Hàng chục tỷ đồng được ông Nguyễn Công Quyến - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ Việt - Nhật (quận 9, TP HCM ) để đầu tư nhà xưởng, dây chuyền công nghệ... sản xuất các sản phẩm bếp từ và hồng ngoại. Nhưng chưa kịp vui mừng khi sản phẩm được nhiều khách hàng chọn mua, ông lại đau đầu do các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc với mác “made in Vietnam”. Thậm chí, họ giả mạo sản phẩm của chính doanh nghiệp này, bắt đầu thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường.
Theo ông Quyến, sản phẩm giả khi tuồn về Việt Nam được kẻ gian thay đổi bao bì, nhãn mác, sau đó bán tại các chợ, thậm chí gõ cửa từng nhà để thuyết phục bán với giá cao.
Không chỉ giả mạo xuất xứ, hàng Trung Quốc còn bắt chước nhiều chức năng của sản phẩm công ty này. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp được bổ sung chức năng thông minh hướng dẫn khách hàng sử dụng bằng âm thanh tiếng Việt, hàng giả mạo lập tức cho ra đời sản phẩm tương tự.
Hậu quả là sức tiêu thụ sản phẩm của công ty bị giảm sút mạnh, chưa kể còn bị người tiêu dùng hoài nghi do xài nhầm hàng Trung Quốc đội lốt.
Giày thể thao Nike xuất xứ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam. |
“Từ đầu năm đến nay, sản phẩm cùng loại từ các nước Thái Lan, Malaysia cũng bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam nhưng chúng tôi không mấy lo ngại vì giá bán của họ khá cao với chất lượng tương đương. Tuy nhiên, việc đương đầu với hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ khiến chúng tôi rất mệt mỏi”, ông Quyến bức xúc.
Tương tự, một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng cũng bức xúc khi trên thị trường xuất hiện dòng sản phẩm cây lau nhà nhập khẩu nguyên bộ từ Trung Quốc nhưng được “thoát xác” biến thành hàng Việt bày bán rộng rãi.
“Khi thấy thị trường khá chuộng dòng sản phẩm bộ cây lau nhà, chúng tôi đầu tư thêm máy móc, khuôn đúc, nhân công để sản xuất mặt hàng này. Tuy nhiên, sau chưa đầy nửa năm sản xuất, chúng tôi đành bỏ ngang vì không thể cạnh tranh. Cùng gắn 'made in Vietnam' nhưng đối thủ không chịu chi phí bảo hành cùng nhiều loại thuế phí..., làm sao chúng tôi cạnh tranh nổi”, vị này nói.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển, kinh doanh hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam. Chiêu thức giả mạo xuất xứ khá đa dạng như hàng hóa được sản xuất, đóng gói, ghi xuất xứ hoàn toàn từ nước ngoài trước khi đưa vào trong nước tiêu thụ. Hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài về rồi được gia công đơn giản như in ấn, gắn mác xuất xứ mới cho sản phẩm.
Những bao bì sản phẩm được in ấn rõ nét, bắt mắt. Các mặt hàng bị giả mạo xuất xứ gồm đủ chủng loại, từ quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện cho đến hàng điện gia dụng... Thậm chí, trong số hơn 100 tấn hàng lậu từ Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam vừa được cơ quan chức năng phát hiện, nhiều mặt hàng gia dụng còn ghi rõ là sản xuất tại.... Hà Đông, Hà Nội hay Long Thành, Đồng Nai với hạn bảo hành một năm, có chứng nhận hợp quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao!
Một lãnh đạo quản lý thị trường TP HCM thừa nhận một trong những khó khăn hiện nay trong việc xử lý các vụ giả mạo xuất xứ là do các quy định về hành vi này còn khá mơ hồ, chồng chéo.
Cũng hành vi này nhưng có thể được xử lý hành chính, không truy tố hình sự mà vẫn đảm bảo đúng luật. Thậm chí, khi xử lý hành chính cũng có thể lách từ việc xử phạt hàng giả thành vi phạm về nhãn hàng hóa với mức phạt nhẹ hơn.
“Có những vụ chúng tôi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy tố hình sự về sản xuất, kinh doanh hàng giả. Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu hết các hồ sơ đều được chuyển về để xử lý hành chính với mức phạt theo quy định hiện nay chưa thật sự đủ sức răn đe”, vị này nói.