Chiều 4/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp cao cận nhiệt đới đang có xu hướng lấn về phía tây thiết lập dần vùng hội tụ gió lên đến 5.000 m ở Bắc Bộ.
Ảnh hưởng của hình thái trên, từ đêm nay (4/7), Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ mưa lớn. Riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ, mưa lớn xuất hiện với lượng phổ biến 80-150 mm/đợt, có nơi trên 250 mm.
Đợt mưa này khả năng kéo dài đến hết ngày 7/7. Người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cũng có thể xảy ra ở các tỉnh miền núi.
Từ ngày 5/7, nắng nóng tạm thời chấm dứt ở các tỉnh miền Bắc. Tại Hà Nội, nhiệt độ cao nhất những ngày tới ở ngưỡng 32-34 độ C. Trời trở mát về chiều tối khi nhiệt độ hạ xuống ngưỡng thấp nhất 27 độ C. Trạng thái này khả năng duy trì suốt tuần tới tại khu vực.
Mưa dông xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước trong những ngày tới, cùng lúc Biển Đông khả năng đón áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF. |
Cùng ngày, cơ quan khí tượng phát đi bản tin cảnh báo về vùng áp thấp đang hoạt động ở miền trung Philippines. Ngày và đêm nay,vùng áp thấp đi theo hướng tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiến vào Biển Đông.
Chiều 5/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.
Sau đó, hình thái này giữ nguyên hướng đi, vận tốc và mạnh lên cấp 7, giật cấp 9. Chiều 6/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240 km về phía đông bắc.
Những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới giảm vận tốc xuống còn 15 km/h và khả năng mạnh thêm.
Bản đồ dự báo Windy cho thấy áp thấp đang hoạt động ở miền Trung Philippines khả năng đi vào Biển Đông chiều tối 4/7. Các mô hình dự báo có nhận định ban đầu vùng áp thấp có thể mạnh thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc.
Dù vậy, cơ quan khí tượng chưa đề cập đến khả năng tác động của áp thấp nhiệt đới tới đất liền nước ta.
Ảnh hưởng của hình thái trên trên kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam có xu hướng mạnh dần lên, từ ngày 5/7, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng biển cao 2-3 m, biển động.
Trong khi đó, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh.