Lãnh đạo và ứng viên thủ tướng của Move Forward, Pita Limjaroenrat, ăn mừng kết quả bầu cử tại Bangkok hôm 15/5. Ảnh: Reuters. |
AP nhận định kết quả bầu cử hôm 14/5 là sự bác bỏ mạnh mẽ phe bảo thủ, đồng thời phản ánh sự thất vọng của nhóm cử tri trẻ tuổi muốn hạn chế ảnh hưởng của quân đội trong chính trị và cải cách chế độ quân chủ.
Tuy nhiên, bộ mặt mới của chính phủ Thái Lan vẫn còn mơ hồ, khi sự chú ý đang đổ dồn vào các cuộc đàm phán liên minh sau bầu cử.
Kết quả thế nào?
Với tất cả phiếu bầu đã được kiểm vào hôm 15/5, Move Forward đã có chiến thắng địa chấn. Ủy ban bầu cử Thái Lan tuyên bố đảng này giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử hôm 14/5 với 152 ghế - trong đó 113 ghế từ khu vực bầu cử và 39 từ danh sách đảng, Bangkok Post đưa tin.
Hạ viện Thái Lan có 500 ghế. Trong đó, 400 ghế bầu cử sẽ được trao cho các ứng viên giành được nhiều phiếu bầu nhất ở mỗi quận. 100 ghế sẽ được phân bổ tương ứng cho các đảng chính trị dựa trên tỷ lệ phiếu bầu trên toàn quốc.
Theo sau ở vị trí thứ hai là đảng Pheu Thai với tổng số ghế là 141. Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) - đảng của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha, cựu tướng lên nắm quyền sau đảo chính năm 2014 - giữ vị trí thứ 5 theo khu vực bầu cử và thứ 3 theo danh sách đảng. UTN nắm 36 ghế.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là khoảng 75% trong số 52 triệu cử tri đủ điều kiện.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Ai trở thành thủ tướng tiếp theo phụ thuộc vào cuộc bỏ phiếu của tất cả nhà lập pháp Hạ viện cùng 250 Thượng nghị sĩ. Sự kiện này được ấn định vào tháng 7. Người chiến thắng phải giành ít nhất 376/750 phiếu. Các thành viên Thượng viện hiện do ông Prayuth chọn.
Các đảng đối lập đã chỉ trích quá trình này là “phi dân chủ”. Đây được coi là di sản của cuộc đảo chính năm 2014 và hiến pháp mới được soạn thảo sau đó nhằm đảm bảo quân đội và những người ủng hộ hoàng gia tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Kết quả bầu cử Thái Lan hôm 14/5 sau khi kiểm 100% phiếu. Ảnh: Bangkok Post. |
Các nhà phân tích chỉ ra nhiều điều vẫn có thể xảy ra trước khi Ủy ban bầu cử Thái Lan tuyên bố kết quả hợp lệ. Quá trình này có thể mất tới 75 ngày và gần như chắc chắn sẽ vướng phải nhiều thách thức pháp lý.
Trong quá khứ, ủy ban và các tòa án từng sử dụng thẩm quyền để loại bỏ các đảng đối lập.
Đảng đối lập muốn gì?
Lãnh đạo Move Forward Pita Limjaroenrat nói ông sẵn sàng đem đến sự thay đổi với tư cách là thủ tướng thứ 30 của đất nước Đông Nam Á.
“Cho dù quý vị đồng ý hay không đồng ý với tôi, tôi sẽ là thủ tướng của quý vị. Dù quý vị có bỏ phiếu cho tôi hay không, tôi vẫn sẽ phục vụ quý vị”, ông viết.
Hôm 15/5, ông công bố kế hoạch thành lập chính phủ liên minh gồm 5 đảng đối lập cũ và một đảng mới, với tổng 310 nghị sĩ và ông làm thủ tướng.
