Chân Tử Đan có thể nổi danh tại châu Á, nhưng phải mất hai thập kỷ dài, anh mới được khán giả phía bên kia bờ Thái Bình Dương thực sự để ý tới dù từng tham gia Blade II (2004). Đó chính là nhờ Diệp Vấn - bộ phim võ thuật xoay quanh nhất đại tông sư môn phái Vịnh Xuân quyền năm 2008.
Như cuộc phỏng vấn với tờ The Hollywood Reporter đã tiết lộ, khi Chân Tử Đan tới nước Mỹ, họ thường gọi anh là Diệp Vấn và bản thân ngôi sao thì nhận được một cuộc điện thoại tri ân từ “Người Sắt” Robert Downey Jr.
Lý do trở lại thương hiệu Diệp Vấn
Hồi đầu năm 2014, dù bị giới phê bình chê bai đủ đường, Tây du ký: Đại náo thiên cung vẫn kiếm được tới hơn 1 tỷ nhân dân tệ tại Trung Quốc. Trong phim, Chân Tử Đan sắm vai Tề Thiên Đại Thánh. Nhưng rồi anh quyết định không tham gia phần hai, nhường lại vai diễn cho Quách Phú Thành trong tác phẩm sắp sửa ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2016.
“Vừa sắm vai chính, vừa làm chỉ đạo võ thuật rất vất vả. Nhưng điều quan trọng là tôi đã cống hiến tất cả cho nhân vật. Tôi nói với đạo diễn Trịnh Bảo Thụy và các nhà đầu tư rằng nếu mình tham gia phần 2, đó sẽ chỉ là sự lặp lại đầy nhàm chán”, ngôi sao chia sẻ với tờ South China Morning Post.
Chân Tử Đan rốt cuộc cũng thực hiện Diệp Vấn 3 sau 5 năm kể từ phần hai. Phim mới ra mắt tại nhiều thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, trước khi đặt chân tới Bắc Mỹ từ 22/1. Ảnh: Pegasus |
Giống như vậy, sau khi Diệp Vấn 2 trở thành bộ phim ăn khách nhất Hong Kong năm 2010 với 43 triệu HKD, Chân Tử Đan cũng không có ý định tham gia hay thực hiện tiếp phần ba, dù nhân vật võ sư nổi tiếng vẫn là chủ đề được công chúng quan tâm. Bằng chứng là việc The Grandmaster - Nhất đại tông sư của đạo diễn Vương Gia Vệ, cũng xoay quanh Diệp Vấn và do Lương Triều Vỹ thể hiện, thu tới 300 triệu nhân dân tệ tại Trung Quốc và gặt hái hàng loạt giải thưởng điện ảnh danh giá năm 2013.
Nhưng rồi sau 5 năm, Chân Tử Đan đã hoàn thành Diệp Vấn 3, với lý do rằng: “Tôi nghĩ đây chính là tác phẩm biểu tượng cho toàn bộ sự nghiệp của mình. Tôi từng thực hiện vô số bộ phim hành động trước Diệp Vấn. Nhưng đây là lần đầu tiên một tác phẩm giúp tôi giành được tình cảm của công chúng, thu hút thêm nhiều fan trên khắp toàn thế giới, chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi”.
Diệp Vấn (1893 - 1972), tên thật Diệp Kế Vấn, là một võ sư nổi tiếng người Trung Quốc. Ông được xem là người có công lớn trong việc hình thành và quảng bá hệ phái Vịnh Xuân quyền tại Hong Kong. Một trong những đệ tử thành danh của ông chính là ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long.
Bộ phim Diệp Vấn năm 2008 lấy bối cảnh thập niên 1930, khi người võ sư không mở lớp dạy học trò mà chỉ sống thầm lặng ở nhà với vợ, tập luyện và nghiên cứu võ nghệ với bạn bè tại Phật Sơn. Khi phát xít Nhật đặt chân tới Trung Quốc, Diệp Vấn bị cuốn vào vòng xoáy thời đại, buộc phải giao đấu với những kẻ xâm lược. Không chỉ giành thắng lợi tại phòng vé, bộ phim nhận 12 đề cử tại giải thưởng Kim Tượng 2009 và giành chiến thắng ở hạng mục Phim truyện xuất sắc.
