Sự chăm sóc tận tình từ người thân sẽ giúp bệnh nhân sa sút trí tuệ được sống lành mạnh, an toàn. Ảnh: Prudential. |
“Dạo gần đây có vẻ mẹ tôi rất hay cảm thấy rầu rĩ. Bà gần như chẳng mấy khi nói chuyện, miệng lúc nào cũng chỉ nói muốn chết, bà không có ý chí trong mọi việc, và cũng chẳng cố gắng làm bất cứ chuyện gì. Tôi nghĩ đó có thể là nguyên nhân khiến khả năng ghi nhớ của bà ngày một tệ thêm đi.”
Ở bệnh nhân sa sút trí tuệ còn thường xuất hiện triệu chứng trầm cảm. Khi mắc chứng sa sút trí tuệ, cử động và nét mặt của bệnh nhân trở nên chậm chạp, nếu đi kèm thêm cả triệu chứng trầm cảm, trí nhớ của bệnh nhân có thể còn tồi tệ hơn nữa. Nếu trầm cảm không được điều trị đúng cách, các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể trở nên trầm trọng hơn, do đó tốt nhất bệnh nhân nên đến gặp các chuyên gia về y học sức khỏe tinh thần để được kê đơn thuốc chống trầm cảm thích hợp.
Người bệnh có thể tự nhận mình bị trầm cảm, nhưng cũng có thể không phải như vậy. Khi thấy bệnh nhân lúc nào cũng rầu rĩ, thường xuyên nói muốn chết với nét mặt u sầu, người nhà cần cho họ đi kiểm tra ít nhất một lần xem họ có mắc chứng trầm cảm hay không. Tôi có thể thấy sau khi những bệnh nhân như vậy được dùng thuốc chống trầm cảm đa phần tâm trạng sẽ tốt hơn và khả năng nhận thức cũng được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, có những trường hợp bệnh nhân không nói ra mình bị trầm cảm nhưng quan sát vẻ bề ngoài thì chắc chắn người đó đang bị trầm cảm. Có những bệnh nhân nói mình không bị trầm cảm, “Tôi không sao đâu” hay “Cuộc sống là vậy đó”, nhưng thực tế họ chỉ ở nhà cả ngày, không trả lời câu hỏi của ai, tỏ ra uể oải, nét mặt lúc nào cũng u ám. Những trường hợp như vậy cần phải đến bệnh viện để được tư vấn.
Sau khi nhận được chẩn đoán bị chứng sa sút trí tuệ giai đoạn đầu, bệnh nhân bắt đầu trở nên chán nản, lúc này, người nhà phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, để tránh bệnh nhân mang suy nghĩ muốn tự tử ví dụ như “Sống thế này thì làm gì? Chẳng thà chết quách đi cho rồi”. Và để đề phòng, người nhà cần phải loại bỏ dao, thuốc trừ sâu, v.v. khỏi khu vực xung quanh bệnh nhân.
Thỉnh thoảng bệnh nhân sẽ uống quá nhiều rượu hoặc thường xuyên uống thuốc ngủ. Các loại rượu và thuốc ngủ này làm suy giảm khả năng nhận thức, thúc đẩy quá trình phát triển của chứng trầm cảm, đồng thời khởi phát những hành vi bốc đồng, trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến hành vi tự tử, vậy nên cần đặc biệt lưu ý.
Bệnh trầm cảm không thể được điều trị chỉ bằng sự quyết tâm của bản thân. Bệnh nhân cho dù có nỗ lực để thoát khỏi tình trạng trầm cảm đến đâu, họ cũng không thể kiểm soát tâm trạng của mình theo ý muốn. Cách tiếp cận cơ bản nhất là gia đình ở bên cạnh phải hiểu những khó khăn của bệnh nhân, lắng nghe và động viên họ. Nếu tình trạng bệnh nhân vẫn không cải thiện, hãy cân nhắc điều trị bằng thuốc như thuốc chống trầm cảm.
Bệnh nhân sa sút trí tuệ thường rất dễ rơi vào trạng thái thấp thỏm bất an. Khi các triệu chứng vẫn còn nhẹ, nếu biết bệnh nhân cảm thấy bất an vì điều gì bạn chỉ cần trấn an họ, các triệu chứng sẽ thuyên giảm. Nhưng nếu bệnh tình ngày một nặng hơn, dù bạn có giải thích thế nào cũng không ích gì.
Bởi lẽ những tổn thương trong não bộ khiến họ không hiểu được những lời người khác giải thích, và cho dù có hiểu lúc đó nhưng rồi họ cũng nhanh chóng quên đi. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy bất an mà không vì một lý do gì, đi tới đi lui trong phòng, hai tay không ngừng xoa vào nhau. Họ liên tục tìm kiếm mọi người xung quanh hoặc gọi điện thoại đi đâu đó cho đến khi cảm giác bất an đó được xử lý hết.
Khi bệnh nhân nhận ra trí nhớ của mình đang kém đi và lo lắng mình sẽ làm sai điều gì đó, cảm giác bất an sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Cũng có nhiều trường hợp lo lắng trở nên tồi tệ hơn vì bệnh nhân sợ rằng mình sẽ mắc lỗi và bị người khác chê cười hoặc sợ làm hỏng việc.
“Vào một ngày trước khi phải đến bệnh viện, cảm giác bất an của mẹ tôi trở nên nghiêm trọng hơn. Bà liên tục hỏi tôi ngày mai muộn nhất là mấy giờ phải có mặt ở bệnh viện, và không ngừng lo lắng nếu đến muộn thì phải làm sao. Cho dù tôi có nói đi nói lại nhiều lần và trấn an bà rằng sáng mai sẽ dậy sớm đưa bà đi, nhưng cũng không ích gì. Bà gọi điện thoại cho tôi liên tục… Lúc này tôi mới tức rồi nổi đóa lên và tắt điện thoại giữa chừng…”
Không chỉ trường hợp như trên, tôi còn rất hay gặp những người giám hộ nói với tôi như thế này.
“Dường như sau khi mắc bệnh, bố tôi bị ám ảnh về tiền bạc nhiều hơn. Ông liên tục để ý đến tiền và tài khoản ngân hàng. Gần như ngày nào ông cũng đến ngân hàng để kiểm tra xem tiền trong tài khoản của mình có an toàn hay không. Cho dù tôi có trấn an ông rằng không ai lấy mất tiền của ông đâu, nhưng cũng không có tác dụng gì. Ông lúc nào cũng cảm giác bất an sợ tiền của mình một ngày nào đó sẽ biến mất.”
Các bệnh nhân sa sút trí tuệ thường có ám ảnh mạnh mẽ về tiền bạc hoặc đồ đạc của mình giống như trên. Dĩ nhiên mỗi khi chuyện đó xảy ra, người nhà có thể trấn an họ bằng giọng điệu bình tĩnh, nhưng cũng chỉ được lúc đó. Bệnh nhân sẽ không lắng nghe hoặc sẽ quên ngay tức thì, chẳng bao lâu sau, cảm giác bất an về những chuyện tương tự sẽ lặp lại.
Lúc này người nhà nên chuyển hướng sự chú ý của bệnh nhân sang nơi khác để họ không bị cuốn vào những suy nghĩ quá lo lắng. Khuyến khích họ tập trung vào những thứ mà họ thích hoặc sở thích của họ cũng là một cách hay. Ngoài ra, việc làm cho môi trường xung quanh bệnh nhân trở nên đơn giản nhất có thể và sắp xếp chúng để tránh nhầm lẫn cũng giúp giảm bớt sự bất an của bệnh nhân.
Bình luận