Thám tử Kỳ Phát là nhân vật chính trong series truyện trinh thám của Phạm Cao Củng viết ra trong khoảng sáu năm, từ 1936-1942.
Chuỗi truyện phá án của Kỳ Phát đã trở thành một trong những tác phẩm ăn khách thời bấy giờ. Không chỉ là người Việt đầu tiên viết truyện trinh thám, Phạm Cao Củng còn được mệnh danh là “Vua truyện trinh thám Việt”.
Truyện trinh thám lấy cảm hứng từ phương Tây
Mới đây, bộ truyện được tái bản trở lại, giới thiệu tới bạn đọc trẻ một nhân vật thám tử đặc sắc trong văn học Việt. Series Thám tử Kỳ Phát gồm năm cuốn: Đám cưới Kỳ Phát, Nhà sư thọt, Chiếc tất nhuộm bùn, Vết tay trên trần, Kỳ Phát giết người.
Bộ sách Trinh thám Kỳ Phát mới được NXB Công an Nhân dân và Phúc Minh Books ấn hành. |
Mỗi một tập truyện dẫn dắt độc giả đi vào những vụ án đáng sợ, những tình tiết ly kì, những âm mưu thâm độc. Ở Đám cưới Kỳ Phát, chàng thám tử tình cờ gặp một giai nhân trên chuyến tàu định mệnh và nhận chiếc vali duyên nợ, không ai biết Kỳ Phát sẽ có đám cưới hạnh phúc hay chỉ là cạm bẫy chết người.
Ở Nhà sư thọt, Kỳ Phát phải lần theo manh mối để tìm ra hung thủ và những ẩn ức giấu kín. Với Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát chứng minh được khả năng suy luận tài tình khi gỡ được mối rối vụ án từ manh mối duy nhất là chiếc tất.
Trong Vết tay trên trần, Kỳ Phát đứng giữa những lời khai, bằng chứng đầy mâu thuẫn: nạn nhân bị giết trong buồng kín, trên trần nhà có những vết tay nhỏ; trong khi đó con trai nạn nhân khai bố bị một bóng đen bóp cổ, lão bộc lại bảo thấy một bóng trắng đi vào nhà. Nhiệm vụ của chàng thám tử là phải tìm được lời giải cho bài toán mà mọi lời khai, nhân chứng chỉ làm rối thêm sự việc.
Đối với Kỳ Phát giết người, chàng thám tử phải đối mặt với vụ án mà chính anh cũng là nạn nhân. Khi tới gặp người tình cũ, Kỳ Phát được biết chồng nàng mới qua đời. Nhiệm vụ của chàng thám tử là phải dùng tài trí của mình để vạch ra kẻ chủ mưu và tìm được con trai cho người yêu cũ.
Qua các truyện, Kỳ Phát hiện lên với dáng dấp thư sinh, đôi lưỡng quyền cao, cặp mắt đăm đăm đen láy, bình thường rất ít khi mở miệng. Đó là một thám tử thông minh, logic, luôn đề cao lý trí, lấy suy luận làm phương pháp phá án…
Trong cuốn hồi ký của mình, Phạm Cao Củng viết nguồn cảm hứng để ông tạo ra Kỳ Phát chính là nhân vật trong tác phẩm của Maurice Leblanc. “…Arsène Lupin có nhiều mưu mô thực tài tình, nhiều khi lại tỏ ra là một tay đại đạo nghĩa hiệp. Bởi vậy tôi nghĩ dựng ra một nhân vật chính trong loạt truyện trinh thám của tôi: đó là anh chàng thám tử Kỳ Phát, tuy làm thám tử tư (chứ không chuyên nghề trộm cắp), nhưng cũng có tính tài hoa, bay bướm giống như Arsène Lupin vậy”, sách Hồi ký Phạm Cao Củng viết.
Truyện Kỳ Phát khiến nhiều độc giả một thời say mê. |
Tác giả cũng giải thích đặt tên nhân vật Kỳ Phát theo tên một người bạn thân: “Sở dĩ tôi dùng cái tên Kỳ Phát này là vì cũng học năm thứ nhất trường Bách Nghệ bấy giờ có Đặng Kỳ Phát. Phát trắng trẻo dễ thương như con gái và hết sức yêu mến tôi… Chính vì tôi yêu mến người bạn nhỏ này mà lấy tên Kỳ Phát làm nhân vật chính trong loạt truyện trinh thám”.
Các truyện về Kỳ Phát được Phạm Cao Củng gửi đăng nhiều kỳ liên tiếp trên tờ tuần báo Loa, xuất bản tại Hà Nội, mà chủ nhiệm kiêm chủ bút là Dương Mậu Ngọc. Mậu Ngọc báo Loa thường ký là Côn Sinh dưới các tranh vẽ.
“Côn Sinh đọc loạt truyện trinh thám Kỳ Phát đăng liên tiếp nhiều kỳ trên báo Loa thích lắm, nên viết thư ra Hải Phòng mời tôi về Hà Nội gặp anh”, Phạm Cao Củng viết. Trong cuộc trò truyện tới 1h đêm về Kỳ Phát, ông chủ bút Côn Sinh đã khuyên Phạm Cao Củng giữ nguyên con người nhân vật Kỳ Phát, không thay đổi, tránh giống nhân vật Lê Phong (một nhân vật trinh thám cũng rất nổi tiếng thời đó của Thế Lữ) đang bị “Tây” quá.
Nhân vật thám tử đậm chất Việt
Thám tử Kỳ Phát ra đời trong buổi giao thời, khi văn hóa phương Tây bắt đầu len lỏi vào cuộc sống thị dân Việt Nam. Khi đó, bạn đọc Việt được tiếp xúc với những tác phẩm trinh thám kinh điển như Conan Doyle, Agatha Christine, Emile Gaboriau… từ đó độc giả có nhu cầu được đọc những tác phẩm trinh thám mang tính chất Việt. Phạm Cao Củng đã tạo ra nhân vật Kỳ Phát đáp ứng mong mỏi đó.
Nhà văn Phạm Cao Củng có lần chia sẻ ông luôn ước ao viết được những truyện trinh thám xảy ra trong xã hội Việt Nam, vai chính phải có được tính cách hoàn toàn Việt Nam.
Dù học tập truyện trinh thám Phương Tây nhưng Phạm Cao Củng đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống Việt Nam, tính cách Việt Nam. Phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức.
Nhân vật Kỳ Phát có những tính cách như coi thường giàu sang quyền thế, luôn sát cánh với người dân thấp hèn, không quản hiểm nguy, miễn làm sáng tỏ chính nghĩa… Kỳ Phát tôn trọng pháp luật, song càng coi trọng tình cảm, đạo đức, nên nhân vật này mang dáng dấp các hiệp sĩ trong văn chương Á Đông.
Nhà văn Phạm Cao Củng và vợ. |
Tính Việt Nam trong tác phẩm Phạm Cao Củng được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá cao. Trong cuốn Nhà văn hiện đại (xuất bản năm 1943), Vũ Ngọc Phan viết: “Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương rồi cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai Pháp”.
“Nếu xét truyện trinh thám của Phạm Cao Củng trong phạm vi tương đối, người ta thấy đến nay ở nước ta, trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn cả”, Vũ Ngọc Phan nhận xét.