Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Điệp viên 007’ góp phần định vị thể loại trinh thám chính trị

Không có lịch sử lâu đời như các thể loại văn chương khác, song trinh thám chính trị luôn có sức hút đặc biệt với đông đảo độc giả, tiêu biểu là loạt tác phẩm về James Bond.

Nhà báo Yên Ba không chỉ nổi tiếng trong giới chơi sách với bộ sưu tập sách Tam Quốc diễn nghĩa. Ông còn là người say mê sách trinh thám và sưu tầm thể loại này. Trong tủ của mình, Yên Ba có khoảng 500 - 600 cuốn sách trinh thám chính trị cả sách tiếng Việt và ngoại văn.

Nhân dịp ra mắt cuốn biên khảo trinh thám chính trị Răng sư tử hôm 22/11, nhà báo Yên Ba giới thiệu một phần bộ sưu tập sách trinh thám của mình. Tròn 100 cuốn sách trinh thám chính trị, trong đó rất nhiều cuốn cũ đã trở nên quý hiếm, được trưng bày tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Cùng việc trưng bày sách, nhà báo Yên Ba cũng tóm tắt về dòng chảy thể loại trinh thám chính trị qua những cuốn sách.

Ra đời muộn, là thể loại gây tranh cãi

Dòng sách trinh thám nói chung ra đời tại Mỹ ở thế kỷ 19. Ông tổ trinh thám là Edgar Allan Poe với ba tác phẩm mở đầu là Vụ án ở đường Morgue, Bí mật của Marie Roger, Lá thư bị đánh cắp. Tất nhiên Edgar Poe còn viết nhiều thể loại như thơ, truyện kinh dị, nhưng ông là người mở đầu dòng văn học trinh thám.

Dong chay sach trinh tham chinh tri anh 1
Edgar Poe - ông tổ truyện trinh thám. Ảnh: Smithsonian. 

Sang thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện hàng loạt nhà văn viết truyện trinh thám, trong đó nước Anh có nhiều tác giả nổi bật như Conan Doyle, nữ hoàng trinh thám Agatha Christie. 

Agatha Christie cho đến nay vẫn là nhà văn có số tác phẩm bán chạy nhất thế giới. Conan Doyle với nhân vật Sherlock Holme trở nên kinh điển. Nhưng các tác phẩm đó là tiểu thuyết trinh thám, có hung thủ giết người và đi tìm thủ phạm, phá án.

Từ sau Thế chiến II, trong văn học bắt đầu xuất hiện dòng trinh thám chính trị. Do thời cuộc đưa đẩy, các nhà văn bắt đầu viết cuộc chiến giữa các lực lượng với nhau, dòng này được gọi là trinh thám chính trị.

Tuy nhiên tên gọi này chưa được thống nhất. Ở phương Tây gọi là “sách gián điệp”. Ở các nước khác, độc giả thường quen gọi là “truyện tình báo” hoặc “truyện phản gián”.

Dong chay sach trinh tham chinh tri anh 2
Một góc trưng bày bộ sưu tập sách trinh thám chính trị của nhà báo Yên Ba. Ảnh: Tần Tần. 

Những tranh luận về thể loại trinh thám chính trị dường như kéo dài bất tận. Người thì xếp nó vào dạng tiểu thuyết tư liệu, người coi nó là tiểu thuyết chiến tranh… Thể loại này là đứa con lai, một đứa con rất đẹp nhưng không hoàn toàn được thừa nhận.

Dù có được phân định hay không, thì thể loại này vẫn có những tác giả và tác phẩm hay.

Thể loại luôn có sức hút đặc biệt

Cho tới khi Điệp viên 007 của Ian Flaming xuất hiện, cả thế giới đều biết tới truyện trinh thám chính trị. Ian Flaming là một điệp viên có năng lực đặc biệt: tái tạo lại công việc của mình dưới dạng tiểu thuyết.

Ông đã viết 14 cuốn về 007, trong đó hầu hết tác phẩm đều được chuyển thể lên màn ảnh. Nó trở nên thời thượng phổ biến hơn khi được chuyển thể điện ảnh. Series này buộc người ta công nhận dòng trinh thám chính trị.

