Mỹ tưởng niệm các binh sĩ thiệt mạng trong trận Mogadishu năm 1993. Ảnh: US Army |
“Diều hâu gãy cánh” là tên gọi khác của trận Mogadishu năm 1993 giữa trung đoàn biệt kích 75 Ranger tinh nhuệ của quân đội Mỹ với các chiến binh thuộc Liên minh Quốc gia Somali tại thủ đô Mogadishu trong 2 ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 10 năm 1993. Với những vũ khí thô sơ nhưng các chiến binh Somali đã bắn hạ hai máy bay trực thăng Black Hawk hiện đại của Mỹ, gây nên cú sốc thực sự, Nhật báo phố Wall đưa tin.
Trong bối cảnh bất ổn chính trị nghiêm trọng ở Somali làm hàng trăm ngàn người chết đói, Liên Hiệp Quốc đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới quốc gia nằm ở khu vực Sừng châu Phi. Tuy nhiên, một đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế người Pakistan bị phục kích ngày 5/6/1993 làm 24 người thiệt mạng. Ngay ngày hôm sau, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết buộc những kẻ thực hiện vụ tấn công phải chịu trừng phạt.
Biệt kích Mỹ tham chiến
Là một phần của nỗ lực quốc tế, Mỹ cử đội biệt kích hùng hậu với nòng cốt là các thành viên của Đại đội Bravo, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn biệt kích 75 Ranger tham gia chiến dịch. Ngoài ra, lực lượng này còn được giúp sức bởi thành viên lực lượng biệt kích Delta, đặc nhiệm hải quân SEAL, Trung đoàn không vận đặc biệt 160 với mật danh Biệt Kích Đêm cùng các đơn vị không quân. Đội biệt kích gồm tổng cộng 160 thành viên, 19 máy bay và 12 phương tiện chiến đấu, trong đó có cả những chiếc trực thăng đa nhiệm Black Hawk tối tân.
Tuy nhiên đội biệt kích Mỹ không thuộc lực lượng của Liên Hiệp Quốc. Nhiệm vụ của họ là truy bắt tướng Mohamed Farrah Aidid. Trận Mogadishu nổ ra khi các thành viên lực lượng này nhận lệnh đột kích thủ đô Somali để bắt hai phụ tá thân cận của Aidid đang tham dự cuộc họp trong thành phố. Chiến dịch này diễn ra độc lập với các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc.
Trận chiến nổ ra sáng ngày 3/10/1993. Lực lượng Mỹ sử dụng máy bay trực thăng Black Hawk để đột kích thành phố nhằm bắt sống các phụ tá thân cận phụ trách ngoại giao Omar Salad Elmi và cố vấn chính trị Mohamed Hassan Awale của tướng Aidid. Theo kế hoạch, lực lượng Delta sẽ tiếp cận tòa nhà bằng trực thăng MH-6 Little Bird của Trung đoàn Biệt Kích Đêm 160 nhằm cầm chân mục tiêu trước khi trực thăng Black Hawk đưa lực lượng chiến đấu chủ lực tham gia đột kích tòa nhà.
Kế hoạch của Mỹ nêu rõ, lực lượng biệt kích Mỹ cần bao vây 4 phía tòa nhà tới khi 9 xe bọc thép và 3 xe tải tiếp cận công trình bằng đường bộ. Họ sẽ tiến hành đột kích và rút đi trong vòng 30 phút. Mỹ nhận định, đoàn xe bọc thép có thể dễ dàng tiếp cận tòa nhà trong vài phút kể từ thời điểm chiến dịch bắt đầu vì hỏa lực của đối phương không đủ khả năng ngăn chặn chúng.
Thất bại ê chề
Một trong những điều quân Mỹ không ngờ tới là sự chiến đấu quả cảm của các chiến binh Somali và người dân ở Mogadishu. Ngay sau khi phát hiện sự hiện diện của biệt kích Mỹ, phiến quân Somali dồn toàn bộ lực lượng vào chiến đấu. Thậm chí họ còn hô hào người dân tham gia chiếu đấu với khẩu hiệu “hãy đứng lên để bảo vệ ngôi nhà của bạn”.