Vị chính trị gia đã gọi điện cho Paetongtarn Shinawatra - ứng viên thủ tướng Pheu Thai - và chúc mừng bà vì quyết tâm trong chiến dịch tranh cử và mời đảng tham gia liên minh. Đáp lại, bà Paetongtarn chúc mừng Move Forward và cho rằng để minh bạch, giới truyền thông nên biết hai bên đã nói chuyện với nhau.
Ba đảng đối lập khác ông Pita đã liên hệ là Thai Sang Thai, Prachachart và Seri Ruam Thai. Năm đảng giành được tổng cộng 309 ghế. Vị chính trị gia cũng đang liên hệ với đảng Pen Tham có một nghị sĩ trong danh sách đảng để tham gia liên minh.
6 đảng này sẽ chiếm 310 ghế, con số đủ để thành lập chính phủ đa số. “Chúng tôi sẽ thành lập chính phủ càng sớm càng tốt để không tạo ra khoảng trống chính trị và kinh tế", ông Pita nói.
Khi được hỏi liệu Move Forward có lo ngại không được các thượng nghị sĩ ủng hộ để nhận đủ 376 phiếu tán thành không, ông Pita khẳng định mình không lo lắng bởi đảng đã được người dân tin tưởng.
Pheu Thai đồng ý kết liên minh với Move Forward sau kết quả bầu cử hôm 14/5. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù được các cử tri trẻ tuổi ủng hộ nhờ chương trình nghị sự tiến bộ, doanh nhân 42 tuổi khiến nhiều nhóm bảo thủ lo lắng trước lời kêu gọi cải cách chế độ quân chủ - thể chế vốn được coi là bất khả xâm phạm.
Năm 2019, Tòa án Hiến pháp loại một đồng nghiệp của ông Pita khỏi Quốc hội với cáo buộc vi phạm luật bầu cử và giải thể đảng Future Forward. Move Forward là đảng kế thừa của đảng này.
Tuy nhiên, nỗ lực thành lập liên minh cầm quyền của Move Forward có thể không thuận lợi sau khi một số thượng nghị sĩ nói rõ họ sẽ không ủng hộ ứng viên thủ tướng của đảng.
Jadet Insawang cho biết khi đảm nhận chức vụ thượng nghị sĩ, ông đã tuyên thệ bảo vệ chế độ quân chủ lập hiến.
"Move Forward và ông Pita từng tuyên bố sẽ loại bỏ Mục 112 (luật khi quân), gây ảnh hưởng đến chế độ quân chủ. Điều này không thể chấp nhận được”, ông nói. “Nếu ông Pita, ứng viên thủ tướng của Move Forward, được đề cử, ông ấy sẽ không nhận được phiếu bầu của tôi”.
Ông Kittisak Rattanawaraha nói các thượng nghị sĩ sẽ xem xét tư cách của mọi ứng viên thủ tướng được đề cử. “Một trong những tiêu chuẩn là ứng viên phải trung thành với đất nước, tôn giáo và chế độ quân chủ”, vị thượng nghị sĩ nói.
Ông cho rằng còn quá sớm để bình luận về bộ mặt mới của chính phủ liên minh. "Các thượng nghị sĩ xem xét nhiều khía cạnh, như đất nước sẽ ra sao, liệu có vấn đề, xung đột hay biểu tình gì xảy ra nếu họ bầu cá nhân nào đó lên làm thủ tướng. Các thượng nghị sĩ sẽ ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của đất nước”, ông Kittisak nói.
Một thượng nghị sĩ khác, Chalermchai Fuengkorn, nói mọi đảng cần sự ủng hộ của 376 nghị sĩ để có thể đề cử ứng viên thủ tướng và không cần tới Thượng viện.
"Nếu họ có thể đưa một số đảng khác, như Bhumjaithai, vào liên minh, thì Thượng viện không có ý nghĩa gì", ông nói. "Nhưng nếu kịch bản này không xảy ra và một số thượng nghị sĩ bỏ phiếu trắng, nỗ lực thành lập liên minh của họ sẽ thất bại".
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.