Ngày nay, có thể ít người đọc sách Điệp viên 007 nữa, nhưng cuộc đời của James Bond vẫn tiếp nối. Bởi sau khi Ian Flaming qua đời, công ty bản quyền vẫn bán bản quyền cho những nhà văn viết tiếp tác phẩm với nhân vật 007.

Những bộ phim về 007 tiếp tục ra đời, như Skyfall là ví dụ tiêu biểu. Loạt phim về 007 luôn nằm trong danh sách những phim ăn khách nhất mọi thời đại.

Dong chay sach trinh tham chinh tri anh 3
Một số sách về James Bond trong sưu tập của nhà báo Yên Ba. Ảnh: Tần Tần. 

Cùng trong thời điểm với Ian Flaming viết 007, có một tác giả viết trinh thám chính trị nổi bật khác là Graham Greene, tác giả Người Mỹ trầm lặng. Một cuốn trinh thám chính trị ông viết rất nổi tiếng là Người của chúng ta ở Havana, nói về hoạt động của CIA ở Cuba.

Đầu những năm 1960, có một điệp viên Anh tên là David Coen viết sách. Ít người biết đến tên David Coen, nhưng đông đảo độc giả biết tới điệp viên này với bút danh khác là John le Carrie. Ông vốn là một điệp viên tình báo ở Anh, hoạt động trong Thế chiến II, có thời gian hoạt động ở Áo. David Coen gia nhập cơ quan tình báo Anh MI6.

Khi vẫn là điệp viên của MI6, ông viết hai cuốn trinh thám. Sau đó, ông đưa bản thảo tới sếp của mình, cấp trên bảo cơ quan tình báo Anh không ngăn các điệp viên viết sách.

Tuy nhiên ông phải đổi tên tác giả, dù có viết về đời sống con bướm vẫn phải đổi tên chứ đừng nói là viết về hoạt động tình báo. Trong một lần đi ngoài phố, Coen nhìn thấy tên một hiệu may có biển hiệu “le Carré”, ông lấy làm tên tác giả cho tác phẩm của mình.

Tác phẩm nổi bật nhất của ông là Điệp viên trở về từ vùng đất lạnh. Khi ra đời, tác phẩm trở thành quả bom của ngành xuất bản, trở thành cuốn sách best-seller trong các bảng xếp hạng mọi tờ báo lớn. Tác phẩm được tái bản nhiều lần, riêng nhà báo Yên Ba đã sở hữu tới hơn 40 phiên bản khác nhau của Điệp viên trở về từ xứ lạnh.

Từ John le Carré, trinh thám chính trị có vị thế chững chạc trong làng văn học. Điệp viên trở về từ xứ lạnh nằm trong top 25 tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại. Sau John le Carrie, trinh thám chính trị được thừa nhận khắp nơi trên thế giới, các tác giả viết dòng này luôn có tác phẩm thu hút đông đảo bạn đọc.

Dong chay sach trinh tham chinh tri anh 4
Ván bài lật ngửa là tác phẩm trinh thám chính trị được yêu thích, càng phổ biến hơn khi được dựng thành phim.

Có một nhánh rẽ của văn học trinh thám, là truyện phản gián của Liên Xô, trong đó có tác phẩm nổi bật là Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân (tác giả Yulian Semyonov).

Ở Việt Nam, sách trinh thám chính trị mới manh nha. Tác phẩm thành công nhất, được rất nhiều bạn đọc yêu thích là Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trần Thiên Lý (Trần Bạch Đằng).

Trần Bạch Đằng có rất nhiều tư liệu thông tin về Phạm Ngọc Thảo, nên ông viết tác phẩm Ván bài lật ngửa, xây dựng thành công nhân vật Nguyễn Thành Luân.

Một tác phẩm nổi tiếng khác là X30 phá lưới (tác giả Đặng Thanh) viết về nhà tình báo Phan Thúc Định. Tác phẩm vượt biên giới quốc gia, được dịch và xuất bản ở Nga, Mỹ, Nhật, Bulgaria.

Ông cố vấn: Hồ sơ một điệp viên (Hữu Mai) cũng là tiểu thuyết nổi tiếng viết về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ. 





Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm