Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chào vốn siêu rẻ, ngân hàng đang làm xiếc?

Chào lãi suất “siêu rẻ” với 4-6%/năm cho kỳ ngắn hạn, nhưng không mấy doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi đó. Doanh nghiệp phải trả lãi suất thực tính bình quân 9-9,5%/năm.

Là một doanh nghiệp lớn, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) luôn là “vùng trũng” của các loại lãi suất ưu đãi từ nhiều ngân hàng và hạn mức không khi nào dùng hết.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho biết lãi suất cho vay của các ngân hàng dành cho tập đoàn chỉ 4–5%/năm cho kỳ ngắn hạn và 9 – 10% cho kỳ trung và dài hạn. “Tuy nhiên, Hòa Phát không có nhiều nhu cầu vốn, vì những lợi nhuận từ năm trước đã đủ dùng, không cần vay thêm nhiều”, ông Dương cho biết.

Lãi suất thực trả không có giá 5%

Nhưng mức lãi suất này chỉ dành cho vài doanh nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng. Theo ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Chăn nuôi Chế biến và XNK Appocimex, hiện công ty đang vay tại Agribank với lãi suất 9,5% cho kỳ ngắn hạn, còn trung và dài hạn là 10-12%/năm. Tuy nhiên, nếu vay trung và dài hạn với lãi suất 10% là rất khó.

Ông Lý cho biết, có rất nhiều gói lãi suất “siêu rẻ” được các ngân hàng chào mời, nhưng lãi suất thực trả bình quân mỗi tháng cao hơn so với mức mời chào. “Thường thì các ngân hàng chào lãi suất cho vay ban đầu là 5%, nhưng chỉ được tháng đầu tiên, sang tháng thứ 2 tăng lên khoảng 7-9%, từ tháng thứ 3 trở đi lãi suất lên đến 10%. Tính trung bình ra lãi suất thực trả của doanh nghiệp cao hơn so với lãi suất ngân hàng chào ban đầu”, ông Lý cho biết.

Ông Lý cho biết, hiện công ty đang có khoản vay ưu đãi từ VietinBank theo Nghị định 210 của Chính phủ nhằm khuyến khích và ưu đãi cho doanh nghiệp nông thôn với lãi suất là 7,5%/năm. Nhưng khoản vay ngắn hạn này cũng sắp đến kỳ thanh toán.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Mức lãi suất này không hề rẻ, thậm chí, nếu so với khu vực và thế giới thì lãi suất này là đắt. Không những thế, để vay được vốn doanh nghiệp phải  có tài sản thế chấp và nếu là bất động sản thì phải có sổ đỏ. Việc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi cho vay theo dự án ở Việt Nam là rất khó khăn, chỉ là lý thuyết”, ông Lý bình luận.

Cùng quan điểm trên, một chuyên gia tài chính cho rằng lãi suất cho vay hiện nay tuy đã giảm nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, với lãi suất cho vay ngắn hạn là 7-9%/năm, trung và dài hạn là 11–12%/năm vẫn quá cao so với doanh nghiệp đã trải qua 3–4 năm khủng hoảng, sức cầu thị trường yếu, cơ hội kinh doanh không nhiều…

Theo chuyên gia này, nếu như lãi suất cho thể giảm thêm và về gần mức tiệm cận khu vực thì nhu cầu vay vốn cũng sẽ cao hơn và doanh nghiệp có nhiều cơ hội phục hồi hơn.

Cầu vốn sẽ thế nào?

Ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 1–1,5%. Tuy nhiên, giảm ở mức nào là tùy năng lực của từng ngân hàng.

Thực tế, vấn đề lãi suất không phải là yếu tố quyết định của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết từ đầu năm đến giờ vẫn chưa có chuyển biến gì. Doanh nghiệp vẫn đang còn tâm lý “nghỉ Tết” nên vẫn chủ yếu theo xu hướng trả nợ là chính.

“Quan trọng hơn, tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, nhiều vấn đề đang còn phải bàn và nhiều hội thảo được tổ chức để tìm kiếm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế. Việc tổ chức nhiều hội thảo để bàn về các vấn đề vĩ mô cho thấy nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi. Bởi vậy, doanh nghiệp đang có tâm lý chờ đợi những quyết sách chính thức. Do vậy, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm của ACB chủ yếu tập trung vào cho vay cá nhân và tăng trưởng cũng khá tốt”, ông Toại bình luận.

Dù vậy, vẫn có nhiều quan điểm cho rằng nhu cầu vốn sẽ tăng vì tìm thấy cơ hội kinh doanh mới. Ông Đoàn Trọng Lý cho biết, năm 2015 công ty tìm lối thoát cho mình bằng cách tìm cơ hội kinh doanh mới. "Bởi vậy hạn mức vay năm nay tăng khoảng 200% so với năm ngoái”, ông Lý cho biết.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongABank cũng tin rằng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ tốt hơn với lý do kết quả kinh doanh năm 2014 tốt hơn đã tạo động lực cho doanh nghiệp.

“Cùng với đó, kinh tế vĩ mô đang tốt dần lên và doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn trong việc tiếp cận vốn vay, dễ vay vốn hơn. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa nhằm nâng cao năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng được Nhà nước triển khai mạnh. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm nay”, ông Kiêm nhận định.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 24/2/2015, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng 0,96%. Đây là mức tăng trưởng khả quan so với những năm trước đó đều tăng trưởng âm. Cụ thể, tháng 2/2014 tăng trưởng tín dụng giảm tới 1,67%. Nhiều quan điểm tin tưởng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ cán đích 13–15%.

Một loạt ngân hàng giảm lãi suất

Với lạm phát thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào, các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất huy động VNĐ, sau khi đã điều chỉnh đáng kể trong năm 2014.

http://bizlive.vn/ngan-hang/chao-von-sieu-re-ngan-hang-dang-lam-xiec-849070.html

Theo Trần Giang/Bizlive

Bạn có thể quan tâm