Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện Kremlin lên tiếng về việc cắt khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria

Điện Kremlin ngày 27/4 cho biết việc dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì từ chối thanh toán bằng rúp là kết quả của những hành động không thân thiện đối với Moscow.

“Sự cần thiết phải có một phương thức thanh toán mới là kết quả của những bước đi thiếu thân thiện chưa từng có trong lĩnh vực kinh tế và tài chính do các nước thiếu thân thiện thực hiện để chống lại chúng tôi”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên, theo TASS.

"Sự cần thiết này xuất phát từ thực tế như mọi người đã biết, họ đã ngăn chặn chúng tôi - hay nói thẳng thắn là đã đánh cắp - một lượng đáng kể nguồn dự trữ của chúng tôi", ông Peskov khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng điều đó dẫn tới "một sự chuyển đổi sang hệ thống thanh toán mới".

cat khi dot toi Ba Lan,  Bulgaria anh 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định việc dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria là hệ quả của những hành động không thân thiện đối với Moscow. Ảnh: TASS.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cũng ngày xác nhận đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan sau khi hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

“Gazprom đã đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Bulgargaz và PGNiG do họ không thanh toán bằng đồng rúp”, Reuters dẫn tuyên bố của tập đoàn Gazprom, đề cập đến các công ty khí đốt của Ba Lan và Bulgaria.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga khẳng định Gazprom đã đưa ra quyết định đúng đắn trong việc đình chỉ hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan.

“Điều tương tự cũng nên được thực hiện với các quốc gia không thân thiện khác”, ông Vyacheslav Volodin viết trên kênh Telegram.

Công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG xác nhận nguồn cung từ Gazprom đã bị cắt. Dù vậy, công ty này cho biết "tất cả việc giao hàng cho khách hàng vẫn đang được thực hiện theo yêu cầu".

"Việc cắt nguồn cung cấp khí đốt là vi phạm hợp đồng. PGNiG có quyền yêu cầu bồi thường và sẽ sử dụng tất cả phương tiện hợp đồng, pháp lý hiện có để làm điều đó", công ty này cho biết.

Nguồn cung cấp từ Gazprom chiếm khoảng 50% mức tiêu thụ của Ba Lan. Ba Lan cho biết họ không cần phải dự trữ và kho khí đốt của nước này đã đầy 76%.

Trong khi đó, Bulgaria phụ thuộc đến 90% vào khí đốt của Nga, với mức tiêu thụ hàng năm khoảng 3 tỷ m3. Nước này đã tổ chức các cuộc đàm phán để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng thông qua các quốc gia láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên Nga cắt khí đốt đối với các khách hàng châu Âu kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2 - một động thái cứng rắn để đáp trả lại đòn trừng phạt của phương Tây.

Hồi tháng 3, nước này cảnh báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho các quốc gia “không thân thiện” nếu họ không thanh toán bằng đồng rúp.

Nhà lãnh đạo quốc gia EU duy nhất đề nghị sẽ thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp là Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.

TASS: Áo chấp nhận mua khí đốt Nga bằng đồng rúp

Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 27/4 cho biết công ty dầu khí nước này đã chấp nhận yêu cầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp, qua một tài khoản mở tại ngân hàng của Moscow.

Nga dọa cắt khí đốt, các công ty Mỹ vẫn chần chừ khi giải cứu châu Âu

Dù giá dầu đang tăng mạnh và châu Âu muốn giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga, các công ty dầu khí của Mỹ vẫn chần chừ trong việc đẩy mạnh khai thác để tăng khả năng cung cấp.

Hồng Đậu

Bạn có thể quan tâm