Ngay từ đầu tháng 3, hàng loạt ngân hàng (NH) thương mại cổ phần đã niêm yết biểu lãi suất tiền gửi mới theo xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Hạ lãi suất huy động nhằm tiết giảm chi phí đầu vào khi hoạt động tín dụng chưa thật sự khởi sắc, tạo cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay 1%-1,5%/năm trong năm nay.
Tiền vẫn chảy vào ngân hàng
Từ ngày 9/3, NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng biểu lãi suất mới, điều chỉnh tiền gửi kỳ hạn 1 tháng còn 4,3%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước. Đến ngày 10/3, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 4,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng giảm về 6,1%/năm. Tại NH TMCP Sài Gòn (SCB), mức lãi suất tiền gửi cũng không còn cao như trước, kỳ hạn 1 tháng là 5%/năm và kỳ hạn 12 tháng còn 7,05%/năm.
Qua ngày 11/3, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng gia nhập làn sóng hạ lãi suất ở một số kỳ hạn. Hiện tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại Sacombank còn 4,3%/năm và kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5,7%/năm. Hiện mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng thấp nhất trên thị trường được ghi nhận chỉ còn 4%/năm tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng được kéo về 6%/năm.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay, hàng loạt NH thương mại khác như Agribank, OCB, DongA Bank, HDBank... đã niêm yết biểu lãi suất mới với hướng giảm thêm từ 0,1%-0,5%/năm, ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Thậm chí, chỉ tính từ cuối năm 2014 đến nay, có NH thương mại đã 5 lần thay biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm hoặc chỉ trong vòng 1 tuần có NH 2 lần hạ lãi suất, mức điều chỉnh mỗi lần chỉ khoảng 0,1%-0,2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Cuối tháng 10 năm ngoái, NH Nhà nước đã hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng xuống còn 5,5%/năm nhưng xu hướng giảm lãi suất đã được các NH thương mại áp dụng trước đó. Đến nay, mức trần lãi suất này đã bị bỏ xa và lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng tại nhiều NH chỉ còn dưới 5%/năm. Trong lần điều chỉnh này, khối NH cổ phần đã mạnh tay giảm lãi suất đầu vào và rút ngắn khoảng cách với các NH quốc doanh. Một số NH cổ phần còn áp dụng lãi suất “khủng” cho kỳ hạn 13 tháng lên tới 7,5%-7,7%/năm để thu hút khách hàng có lượng tiền gửi lớn 300-500 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo nhiều NH, hạ lãi suất là điều tất yếu trong bối cảnh tín dụng đầu năm chưa tăng trưởng mạnh và gửi tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn.
Theo thống kê của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đến cuối tháng 2, tổng huy động tiền gửi của 12 NH thương mại cổ phần có hội sở tại TP đạt hơn 785.000 tỷ đồng , cho thấy vốn nhàn rỗi vẫn chảy vào NH dù lãi suất huy động ngày càng giảm sâu.
Có giảm lãi suất cho vay?
Diễn biến thuận lợi của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát 2 tháng đầu năm cũng giúp các NH mạnh tay hơn khi cắt giảm lãi suất. Tháng 2/2015 là tháng có CPI giảm kể từ năm 1995 và giảm 0,05% so với tháng trước. Lạm phát cơ bản tháng 2 so với cùng kỳ chỉ tăng 2,31% và các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát trong năm nay hoàn toàn có thể kiểm soát quanh mức 5%. Với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng phổ biến khoảng 6,5%-7%/năm, người gửi tiền vẫn có lợi.
Ông Huỳnh Trung Minh, Phó giám đốc khối khách hàng cá nhân của NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho rằng giảm để lãi suất trở nên thực chất hơn bởi Việt Nam vẫn là một trong những nước có mức lãi suất cao nhất thế giới. Một số NH ở Mỹ hiện còn áp dụng mức lãi suất dưới 1%/năm hoặc lãi suất âm (người gửi tiền vào NH phải mất thêm phí - PV). “Hạ lãi suất đầu vào sẽ tạo cơ hội giảm lãi suất đầu ra, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn giá rẻ hơn”, ông Minh nói.
Khi được hỏi lãi suất cho vay bao giờ giảm tương ứng như làn sóng hạ lãi suất huy động, lãnh đạo một NH nói: “Thực tế lãi suất cho vay đã giảm từ trước để kéo doanh nghiệp đến vay vốn”. Nhiều khoản vay ở các NH hiện chỉ khoảng 7%/năm hoặc thấp hơn - nghĩa là NH đang chịu lỗ bởi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng xấp xỉ mức này. Để bù đắp, NH sẽ thu về các khoản phí khác như người vay phải chuyển lương, dòng tiền thanh toán hoặc ngoại tệ (doanh nghiệp xuất khẩu) qua NH, dùng dịch vụ thanh toán quốc tế. “Lãi suất trái phiếu Chính phủ hiện nay bao nhiêu?”, vị tổng giám đốc hỏi lại, rồi ông tự trả lời: “Không dưới 6%-7,8%/năm cho kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Điều này lý giải vì sao các NH thương mại lại đổ vào mua trái phiếu Chính phủ. Và sẽ rất khó để NH cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn mức này, chưa kể cho vay rồi sẽ gặp nhiều rủi ro về nợ xấu, khả năng thu hồi vốn”.
Vay vốn để làm gì?
Trong khi các NH thương mại tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi ngay từ đầu năm thì câu chuyện của các doanh nghiệp là vay vốn để làm gì? Lãnh đạo một NH thương mại cho rằng vấn đề của doanh nghiệp thời điểm này không còn là lãi suất cao hay thấp mà là khả năng hấp thụ vốn và sản xuất - kinh doanh cái gì để có lời.
Ông này cho biết vừa có chuyến khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp ở Lào Cai để mở rộng chi nhánh NH và rất bất ngờ khi không thấy bóng dáng hàng Việt ở vùng biên giới. “Chỉ tính riêng mặt hàng bánh kẹo, đến 95% là hàng Trung Quốc. Lúc vào họp, tôi hỏi cán bộ địa phương sao ở đây không có hàng Việt thì họ chỉ ậm ừ...”, ông kể.
Thực hư việc mua trả góp iPhone, điện thoại không lãi suất
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhiều công ty tài chính đã đưa ra chương trình hỗ trợ mua trả góp không lãi suất cho smartphone.
Các ngân hàng đang ráo riết tìm mua lại khoản nợ của người vay tiền từ ngân hàng khác để tăng thêm dư nợ cho vay, còn người vay giảm được chi phí về lãi suất.
Gửi tiết kiệm nhưng không rút được tiền
14 1
Khách hàng gửi 400.000 euro, tương đương hàng chục tỷ đồng, tại ngân hàng, song sau đó không rút được tiền. Dưới đây là câu chuyện của khách hàng nói trên.