Bước sang phần hai, Diệp Vấn cùng vợ di cư sang Hong Kong, tiếp tục phải đối mặt với những người Anh cao ngạo. Cũng giống như hai tập trước, Diệp Vấn 3 do đạo diễn Diệp Vỹ Tín thực hiện, lấy bối cảnh Hong Kong cuối những năm 1950. Giờ Diệp Vấn đã có cuộc sống ổn định bên vợ con. Nhưng khi chính quyền làm ngơ trước những kẻ ngoại quốc có tiền, muốn chiếm lấy ngôi trường mà cậu con thứ Diệp Chính của ông theo học, người võ sư không thể ngồi yên.
Mời nhà cựu vô địch quyền anh hạng nặng Mike Tyson đến Diệp Vấn 3 là ý tưởng của đạo diễn Diệp Vỹ Tín. Nhưng Chân Tử Đan cho rằng đây không phải là điều quan trọng nhất của bộ phim. Ảnh: Pegasus |
Nhân vật có cuộc đấu với Frank - tay buôn bán nhà đất bất chính do Mike Tyson thể hiện, cũng như đứng trước thách thức từ cao thủ Trương Thiên Chí (Trương Tấn) - người muốn phân định xem đâu mới là Vịnh Xuân chính tông.
Chân Tử Đan tiết lộ: “Mike Tyson là ý tưởng của Diệp Vỹ Tín. Nếu chúng tôi có làm phần bốn, có lẽ tôi sẽ đấu với người ngoài hành tinh chăng? Không phải. Diệp Vấn 3 có những màn đánh võ, nhưng đây thực chất là tác phẩm xoay quanh ý nghĩa cuộc đời của mỗi con người”.
Điều thú vị là đối thủ còn lại của Chân Tử Đan trên màn ảnh, Trương Tấn, là người nổi danh sau Nhất đại tông sư. Khi bộ phim của đạo diễn Vương Gia Vệ được thực hiện, đoàn làm phim Diệp Vấn, trong đó có cả Chân Tử Đan, từng có lần “lời qua tiếng lại” trên mặt báo với dự án đó, đặc biệt là về chuyện tranh chấp tên phim.
Không chỉ dừng lại ở đó, Diệp Vấn 3 còn thay thế Hồng Kim Bảo bằng Viên Hòa Bình ở vị trí chỉ đạo võ thuật. Đạo diễn họ Viên cũng chính là người đứng sau các pha hành động của Nhất đại tông sư và thắng giải Chỉ đạo hành động xuất sắc tại giải thưởng Kim tượng 2014.
Khi còn là một cậu thiếu niên, Chân Tử Đan có quãng thời gian tập luyện với đội wushu Bắc Kinh và gặp gỡ Viên Hòa Bình khi đội tuyển của mình tới Hong Kong. Sau này, người chỉ đạo hành động chọn anh cho vai chính bộ phim Thái Cực Túy quyền (1984). Kể từ đó, Chân Tử Đan luôn coi Viên Hòa Bình là sư phụ trong con mắt mình.
Với Diệp Vấn 3, Chân Tử Đan luôn dành trọng sự tin tưởng cho sư phụ. Anh nói: “Viên Hòa Bình luôn tạo ra các thế võ tùy theo người diễn viên. Tôi không bao giờ lo mình phải lặp lại những gì ông ấy đã làm cho Lương Triều Vỹ ở Nhất đại tông sư. Viên biết thành công của hai tập phim trước ra sao, nên ông ấy đã tìm mọi cách để giúp Diệp Vấn 3 đạt được kỳ vọng của công chúng”.
Từ Ngọa hổ tàng long 2 tới giấc mơ chinh phục Hollywood
Trong thời gian qua, Chân Tử Đan và Viên Hòa Bình cũng mới cùng nhau hoàn tất Ngọa hổ tàng long 2, chuẩn bị ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán 2016. Đây là phần tiếp theo của tác phẩm hành động kiếm hiệp nổi tiếng năm 2000 do Lý An thực hiện, từng nhận bốn giải Oscar. Tuy nhiên, nó gặp không ít chỉ trích sau khi đoạn trailer được tung ra, cho thấy phim sẽ sử dụng hoàn toàn tiếng Anh.