Xác trực thăng Mỹ tại Somali. Ảnh: AP |
Người ta sử dụng vật cản để phong tỏa các tuyến đường, ngăn chặn đoàn xe bọc thép của Mỹ di chuyển. Vật liệu xây dựng, đá, mảnh vỡ hay lốp xe cháy nằm la liệt trên các tuyến phố thủ đô, khiến đoàn xe Mỹ không thể rút ra theo kế hoạch. Ngoài ra, một xe tải của Mỹ bị phá hủy bởi vũ khí chống tăng của lực lượng nổi dậy Somali.
Trong quá trình đổ quân, trực thăng Mỹ buộc phải bay thấp khiến chúng dễ trở thành nạn nhân của các loại súng phóng lựu thông thường. Các tay súng nhằm bắn vào cánh quạt ở đuôi những chiếc Black Hawk khiến chúng mất thăng bằng và rơi xuống phía dưới.
Chiếc Black Hawk đầu tiên mang số hiệu 61 bị bắn hạ, hai lính bắn tỉa của lực lượng Delta tình nguyện bảo vệ hiện trường chờ cứu viện tới di chuyển người bị thương và thi thể những binh sĩ tử nạn. Một chiếc MH-6 Little Bird đáp xuống cứu họ nhưng một trong hai lính bắn tỉa không qua khỏi vì bị bắn bốn lần trong lúc bảo vệ hiện trường.
Chiếc Black Hawk thứ hai mang số hiệu 64 bị bắn rơi không lâu sau đó tại một khu vực khác. Hai tay súng bắn tỉa cũng nỗ lực bảo vệ hiện trường tai nạn nhưng máy bay trực thăng không thể đáp xuống cứu họ. Chiếc Black Hawk số hiệu 62 bay lơ lửng phía trên để bảo vệ hai biệt kích nhưng nó bị trúng đạn và buộc phải rời khỏi khu vực. Một trong hai lính bắn tỉa thiệt mạng trong khi người còn lại bị đánh tới gần chết trước khi bị bắt làm tù binh.
Sau khi gánh hàng loạt thiệt hại, biệt kích Mỹ còn bị bao vây tứ phía bởi đông đảo các chiến binh Somali. Ngoài ra, sự phối hợp thiếu ăn ý giữa các đơn vị khiến họ lãng phí thời gian quý báu trong khi vòng vây của kẻ địch ngày càng xiết chặt.
Biệt kích Mỹ bị mắc kẹt trong vòng vây của các tay súng Somali suốt đêm ngày mùng 3, rạng sáng ngày mùng 4/10/1993. Họ chỉ được giải nguy khi lực lượng tiếp viện bao gồm xe tăng M48 của Pakistan và xe bọc thép Condor của quân đội Malaysia xuất hiện dưới sự yểm trợ của trực thăng MH-6 Little Bird và MH-60L Black Hawk vũ trang của quân đội Mỹ trong sáng ngày 4/10.
Chiến dịch giải cứu thành công nhưng nhiệm vụ trước đó của biệt kích Mỹ bị coi là thất bại nặng nề. Dù bắt được các đối tượng theo kế hoạch nhưng trận Mogadishu năm 1993 làm 19 lính Mỹ thiệt mạng, 84 người bị thương và 1 người bị bắt làm tù binh, sau này được phóng thích. Ngoài ra, một binh sĩ Pakistan và một lính Malaysia tử trận trong quá trình giải cứu biệt kích Mỹ.
Dù thương vong phía Somali cao hơn rất nhiều nhưng hình ảnh thi thể lính Mỹ bị kéo lê trên đường phố, xác máy bay Black Hawk cháy đen trên đường phố là vết nhơ khó gột rửa trong lịch sử quân sự Mỹ. Thất bại này khiến Mỹ chưa một lần đưa quân trở lại tham chiến trên đất Somali dù Washington đã triển khai nhiều hoạt động ở quốc gia này.