ bộ phận sinh dục nam. Và những thái giám này cũng phải chấp nhận thân phận không đàn ông cũng chẳng đàn bà của mình để sống phục vụ trong cung trọn đời.
Dưới triều Nguyễn, công việc chủ yếu của thái giám (tùy theo vị trí, thứ bậc) là tổ chức đám cung phi mỹ nữ, hầu hạ nhà vua (cùng với các nữ quan làm việc dưới quyền); thực hiện các việc liên quan đến chuyện chăn gối của nhà vua như sắp xếp ngày giờ vua gặp các vương phi, ghi chép lại tên họ vương phi mà vua vừa mới chung chăn gối để sau này nếu bà ấy có con thì xác nhận.
Ngoài ra, họ còn phục vụ các bà cung phi góa bụa trên các lăng tẩm. Số lượng thái giám mỗi đời vua khác nhau. Thời vua Tự Đức ước tính có khoảng 60 người.
Hình ảnh các thái giám, những người giám hộ hoàng cung trên một tấm bưu thiếp thời Pháp thuộc. Ảnh: TL. |
Lý do triều Nguyễn đề phòng hoạn quan
Thái giám là những người có cơ hội tiếp xúc thân cận nhất với vua trong hậu cung, là người biết và hiểu rõ đời tư của Thiên tử. Vì vậy, để tránh sự lộng quyền của các thái giám nơi cung cấm, nhà Nguyễn đã sử dụng hệ thống thái giám trong hậu cung vào việc sai vặt và nhất định không cho can dự vào chuyện triều chính.
Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 2, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), vua ban chỉ dụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất quyền hạn của thành phần hoạn quan (chỉ dụ này sau đó còn được nhà vua cho khắc vào bia đá trước trường Quốc Tử Giám cho mọi người cùng xem).
Chỉ dụ cho biết, đời xưa hoạn quan chỉ dùng để sai khiến và làm việc quét tước, chứ chưa bao giờ ủy cho chức gì, hay trao cho quyền gì, cho nên họ chăm hầu hạ, mà không có cái tệ rông rỡ chuyên quyền.
Đời sau dần dần không theo cổ, hoạn quan chuyên quyền, để cho nhà vua cầm gươm đằng lưỡi, thí dụ như Mười thường thị nhà Hán, các trung quan nhà Đường, bọn tứ hung nhà Minh, và bọn Hoàng Công Phụ triều Lê... Do vậy, không trao chức vị gì cho bọn hoạn quan, không cho dự vào phẩm cấp trong quan chế để tỏ rằng hoạn quan không được kể vào hạng tấn thân.
Vua cũng chuẩn định chia các thái giám làm 5 đẳng: Quản vụ thái giám, điển sự thái giám đều là thủ đẳng; kiểm sự thái giám, phụng nghi thái giám đều là thứ đẳng; thừa phụng thái giám, điển thảng thái giám đều là trung đẳng; cung sự thái giám, hộ thảng thái giám đều là á đẳng; cung phụng thái giám, thừa biện thái giám đều là hạ đẳng.
Việc chuẩn định cấp bậc cho thái giám nhằm để phân công người nào việc ấy, để sai khiến hầu hạ, nhưng mãi mãi không cho dự vào giai và phẩm quan chức triều đình. Chức vụ của họ chỉ để nội đình sai khiến và truyền đạt mệnh lệnh mà thôi. Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được can thiệp, tham dự tí nào. Lại quy định tiền lương và gạo cho từng hạng.
Theo một số nghiên cứu, chỉ dụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất quyền hạn của thành phần hoạn quan trên một phần xuất phát từ mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa Minh Mệnh và Tả quân Lê Văn Duyệt (công thần thời Gia Long). Chính Lê Văn Duyệt là người muốn đưa Hoàng tử Cảnh nối ngôi Vua Gia Long và tỏ ra không thuận tình về việc lên ngôi của vua Minh Mạng là con thứ. Rồi vụ khởi loạn thành Phiên An (Gia Định) những năm 1833-1835, do Lê Văn Khôi con nuôi ông lãnh đạo cũng đã gây nên những nỗi ám ảnh cho nhà vua.
Mặc dù không được can dự vào triều chính và chủ yếu làm các việc sai vặt, hầu hạ vua, hoàng thái hậu, các bà phi, nhưng nhiều thái giám cũng biết khai thác điểm ưu thế nhất trong công việc của mình, đó là việc liên hệ chuyện chăn gối của vua với các phi tần, cho dù việc chọn lựa người để ân ái là do vua quyết định.
Nhiều phi tần muốn được vua yêu chuộng hẳn phải nhờ tài ăn nói của các thái giám gần cận vua để tâu bày, chỉ định và sắp xếp mọi công việc liên quan đến việc hưởng lạc của nhà vua. Nhiều thái giám hay được các bà đút lót quà bánh để được vua sủng ái nhiều lần. Có nhiều bà do khinh thường thái giám nên suốt cả cuộc đời ở trong cung cấm vẫn không một lần được thấy mặt vua.
Dẫu vậy cuộc đời của thái giám cũng chẳng được yên bình, thanh thản. Họ phải chịu số kiếp của kẻ tôi tớ suốt đời trong cung cấm, cũng phải phải chịu số phận hẩm hiu cô đơn khi sống, hoang lạnh khi chết. Có lẽ do buồn về thân phận của mình, các thái giám thường đến chùa Từ Hiếu để hiểu thêm lẽ huyền vi của Phật pháp và tìm sự an nghỉ ở nơi này.