Thông tin này được Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), chia sẻ tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chiều 7/7. Cuộc họp do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.
6 địa phương cấm biển
Báo cáo cập nhật cho thấy tính đến chiều 7/7, 6 địa phương đã ra quyết định cấm biển gồm Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Ninh Bình. Riêng tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới để xem xét việc cấm biển.
Hiện, Bộ Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo và duy trì hơn 264.200 chiến sĩ cùng gần 2.000 phương tiện ứng trực sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 54.300 phương tiện với 232.800 người biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới để tìm nơi tránh trú.
"Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không không quân sẵn sàng sử dụng 5 máy bay trực thăng lắp loa công suất lớn, sẵn sàng hỗ trợ kêu gọi tàu thuyền và các ngư dân vào nơi tránh trú an toàn", Thiếu tướng Doãn Thái Đức thông tin.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trong những giờ tới. Ảnh: NCHMF. |
Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết chiều 7/7, áp thấp nhiệt đới đã đi vào vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.
Tối và đêm nay, hình thái này di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 25 km/h và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 4h sáng 8/7, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.
Những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới giữ hướng đi, giảm vận tốc xuống dưới 20 km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Chiều 8/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực thượng Lào.
Ông Khiêm cho biết chiều nay, vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã quan trắc được gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7. Sóng biển cao 2-3 m, biển động mạnh.
Lên phương án ứng phó thiên tai khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, điểm đáng lưu ý nhất của áp thấp nhiệt đới là hoàn lưu gây mưa lớn đến hết ngày 8/7. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa lớn với lượng phổ biến 100-250 mm/đợt, có nơi mưa trên 300 mm/đợt.
Chuyên gia nhận định vùng mưa lớn tập trung ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An.
Tại Hà Nội, mưa lớn bắt đầu xuất hiện từ chiều nay và kéo dài trong những giờ tới. Người dân đề phòng nguy cơ ngập úng, gió giật làm đổ cây xanh. Ngoài ra, mưa do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc cất cánh và hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, Kiến An, Nội Bài, Vinh.
Trong khi đó, khu vực miền núi đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khi mưa lớn trên 100 mm có thể xuất hiện trong thời gian ngắn, đặc biệt tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ, An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Hoan chủ trì cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới chiều 7/7. Ảnh: Ngọc Hà. |
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết bắt đầu vào mùa mưa bão, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động và huy động tối đa các lực lượng để phòng chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Phó thủ tướng, áp thấp nhiệt đới tuy không lớn nhưng là dịp tổng duyệt và tập dợt các phương án, sẵn sàng lực lượng ứng phó thiên tai cho những tình huống sau này.
Ngoài ra, công tác dự báo cần chính xác, vì nếu dự báo không chính xác thì tai họa rất lớn. Cơ quan khí tượng cần tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị, phối hợp với cơ quan quốc tế để có dự báo chính xác.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới cần lên phương án ứng phó cụ thể, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.