Hồ Anh Thái chưa bao giờ khiến cho độc giả thất vọng về chữ của mình. Dù không phải là một dòng văn phổ thông và “dễ tính” với phần lớn người đọc, nhưng ai từng đọc và “thấm” Hồ Anh Thái rồi có lẽ khó dừng lại được.
Hồ Anh Thái viết nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều. Đọc văn ông, độc giả có thể cảm nhận được một cách mạnh mẽ và sâu sắc về một con người sở hữu nguồn suy nghĩ, văn hóa, tư tưởng giàu có và phong phú đến bất ngờ. Sự giàu có ấy không chỉ đơn thuần đến từ chuyện đi nhiều, đọc nhiều hay viết nhiều, bởi nói theo một cách nào đó, viết chính là cách nhà văn chọn để chia sẻ và thấm nhuần cái kho tàng suy nghĩ, văn hóa và tư tưởng vô tận ấy một cách bền bỉ, thường xuyên và liên tục. Hồ Anh Thái viết để chia sẻ với chính mình trước hết, sau đó là chia sẻ với người khác.
Làm cho người đọc bớt ngại chữ
Dù “viết”, nhưng văn Hồ Anh Thái mang trong ấy nhiều phần “nói”. Chính cái phần “nói” trong văn ông khiến người ta bị cuốn hút, bị mê mẩn, bị kéo đi, bị trôi theo và tự nguyện để mình được dẫn dắt. Cái phần “nói” trong chữ ông khiến người “ngại chữ” cảm thấy bớt ngại, bởi đọc mà như không đọc, đọc mà như chỉ là nghe. Đôi khi chữ nghĩa cũng oan uổng bị gán lên cái mác của tầng tầng lớp lớp thành kiến, đến độ người ta cứ nghe tới chữ đã thấy mệt, nhìn thấy chữ là đau đầu, đọc chữ thì ôi thôi quả là một thú xa xỉ. Sách ư? Làm gì có thời gian! - Người ta vẫn hay nói thế.
Nhà văn Hồ Anh Thái. |
Lan man một chút để thấy cái tài tình trong cách viết của Hồ Anh Thái, cái tài tình khiến người ta thấy đọc mà như nghe, mà phàm cái gì nghe thì người ta kiên nhẫn hơn, còn đọc thường bị hắt hủi và đôi khi bị xua đuổi một cách đáng thương.
Với sự tài tình ấy, nhà văn cứ viết, tuôn ra từng chữ. Độc giả cứ đọc, nuốt lấy từng câu. Một cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang, với cái tên chẳng giật gân chẳng thu hút, chẳng tò mò chẳng úp mở, tác phẩm đó là Năm lá quốc thư.
Dù gần như năm nào nhà văn cũng cho ra mắt tác phẩm mới, nhưng có lẽ giống như chuyện “phải viết nữa” của ông, thì độc giả của ông cũng có nhu cầu “đọc tiếp nữa”. Hồ Anh Thái bắt đầu Năm lá quốc thư bằng cách kể chuyện và kể chuyện liên tục, những câu chuyện cứ thế bung ra chữ, hiện lên trang giấy như thể chẳng cần qua một công đoạn biên tập hay chỉnh sửa nào, như thể nghĩ sao thì viết vậy, liên tu bất tận, từ người này sang người khác, từ không gian này sang không gian khác, từ hiện tại về quá khứ… Sự liên tiếp ấy có thể sẽ khiến người đọc có một thoáng muốn ngưng, vì… hụt hơi.
Nhưng ba mươi chưa phải là Tết, người ta vẫn nói thế, và một phần ba cuốn sách thì chưa nói được gì nhiều. Nếu có vấp phải cảm xúc muốn tạm ngừng ấy thì hãy cứ đọc tiếp, đọc với một tâm thế không mong muốn, không cần tìm kiếm điều nhà văn muốn nói rốt cuộc là gì. Vì chắc chắn, những gì Hồ Anh Thái mang tới sau cùng không hề khiến độc giả của ông thất vọng.