Tuy nhiên, Chân Tử Đan lại có cái nhìn khác về vấn đề đó. Anh cho biết: “Họ đã thai nghén dự án nhiều năm trời. Ban đầu tôi nghĩ thật khó để có thể nối tiếp những gì Lý An đã làm. Nhưng nhà sản xuất Harvey Weinstein đã thuyết phục và đưa tôi đến dự án. Tác phẩm chứa đựng những ý tưởng và góc nhìn hoàn toàn mới mẻ so với phần một.
Còn chuyện sử dụng tiếng Anh không phải là vấn đề lớn. Như với The Last Emperor của Bernardo Bertolucci, dù lấy bối cảnh Trung Quốc nhưng dùng ngôn ngữ là tiếng Anh và vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Hay như Kung Fu Panda bởi đó thực chất cũng là một phim kiếm hiệp. Nói cách khác, chúng tôi không muốn bó buộc mình chỉ ở các thị trường Hoa ngữ. Ngọa hổ tàng long 2 thu hút không ít khán giả quốc tế và họ sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái với ngôn ngữ tiếng Anh”.
Từ đó, Chân Tử Đan đem đến một chia sẻ thú vị khác: “Tôi sẽ tập trung cho các bộ phim ngoại trong tương lai”. Điều đó là sự thật khi anh đang chuẩn bị hoàn tất Rogue One: A Star Wars Story (2016) - tác phẩm ngoại truyện của Chiến tranh giữa các vì sao, kể lại các sự kiện diễn ra ngay trước Star Wars Episode IV: A New Hope (1977).
Do hợp đồng đã ký với Disney, ngôi sao không thể tiết lộ chi tiết về dự án, mà chỉ có thể cho biết rằng mình “sẽ tham gia nhiều cảnh hành động. Tôi lần đầu xem Star Wars khi mới 14 tuổi. Không thể tin nổi hơn ba thập kỷ sau đó, tôi lại trở thành người Trung Quốc đầu tiên có mặt trong thương hiệu phim khoa học viễn tưởng lừng danh”.
Diệp Vấn 3 có thể là phim võ thuật cuối cùng trong sự nghiệp
Trở lại Diệp Vấn 3, thêm một lần nữa Chân Tử Đan cho rằng đây là lần cuối anh sắm vai nhất đại tông sư môn phái Vịnh Xuân quyền, hay thậm chí là thực hiện một tác phẩm hành động võ thuật.
Chân Tử Đan bộc bạch: “Tôi đã làm phim võ thuật quá nhiều năm rồi. Tôi không nghĩ còn nhân vật nào có thể đem tới cho mình cảm giác thỏa mãn như Diệp Vấn. Với ba tập phim, giờ là thời điểm thích hợp để khép lại tất cả. Nếu khán giả có yêu cầu thêm một tập phim Diệp Vấn nữa, tôi không chắc. Nhưng tôi thực sự hy vọng đây là bộ phim võ thuật cuối cùng trong sự nghiệp của bản thân”.
Chân Tử Đan muốn Diệp Vấn 3 là tác phẩm hành động võ thuật cuối cùng trong sự nghiệp bởi đây là nhân vật đem đến cho anh nhiều sự thỏa mãn nhất. Ảnh: Pegasus |
Ngừng đóng phim võ thuật không có nghĩa là ngừng đóng phim hành động. Anh giải thích: “Như Ngọa hổ tàng long 2, đó là phim kiếm hiệp. Sự khác biệt là rất lớn. Phim võ thuật sử dụng nhiều sức mạnh của phần eo và bàn chân, những cú đấm đá... Còn phim kiếm hiệp tập trung vào tinh thần của người đánh võ, thường được chuyển thể từ các nguyên tác võ thuật”.
Chân Tử Đan trấn an người hâm mộ thêm rằng mình vẫn còn rất nhiều nhiệt huyết để thực hiện các tác phẩm hành động hiện đại. “Chỉ là chúng không chứa đựng những cảnh hành động dài như trong phim võ thuật thôi. Tôi muốn được tiếp tục bởi còn rất nhiều ý tưởng sáng tạo mà tôi chưa có dịp thực hiện”.
Hoặc không, hãy đem đến cho Chân Tử Đan một dự án hành động võ thuật sử dụng tiếng Anh. “Như thế, tôi có thể rút lại quyết định mới đưa ra. Bởi tôi rất muốn được đem văn hóa Trung Hoa đến với lượng khán giả mới tại phương Tây, dưới tư cách là một diễn viên và đạo diễn”.
Diệp Vấn 3 hiện được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.