Khi Ethereum hoàn thành bản cập nhật thay đổi phương thức xác thực từ bằng chứng công việc (PoW) sang bằng chứng cổ phần (PoS) vào tháng 9/2022, được gọi là “The Merge", chuỗi khối này đã giảm 99% mức tiêu thụ năng lượng. Trong khi đó, Bitcoin tiếp tục vận hành dựa trên bằng chứng công việc, mỗi năm tiêu thụ lượng điện bằng cả Philippines.
“Bằng chứng công việc có nhược điểm là nó lãng phí một lượng năng lượng khổng lồ và do đó có hại cho môi trường”, GS Neal Koblitz tại Đại học Washington và là đồng tác giả của mật mã đường cong Elliptic đằng sau chữ ký số của Bitcoin, nói với Zing.
Khai thác Bitcoin trở thành cái gai trong mắt nhiều quốc gia
“Một vấn đề khác với nó là cơ chế này không hoạt động như những người ủng hộ Bitcoin ban đầu hy vọng. Việc khai thác Bitcoin phần lớn tập trung tại một số trang trại máy tính khổng lồ, trong khi đáng nhẽ triết lý của Bitcoin là khai thác phi tập trung, được thực hiện bởi một số lượng lớn người dùng đơn lẻ”, GS Koblitz cho biết.
Phần lớn việc khai thác Bitcoin ngày nay được thực hiện từ 5 trang trại lớn nhất thế giới. Các trang trại này, đi kèm là lượng điện tiêu thụ và lượng phát thải lớn, trở thành cái gai trong mắt nhiều quốc gia. Trung Quốc đã gây sức ép chấm dứt hoạt động đào Bitcoin trong nước vào giữa năm 2021, khiến nhiều công ty khai thác lớn phải tìm kiếm các khu vực khác trên thế giới có năng lượng rẻ để định cư.
Bên trong một trang trại đào tiền điện tử ở Kazakhstan. Phần lớn hoạt động khai thác tập trung trong các trang trại lớn, thay vì người dùng nhỏ lẻ. Ảnh: Reuters. |
Sau khi chuyển đến những nơi như Kazakhstan, các công ty khai thác Bitcoin tiếp tục gây áp lực lên lưới điện chủ yếu và phụ thuộc vào điện than, gây mất điện cục bộ. Ở ngoại ô New York, nơi các công ty đào tiền ảo tận dụng mặt bằng của các nhà máy bị đóng cửa và nhà kho bỏ trống, người dân địa phương phàn nàn về hóa đơn tiền điện ngày càng tăng và tiếng ồn của hệ thống tản nhiệt. Mỹ hiện là nhà cho khoảng 38% tổng số hoạt động khai thác bitcoin.
Nhiều quốc gia, bao gồm Kazakhstan, Iran và Singapore, đã đặt ra các giới hạn đối với việc khai thác tiền điện tử. Vào tháng 4 tới, Nghị viện châu Âu sẽ thông qua dự luật Thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA), buộc các công ty tiền điện tử phải tiết lộ thông tin về môi trường. Luật dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng năm 2024.
Ngân hàng Trung ương châu Âu trước đây đã tuyên bố rằng họ không thể tưởng tượng được một thế giới nơi các chính phủ sẽ cấm ôtô chạy bằng xăng để ưu tiên cho xe điện mà không cấm phát thải CO2 từ tiền điện tử.
“Một số thành viên của Nghị viện châu Âu đã tự hỏi tại sao Bitcoin không theo sau Ethereum", Alex de Vries, nhà khoa học dữ liệu của Digiconomist, trang web theo dõi việc sử dụng năng lượng của tiền điện tử, nói với MIT Technology Review.
Trang trại Bitcoin của Coinmint ở Massena, New York. Ảnh: Coindesk. |
Mỹ cũng đang tìm cách ngăn chặn sự lãng phí năng lượng của Bitcoin. Vào tháng 11/2022, New York đã trở thành tiểu bang đầu tiên tạm thời ngừng cấp giấy phép khai thác tiền điện tử mới tại các nhà máy nhiên liệu hóa thạch. Luật mới cũng yêu cầu thành phố New York nghiên cứu tác động của việc khai thác tiền điện tử đối với lượng khí thải nhà kính.
Bitcoin có thể sạch hơn
Về nguyên tắc, một nhóm nhỏ những người vận hành mã của Bitcoin, được gọi là "người bảo trì", có thể chuyển chuỗi khối này sang PoS.
“Quyết định chuyển đổi sẽ được đưa ra bởi những người chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ cuộc 'bỏ phiếu' chính thức nào từ phía người dùng, hay các trang trại máy tính có bất kỳ tiếng nói nào trong việc này", GS Koblitz nói.
Bitcoin có thể được chuyển sang bằng chứng cổ phần để giải quyết vấn đề phát thải, nhưng thực tế điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều công ty lớn. Ảnh: Reuters. |
"Nhiều khả năng Bitcoin đang chờ xem bằng chứng cổ phần hoạt động như thế nào trên Ethereum. Nếu Ethereum không gặp vấn đề lớn nào, thì sẽ ít rủi ro hơn cho Bitcoin khi chuyển đổi”, GS Koblitz cho biết. Dù vậy, ông cũng lưu ý nếu Bitcoin chuyển sang PoS, tất cả các trang trại khai thác sẽ mất hoạt động kinh doanh.
Các nhóm khai thác Bitcoin lớn đang thu thập tổng cộng 900 Bitcoin mới mỗi ngày, tương đương hơn 20 triệu USD, chưa kể phí giao dịch cho các khối mới mà họ khai thác.
Đối mặt với khả năng từ bỏ mô hình kinh doanh đó, những người khai thác có thể sẽ tìm cách “hard fork” - chia một chuỗi khối thành hai phiên bản không tương thích với nhau - để duy trì một nhánh bằng chứng công việc của Bitcoin và khăng khăng rằng đó mới là Bitcoin thực sự, theo dự đoán của Jorge Stolfi, nhà khoa học máy tính tại Đại học Bang Campinas ở Brazil, người đã theo sát Bitcoin từ những ngày đầu tiên.
Dù vậy, nếu duy trì khai thác "bẩn", Bitcoin có thể bài trừ bởi chính phủ và nhiều cộng đồng, những người ngày càng trở nên không khoan nhượng với phát thải và lãng phí năng lượng.
Để blockchain không bị hiểu nhầm
Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.
Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.