Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trấn an tư tưởng cho người mắc chứng sa sút trí tuệ

Phải đối mặt với việc trí nhớ và khả năng tư duy của bản thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể trở thành gánh nặng của người thân, khiến người bệnh rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Sa sut tri tue anh 1

Bệnh nhân sa sút trí tuệ cần sự động viên, khích lệ từ người thân. Ảnh: Prudential.

Ban đầu khi bị chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ, đại đa số bệnh nhân đều phủ nhận tình trạng đó của mình hoặc tỏ ra tức giận.

“Tôi sao có thể mắc chứng sa sút trí tuệ được, bác sĩ nói gì nực cười vậy. Làm cho tôi mấy bài kiểm tra ngu ngốc đó xong rồi phán một câu xanh rờn là tôi mắc chứng sa sút trí tuệ ư? Tôi không muốn nhìn thấy gương mặt bác sĩ thêm lần nữa đâu.”

Một số bệnh nhân tức giận và rời khỏi phòng khám ngay lập tức. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, đối với những bệnh nhân nhạy cảm, bác sĩ không nhất thiết phải nói cho họ biết sự thật về việc bản thân họ mắc chứng sa sút trí tuệ.

Bệnh nhân có biết chính xác chẩn đoán tên bệnh hay không cũng không có gì khác biệt, vậy nên tôi cho rằng thay vì nói cho họ biết tên bệnh, bác sĩ chỉ cần giải thích đơn giản là khả năng ghi nhớ của họ sẽ bị suy giảm đôi chút, cố gắng động viên để họ cải thiện khả năng nhận thức, giúp họ rèn luyện để họ có thể sống tốt cuộc sống hàng ngày hoặc đời sống xã hội hiện tại.

Phản ứng của bệnh nhân khi nhận được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ rất đa dạng.

‘Vậy là từ giờ tôi có thể bị nhầm lẫn hoặc thậm chí là không nhận ra tên cũng như khuôn mặt của những người sẽ gặp mặt rồi nhỉ. Dù không biết, nhưng tôi cũng phải giả vờ như mình biết và phải giấu nhẹm chuyện mình bị mắc chứng sa sút trí tuệ đi thôi.’

Có bệnh nhân đã nói với tôi như thế và có ý định sẽ tiếp tục cuộc sống như bình thường và cố gắng che giấu chuyện mình mắc bệnh bằng mọi giá. Một bệnh nhân khác thì lại như thế này:

"Sao tôi lại có thể bị sa sút trí tuệ được kia chứ? Tôi chỉ muốn buông bỏ mọi thứ và chết quách đi cho xong. Sống như thế này để làm gì đây? Chỉ làm gánh nặng cho người khác mà thôi. Chẳng thà cứ chết đi còn hơn."

"Tại sao bi kịch này lại xảy ra với tôi? Tôi đã bao giờ làm điều gì sai trái trong cuộc đời này đâu. Thật bất công."

Và còn có những bệnh nhân thể hiện sự uất ức, cùng ý nghĩ muốn tự tử như vậy.

Mặt khác, vẫn có rất nhiều người suy nghĩ theo hướng tích cực, nhưng đa phần những người này đều cho rằng vấn đề họ gặp phải không quá nghiêm trọng.

"Khả năng ghi nhớ tuy có xấu đi đôi chút, nhưng không có vấn đề gì trong cuộc sống. Chỉ là những triệu chứng ở thời kỳ đầu thôi. Hiện tại tôi không gặp khó khăn gì hết. Mọi thứ sẽ ổn thôi mà."

Có người chấp nhận vấn đề của bản thân và nỗ lực để khắc phục bệnh tật, nhưng số lượng những người như vậy không nhiều. Nhìn chung khi nhận được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ, mọi người sẽ trải qua tâm lý sợ hãi, khiếp sợ và thất vọng. Họ thường không thể chấp nhận tình trạng của mình, dẫn đến việc từ chối chẩn đoán nhận được và chìm đắm vào nỗi buồn.

Bác sĩ và gia đình sẽ giúp họ vượt qua giai đoạn này. Dù không phải toàn bộ, nhưng bệnh nhân phải chấp nhận tình trạng của mình ở một mức độ nào đó, thực hiện các phương pháp cải thiện trí nhớ và học các phương pháp đối phó.

Người nhà hãy giúp đỡ bệnh nhân để họ có thể khắc phục tình trạng một cách trưởng thành, và luôn mang những suy nghĩ tích cực theo kiểu "Mình phải cố gắng đến giây phút cuối đời và sống thật tốt mỗi ngày".

Hãy cố gắng giải thích chi tiết về chứng sa sút trí tuệ để giúp bệnh nhân vượt qua nó và khuyến khích họ thích nghi với những thay đổi. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo rằng bệnh nhân không nghĩ rằng: Vậy là từ giờ mình chỉ là một kẻ vô dụng, và cố gắng để lòng tự trọng của họ không bị giảm sút.

Lee Kang Joon/ Light books & NXB Thanh niên

Bình luận

SÁCH HAY