Nhiều người biết tới Yên Ba với vai trò một nhà báo quân đội. Ai đó đam mê thể thao sẽ biết tới Yên Ba trong vai trò một nhà bình luận bóng đá. Nếu ai có thú hoài niệm, chơi sách, thì biết Yên Ba là người sưu tầm sách cũ, tham gia cuộc chơi, đi tìm giá trị qua những trang sách phủ bóng thời gian; đặc biệt có những bộ sưu tập quý giá: bộ Tam Quốc diễn nghĩa, bộ sưu tập sách trinh thám…
Nhưng chưa hết, Yên Ba còn là một người viết, một người dịch về những điệp vụ, điệp báo, thể tài trinh thám chính trị. Ở nước ta, thể loại trinh thám đã ít người viết, trinh thám chính trị lại càng hiếm. Yên Ba đi vào vùng đất thưa vắng đó với cuốn sách đồ sộ Răng sư tử. Nhân dịp ra mắt sách, Yên Ba có cuộc trò chuyện, chia sẻ về cuốn sách.
Lịch sử chân thực được viết qua những tài liệu bí mật
- Từ khi có ý tưởng đến khi cuốn sách dày dặn này ra đời, ông mất bao lâu để thực hiện?
- Tôi viết cuốn này mất khoảng ba năm thôi. Nhưng tư liệu đầu tiên nằm trong chương 1 tôi đã lưu trữ từ năm 1991, trong một tờ báo Nga nói về điệp vụ tình báo. Tôi đã tích lũy tài liệu trong 27 năm để viết.
Nhà báo Yên Ba trong buổi trò chuyện về sách Răng sư tử. Ảnh: Tần Tần. |
- Giữa nhiều dòng trinh thám, say mê sách trinh thám như vậy, tại sao ông chọn trinh thám chính trị?
- Lựa chọn này bắt nguồn từ nghề nghiệp của tôi. Trước sau tôi vẫn là nhà báo chứ không phải nhà văn. Theo dõi mảng quốc tế, nhiều lần tôi chứng kiến tận mắt, nhiều quyết định của cơ quan chính trị đến từ những thông tin đặc biệt.
Những quyết định của nhà hoạch định chính sách gần như phụ thuộc vào thông tin do những cơ quan đặc biệt cung cấp. Nên tôi quyết định chọn chủ đề trinh thám chính trị. Nó diễn giải đời sống chính trị quốc tế ở bề sâu.
Nhiều người viết sách lịch sử, nhưng thời gian qua đi, hóa ra lịch sử không phải như vậy.
Ví dụ, vụ máy bay Mỹ bị bắn rơi trên lãnh thổ Xô Viết, người ta nói Liên Xô đã cải tiến được tên lửa bắn rơi máy bay U2 mà Mỹ rất tự tin (bay ở độ cao 20 km) mà lúc đó Liên Xô chưa có tên lửa bắn cao như vậy. Nhưng theo dõi, hóa ra Liên Xô bắn mò, bắn 3 quả, may mắn 3 quả tên lửa cùng nổ thì mới văng miếng, làm cho phi công gián điệp của Mỹ bị bắn rơi.
Tôi nghĩ lịch sử gần sự thật nhất được viết thông qua tài liệu mật. Tài liệu mật chính xác, không tuân thủ ý chí, quan điểm của ai.
- Quá trình viết cuốn sách đã diễn ra như thế nào?
- Đó là quá trình tôi nghĩ vất vả. Không phải vất vả vì thiếu thông tin, mà thừa thông tin. Giữa một biển thông tin nhiều khi trái ngược nhau. Có nhiều cuốn hồi ký, hồi ức tư liệu đưa vào những thông tin mà thật ra đó chính là thông tin để đánh lừa đối phương chẳng hạn.
Có những thông tin tưởng đã xác thực nhưng không phải. Khi có nhiều nguồn tư liệu khác nhau, điều kiện kiểm tra càng dễ dàng hơn.
- Trước bể thông tin hỗn loạn, ông làm cách nào để chọn ra thông tin xác đáng?
- Khi đó buộc ta phải so sánh, đối chiếu để kiểm tra, nói theo ngôn ngữ của trinh thám là kiểm tra chéo. Tức là phải phối hợp, kết nối, kiểm tra để tìm ra thông tin chuẩn sự thật nhất. Tôi có lợi thế là có thể tiếp cận, tìm hiểu nguồn tư liệu tiếng Anh và các hồ sơ giải mật.
Một trong những nguồn tư liệu đáng quý cho cuốn sách này là tài liệu giải mật được đăng trên mạng hồ sơ của KGB (cơ quan mật vụ của Liên Xô). Các thông tin này do thiếu tá tình báo KGB là Mitrokhin khi đào thoát đã mang theo mấy nghìn trang giải mật, hiện nay đã đăng tải trên Internet.
Hồ sơ này có thể không mang tính chi tiết văn học, nhưng là nền tảng quan trọng về tư liệu để tôi dựa vào đó đối chiếu. Chưa kể, ở nước ngoài có những cuốn sách chỉ dẫn về tình báo, gián điệp, một dạng từ điển chuyên ngành. Đó là tư liệu để đảm bảo tính chân xác cho thông tin tôi đưa ra trong Răng sư tử.
- Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có nói để thực hiện cuốn sách này ông đã phải tham khảo cả nghìn cuốn sách, điều đó có đúng không?
