Nhà vũ trụ học nổi tiếng Carl Sagan từng nói một câu thế này: "Vũ trụ ở bên trong chúng ta. Chúng ta được tạo thành từ vật liệu của các ngôi sao. Chúng ta là cách để vũ trụ hiểu biết về chính nó".
Đó quả là một nhận định thú vị và đáng suy ngẫm, cho dù dưới góc độ lý luận của các triết gia hay đơn giản là qua góc nhìn của một cô bé, cậu bé đang làm quen với những kiến thức đầu tiên về vũ trụ. Chúng ta là một phần của vũ trụ. Khi chúng ta hướng kính thiên văn lên bầu trời và khám phá nó, có lẽ điều đó cũng có nghĩa là chính vũ trụ đang thông qua chúng ta để hiểu về chính mình.
Thế nhưng chúng ta có phải là những nhà quan sát duy nhất hay không? Hay nếu chúng ta chính là trí tuệ của vũ trụ, thì liệu... vũ trụ đã thực sự đủ thông minh chưa, hay nó còn có thể thông minh hơn thế nữa?
Điều không rõ là đáng tiếc hay nên khiến chúng ta thở phào nhẹ nhõm là: cho tới nay chúng ta chưa tìm thấy bất cứ nơi nào khác có sự sống trong vũ trụ, nên càng không có những nền văn minh tiến bộ hơn để chúng ta tham chiếu xem khi công nghệ phát triển thêm hàng nghìn hay hàng triệu năm nữa so với chúng ta hiện tại, thì cuộc sống sẽ ra sao. Và vì thế, chẳng còn cách nào khác hơn, chúng ta sẽ phải tìm cách dự đoán phần nào, dựa trên cơ sở những định luật của vật lý và những xu hướng phát triển của công nghệ ngày nay.
Theo nhà vật lý Max Tegmark nêu trong sách Life 3.0, thì chúng ta đang là những sinh vật thuộc thế hệ sự sống 2.0 - sự sống trong đó chúng ta sinh ra một cách tự nhiên và đã học được cách để tự hoàn thiện mình. Tương lai của chúng ta, có lẽ sẽ là một dạng sống mới mà ông gọi là sự sống 3.0 - dạng sống không chỉ có khả năng hoàn thiện kiến thức, kỹ năng mà còn có thể tự tái cấu trúc và tái tạo chính mình. Đó là một viễn cảnh xa xôi nhưng, rất có thể, rất chân thực về một xu hướng công nghệ đang dần dần lan rộng và xâm chiếm thế giới ngày nay: Trí thông minh nhân tạo (AI).
Khác với một số cuốn sách và tài liệu khác bàn về đề tài tương lai của nhân loại, Life 3.0 mang đến một hướng tiếp cận khác. Thay vì mô tả một thế giới chân thực về cách mà con người sẽ sống trong tương lai với những viễn cảnh công nghệ đầy hứa hẹn, Tegmark đưa ra một vấn đề cụ thể mà những chuyên gia công nghệ hàng đầu cũng như một phần không hề nhỏ của nhân loại ngay lúc này đang quan tâm: AI rồi sẽ phát triển tới đâu và liệu rằng rồi đây nó có hoàn toàn thay thế trí tuệ của con người hay không?
Để thảo luận về chủ đề này, Tegmark đưa ra nhiều giả định xuyên suốt cuốn sách. Ông đưa ra những lập luận cũng nhiều ý kiến đa chiều của các nhà khoa học và các chuyên gia công nghệ để qua đó vẽ ra một bức tranh nơi mà AI đã phát triển thành siêu trí tuệ có khả năng xử lý được mọi vấn đề liên quan tới tư duy của con người, và thậm chí còn hơn thế nữa.
Cuốn Life 3.0 của Max Tegmark do ETS - alphabooks phát hành. |
Những bộ phim viễn tưởng đã mang tới không ít những ý nghĩ thiếu lạc quan cho chúng ta về một thế giới tương lai nơi AI đã trở nên quá thông minh. Chẳng hạn, một ngày nào đó, máy móc sẽ hoàn toàn chiếm quyền kiểm soát và chúng sẽ tự tạo ra những đội quân với mục đích chiếm lĩnh và sở hữu Trái Đất thay cho loài người, giống như những gì xảy ra trong Terminator (Kẻ hủy diệt). Hoặc là, một cách khéo léo, AI dần biến con người thành nô lệ cho chúng, phục dịch chúng mà chính con người cũng không hề tự nhận ra, như trong Matrix (Ma trận).
Thực tế thì điều đó có cơ hội xảy ra hay không, hay máy móc dù có chiến thắng bạn khi cùng chơi cờ vua hoặc giải toán nhanh gấp hàng nghìn lần khả năng của bạn thì cuối cùng chúng vẫn chỉ mãi là những cỗ máy? Theo tôi, đó là một câu hỏi mà ở lúc này không ai có thể trả lời chính xác. Chỉ biết chắc chắn rằng, khi AI ngày càng phát triển thì chúng ta sẽ càng nhìn thấy rõ hai xu thế song hành, đó là chúng ta sẽ làm được mọi việc một cách dễ dàng hơn và đồng thời sẽ ngày càng phụ thuộc vào máy móc nhiều hơn.
Cuốn sách này là một hệ thống những ý kiến thú vị và đáng suy ngẫm về cách thức mà trí tuệ nhân tạo sẽ can thiệp vào cuộc sống của chúng ta, sự phát triển của ý thức và xã hội trong tương lai với sự can thiệp ngày càng rõ rệt đó, và quan trọng hơn nữa là con người chúng ta cần tính tới và làm những gì để bảo đảm sự sinh tồn và phát triển theo đúng viễn cảnh mà chúng ta mong muốn.
Nó cũng gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm và có thể cả việc định hình lại chính những khái niệm về ý thức, tư duy và về bản chất sự tồn tại của nhân loại. Mặc dù có đi sâu vào một số khái niệm và ở đôi chỗ sẽ đòi hỏi sự cố gắng của những người đọc vốn không phải nhà khoa học hoặc chuyên gia và AI, nhưng cuộc hành trình mà Tegmark vẽ ra vẫn đủ hấp dẫn để hẳn rằng đa số chúng ta đều muốn khám phá trước khi thực sự tham gia vào đó.
Đặng Vũ Tuấn Sơn là Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), tác giả nhiều cuốn sách như Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn (2016); Trái Đất và hệ Mặt Trời (2017); Các chòm sao: Toàn cảnh về bầu trời đêm (2020)...