Sách Đồng Khánh - Khải Định chính yếu (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Nguyễn Văn Nguyên dịch, NXB Thời đại, 2009), phần Văn trị trong tập Khải Định chính yếu, cho biết:
“Mùa hạ, tháng 4 năm 1918, mở khoa chính kỳ thi Hương. Cho trường Bình Định thi chung tại Thừa Thiên, trường Thanh Hóa thi chung tại Nghệ An”.
Sau khoa thi Hương này, ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ khoa cử ở Việt Nam. Số cử nhân đỗ ở kỳ thi Hương sẽ được thi Hội, thi Đình vào năm 1919. Với khoa thi này, nền khoa cử nho học Việt Nam kéo dài 844 năm (mở đầu từ khoa thi Minh kinh bác học diễn ra năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông mà Lê Văn Thịnh là Thủ khoa) hoàn toàn kết thúc.
Nền khoa cử Nho học Việt Nam kéo dài từ thời Lý đến năm 1919 thì chấm dứt. Ảnh: Lễ xướng danh khoa thi Hương ở trường thi Nam Định năm 1897. Ảnh: André Salles. |
Ngày 1/4/1919, khoa thi Hội cuối cùng, tức khoa Kỷ Mùi được tổ chức, ngày 28/4 công bố danh sách những người trúng cách.
Sách Khải Định chính yếu viết: “Năm Khải Định thứ 4 (1919), mùa xuân, tháng Giêng, chuẩn lấy khoa thi Hội năm nay làm Ngự tứ ân khoa”.
Vua Khải Định phê vào công văn hỏi về thể thức kỳ thi Hội của Bộ Học rằng: "Lần này là khoa thi Hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo cả hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình qua Bộ Học để xin vào ứng thí, lấy tên khoa này là Ngự tứ ân khoa để sau này lập ra Hội Hàn lâm. Truyền tuyển chọn quan Thư tịch để mở rộng đường cho kẻ sĩ".
Trước cảnh nền khoa cử Nho học sắp chấm dứt, thi sĩ Tú Xương (Trần Tế Xương) đã viết những vần thơ cảm thán:
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì!
Viện Cơ mật tâu xin rằng tại các tỉnh Trung kỳ, mỗi tỉnh xét cử hai, ba người là tú sĩ tại quê quán có thực tài, đồng thời tinh thông cả chữ Nho và chữ Pháp để đưa lên Hoàng thượng tuyển chọn. Vua phê rằng:
"Đường khoa cử kén chọn nhân tài của nhà nước nay đã bắt đầu thực hiện cải lương (cải cách). Trẫm cảm nghĩ đối với lớp cựu hiền thì đã hết đường tiến mà tân học lại chưa được thuận, hoài bão ôm ấp mãi không gặp thời. Khoa cử gần đây cũng có nhiều thiên tư, có người vì nghèo khó bức bách mà không được tới trường, hoặc có người tới được trường thì lại không trúng ý quan. Lại có trường hợp tài học của quan lại không bằng được sinh viên, từ đó dẫn tới nhiều người suốt ngày ôm hận, mà nhà nước muốn giăng lưới tuyển tài như ngày xưa cũng không được.
Nên cần để cho những người hiền bị bỏ sót trong dân cũng hiểu được ý trẫm. Theo như lời trình trong tờ phiến thì tuy chưa hoàn toàn trúng với ý của trẫm, những ý kiến bàn thêm đã nhất trí nên tạm chuẩn ý cho”.
Mùa hạ, tháng 4, kỳ thi Hội tiến hành xong, quan trường thi xin gia ân lấy thêm 3 quyển thi bị thiếu điểm. Bộ Học trình lên, vua phê:
"Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây đứt hẳn... Lần này đặc cách gia ân cho sĩ tử được vào thi Hội là bởi trẫm thương những người cựu học khổ công đèn sách những mong được tuyển chọn ra làm quan. Căn cứ vào thỉnh cầu của bộ Học gia ân lấy thêm 3 quyền thi là rất hợp, nhưng trẫm nghe nói vẫn còn 2 quyển nữa mà điểm số về văn lý cũng không thấp hơn 3 quyển kia, vậy mà không được dự lấy thêm, như thế là chưa công minh. Vậy truyền lấy thêm cả 2 quyển này vào cộng làm 5 quyền dâng lên ngự lãm, đợi sẽ có chỉ gia ân riêng”.
Ngày 15/9/1919, đến kỳ thi Điện, vua thân hành ra đề hỏi các Cống sĩ tại điện Cần Chính. Đề hỏi về hai chữ "văn minh" có xuất xứ từ sách vở nào, ý nghĩa ra sao. Đề cũng nói "Lối khoa trường của cựu học nay đã bãi bỏ, còn tân học thì cứ tốt nghiệp là được dùng. Phép tuyển dụng người đã tận thiện chưa?"
Kỳ thi này đã chọn ra được 7 vị tiến sĩ và 16 phó bảng. Tuy nhiên, theo phủ Khâm sứ của Pháp thông báo thì những người đỗ trong khoa thi này, tuy vẫn còn giữ được danh hiệu, học vị cũ, nhưng sẽ không có giá trị trong việc bổ nhiệm vào quan trường.
Bảy tiến sĩ trong kỳ thi cuối cùng này thì Nguyễn Phong Di (còn có tên là Nguyễn Thái Bạt, người thôn Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, 31 tuổi) đứng đầu. Ông Di từng làm Lục sự ở tòa Khâm sứ, sau đó tham gia phong trào Đông Du cùng cụ Phan Bội Châu. Người lớn tuổi nhất trong số tiến sĩ là Bùi Hữu Hưu (40 tuổi, người Thừa Thiên) và ít tuổi nhất là Dương Thiệu Tường (25 tuổi, người Hà Đông, nay là Ứng Hòa, Hà Nội).
Trong danh sách 14 Phó bảng, có hai anh em Đặng Văn Oánh và Đặng Văn Hướng người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Cụ Hướng từng giữ chức Thị lang Bộ Công, Tham tri Bộ Hình của triều Nguyễn, rồi Tổng đốc Nghệ An dưới chính phủ Trần Trọng Kim.
Sau cách mạng tháng Tám, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng không bộ đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh của Chính phủ nước Việt Nam DCCH. Cụ Hướng là thân sinh Trung tá Đặng Văn Việt, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam - người được quân Pháp kính sợ gọi là “Con hùm xám đường số 4”.