- Chắc là anh ấy nói quá. Tôi không đếm số sách mình đọc tham khảo. Ở phần cuối cuốn Răng sư tử tôi liệt kê ra khoảng 50 cuốn sách mình tham khảo, nhưng trên thực tế số sách tôi tìm hiểu phục vụ cho việc viết sách gấp nhiều lần 50 cuốn. Tôi không thể liệt kê danh sách dài dằng dặc được, chỉ đưa vào những cuốn tôi tìm được ở đó nhiều tư liệu.
Một trong những thuận lợi cho người viết biên khảo hiện nay đó là nguồn tư liệu rất sẵn.
Biên khảo Răng sư tử cho thấy những điệp vụ tình báo quyết định cục diện thế giới trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Tần Tần |
- Ông có ý định viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám không, vì thể loại này dễ hấp dẫn số đông hơn?
- Tôi trước sau vẫn là một nhà báo, nên vẫn viết với tư cách một người làm báo. Những biên khảo như thế này là một hướng nghề nghiệp mà tôi sẽ tiếp tục. Còn viết tiểu thuyết thì tôi phải suy nghĩ xem khả năng của mình đến đâu.
Những điệp viên góp phần thay đổi bản đồ chính trị quốc tế
- Liệu có là quá không khi khẳng định những hành động của điệp viên, các điệp vụ góp phần làm thay đổi cục diện chính trị thế giới?
- Thực tế chứng minh điều đó. Ví dụ nếu như không có tài liệu của một điệp viên, thì rất có thể chiến tranh thế giới thứ 3 đã có thể xảy ra khi Liên Xô hiểu lầm mục đích tập trận của Tây Âu.
Có những cá nhân điệp viên góp phần tác động làm thay đổi thế giới. Richard Sorge là một ví dụ tiêu biểu. Nếu không có thông tin do điệp viên của cơ quan tình báo quân đội Liên Xô này gửi về từ Tokyo trong thời kỳ vận mệnh Liên bang Xô viết thập phần nguy hiểm – thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh với nước Đức Quốc xã, hẳn là nhà lãnh đạo Xô viết Joseph Stalin đã không dám quyết định điều các sư đoàn từ Viễn Đông xa xôi về tăng cường phòng thủ Moscow.
Để đi tới quyết định ấy, nhà lãnh đạo Xô viết phải chắc chắn loại trừ được khả năng Liên Xô phải chống đỡ các đòn tấn công từ phía phát xít Nhật.
Chính việc điều các sư đoàn Hồng quân từ vùng Viễn Đông về tăng cường phong thủ Moscow đã đẩy cục diện cuộc chiến ở thủ đô Liên Xô sang một hướng khác, làm xoay chuyển tình thế của cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô nói riêng và thế chiến Thứ Hai nói chung.
Hoặc với Eli Cohen - điệp viên Mossad - tìm được những thông tin mang tính quyết định giúp Israel chiến thắng các nước Ả Rập trong cuộc chiến sáu ngày năm 1967, đánh chiếm thành công cao nguyên Golan, cứ điểm mang tính chiến lược của Syria. Với tư cách điệp viên, Eli Cohen góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị quốc tế.
- Có vẻ đầy rẫy thuyết âm mưu trong cuốn sách này?
- Rất nhiều âm mưu trong đời sống quốc tế.
Từ trái qua: Nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà báo Yên Ba, nhà văn Bảo Ninh trong buổi trò chuyện về sách Răng sư tử hôm 22/11. Ảnh: ĐA |
- Ông có tiêu chí, biên độ nào trong việc lựa chọn thông tin đưa vào sách?
- Đương nhiên có. Tôi lựa chọn các thông tin, tài liệu với trục chính là cuộc chiến điệp báo giữa các cường quốc phương Tây, và nó phải có móc xích với nhau. Cuốn sách này là biên khảo, non-ficton nhưng nó được viết dưới dạng tiểu thuyết. Đây là sự trộn lẫn linh hoạt giữa các thể loại. Nó đáp ứng hai tiêu chí: Dựa trên tư liệu xác thực, hai là phải hấp dẫn.
Bản thân tư liệu thế giới điệp viên dù đã công khai nhưng vẫn hấp dẫn vì nó chưa được tổng kết, đúc kết lại. Tuy vậy, tính hấp dẫn của một cuốn sách còn ở giọng văn, chứ không nằm ở con số công khai, ngày này ngày kia ông kia bị bắt… Tôi hy vọng mọi người sẽ đọc sách, dù nó rất dày.
- Khi viết về các điệp viên và các điệp vụ, ông muốn nhấn mạnh điều gì?
-Tôi muốn nhấn mạnh bản thân các điệp viên họ cũng là những con người. Họ có sự trung thành và có người phản bội, có đầy đủ sự thấp kém của con người, nhưng cũng có người hành động vì lý tưởng cao cả, không vì tiền bạc vật chất. Ở đây không có thế giới một chiều tôn vinh sự cao cả, anh hùng. Nó là đời sống nên có đủ sắc thái.
- Vậy còn tên sách "Răng sư tử", ông chọn tên đó có ý nghĩa gì?
- Những điệp viên khi họ nhận lời thực hiện một điệp vụ là lúc tự đưa mình vào hàm răng sư tử. Họ sẽ chết dưới nanh vuốt sư tử nếu điệp vụ thất bại. Ngược lại, điệp vụ thành công thì chính họ sẽ là răng sư tử cắm vào đối phương.