Tối 6/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia phát đi bản tin cảnh báo mưa lớn diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ chiều tối 7/7 đến hết ngày 8/7, các khu vực này hứng chịu một đợt mưa với lượng phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 300 mm.
Mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Đồng thời, khu vực miền núi thuộc Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa và Nghệ An, khả năng có mưa cực đoan với nguy cơ lũ quét, sạt lở.
Đợt mưa này xảy ra do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên Biển Đông. Lúc 19h tối 6/7, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.
Áp thấp nhiệt đới khả năng tăng cấp nhanh trong những giờ tới. Đêm nay và ngày mai, hình thái này đi theo hướng tây bắc với vận tốc 20 km/h và có thể mạnh thành bão. Tối 7/7, tâm bão nằm trên vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (62-74 km/h), giật cấp 10.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên Biển Đông cho thấy hình thái này hướng thẳng vào đất liền phía nam Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Ảnh: VNDMS. |
Sau đó, bão giữ nguyên vận tốc, đi chếch theo hướng tây tây bắc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ đất liền các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ vào sáng 8/7. Lúc này, sức gió mạnh nhất đạt 46 km/h, tương đương cấp 6, giật cấp 8.
Áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển tiếp và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới nằm từ vĩ tuyến 15,5 đến 20,5 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 110,5 đến 107 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của sóng lớn, gió giật mạnh.
Từ đêm nay, vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7 sóng biển cao 2,5-4,5 m.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông có gió Tây Nam cấp 5-6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3 m. Cơ quan khí tượng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển đạt cấp 2.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị lực lượng chức năng các tỉnh/thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến, có hình thức ứng phó mưa lớn như rà soát nhà cửa, chặt tỉa cành cây...
Đồng thời, địa phương ven biển thông tin cho chủ phương tiện và thuyền trưởng tàu, thuyền biết diễn biến của vùng áp thấp để chủ động biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và phương tiện cũng như có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.