Mượn câu chuyện ngoại giao
Qua từng câu chuyện, Hồ Anh Thái khéo léo phơi bày ra hiện thực, một hiện thực khó có thể thực hơn. Từng tầng lớp của hiện thực ấy được bóc tách một cách tinh vi và tỉ mỉ, như chính cái tỉ mỉ và chi tiết mà người đọc có thể cảm nhận được ở nhà văn.
Mỗi hành động nhỏ, mỗi việc làm nhỏ, mỗi thái độ tưởng như bình thường và tất yếu đều trở nên sáng rõ bản chất, tất cả như những mảng màu được phủ dần lên tấm canvas trắng, định hình một bức tranh không hề trừu tượng và đầy đủ sắc màu. Cái hiện thực ấy là nơi chúng ta đang sống, xã hội, văn hóa, tư duy, nhận thức, tất cả đều được bao trùm trong ấy.
Sách Năm lá quốc thư. |
Những điều nghiễm nhiên có còn là nghiễm nhiên nếu như ta đứng ra một góc khác và nhìn lại? Những chuyện bình thường có còn là bình thường nếu như ta thử tách mình ra khỏi đó và quan sát? Phải chăng toàn bộ khối tư duy, nhận thức, hành động và nói năng ấy chỉ là cái tất yếu mà ta muốn nó là tất yếu, bởi ít nhiều đều thu được lợi ích cá nhân từ đó?
Trong vòng quay cuộc sống của những con người khác nhau và cũng giống nhau, Hồ Anh Thái để các nhân vật của mình tự bộc lộ mọi thứ về chính họ. Những suy nghĩ ẩn dưới lớp áo giao đãi bên trên, những toan tính cá nhân thẳm sâu khoác lên mình tấm huân chương tập thể, những tàn nhẫn được phủ kín bằng danh nghĩa nhân đạo trưng bày, những kém cỏi láu cá tinh ranh không màng che giấu, tất cả được bóc tách ra từng lớp, từng lớp, bày biện ra trước mắt người đọc là một hiện thực trần trụi của văn hóa, của nhận thức. Ngược chiều với những mảng tối ấy, vẫn lấp ló ánh sáng của những chân thành, chính trực và tự trọng biết mình.
Tác phẩm mượn câu chuyện ngoại giao để mở rộng ra bức tranh toàn cảnh, mượn những cá nhân đơn lẻ để thấy được một phần của hệ giá trị đang lấn át và chiếm thế thượng phong. Vẫn giọng văn thẳng thắn, mang tính giễu nhại và đôi khi gay gắt, Hồ Anh Thái không ngần ngại phơi bày cho người ta thấy một vùng đất lem nhem mà trước giờ tưởng như bằng phẳng đẹp đẽ.
Trong cái bàng hoàng của nhận thức ấy, có chế giễu và cười nhạo, có chỉ trích và phán xét, nhưng chắc chắn cũng có lóe lên những mặc cảm, tủi thân, đôi khi cả nỗi oan ức. Bởi mỗi cá thể dẫu sao cũng là một phần trong tấm vải canvas đã được phủ kín màu sắc kia, dẫu sao cũng được đan kết bởi những điều cốt lõi giống nhau.
Dù ta có không đứng trong tối, hay không góp một tay bôi nhòe đi ranh giới sáng tối vốn còn những lập lờ, thì có lẽ một sự ghi nhận và bao dung nên được tưới tẩm, không phải chỉ dành cho những mảng sáng vốn có thể tự phát sáng, mà còn dành cho cả những mảng tối luôn tồn tại như một lẽ tất nhiên. Bởi mọi sự đều cần có thời gian và cả không gian nữa.
Với Năm lá quốc thư, Hồ Anh Thái một lần nữa khẳng định sự tài tình của mình trong văn chương đậm tính hiện thực. Đọc tới tận cùng sẽ thấy được điều nhà văn muốn nói, để thấy vẻ đẹp của con người sau tất cả những vấp váp cuộc đời, và trên hết, hãy đọc tới tận cùng để thấy một niềm tin về sự đổi thay chưa bao giờ tắt, dẫu cho lúc này còn lắm những lỗi lầm.