“Chúng tôi tin rằng Mỹ đang 'đổ thêm dầu vào lửa' một cách cố tình và có chủ đích”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên. Ông nói hành động của Mỹ sẽ không giúp ích gì trong việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, theo AFP.
Trước đó cùng ngày, Moscow cũng bày tỏ lo ngại trước kế hoạch gửi tên lửa mới của Mỹ. Việc chuyển giao vũ khí mới của Mỹ cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa tiên tiến, làm tăng nguy cơ kéo Mỹ vào xung đột trực tiếp với Nga, Moscow cảnh báo.
Hệ thống phóng tên lửa M142 Himars của Quân đội Mỹ trong cuộc tập trận Red Flag Alaska năm 2020. Ảnh: Lực lượng Không quân Mỹ. |
Trả lời câu hỏi về khả năng xảy ra đối đầu giữa Moscow và Washington, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng thông tấn RIA Novosti: “Bất kỳ việc cung cấp vũ khí nào tiếp tục đều đang làm gia tăng rủi ro".
Trước đó, giới chức Mỹ ngày 31/5 thông báo đang gửi các hệ thống tên lửa tiên tiến đến Ukraine. Vũ khí mới này là hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) Himars, một đơn vị cơ động có thể phóng đồng thời nhiều tên lửa dẫn đường chính xác, theo AFP.
Hệ thống M142 Himars (hệ thống tên lửa cơ động cao) mà Mỹ sắp gửi cho Ukraine là phiên bản hiện đại hóa, nhẹ hơn và nhanh nhẹn hơn của loại M270 MLRS được phát triển vào những năm 1970 cho lực lượng Mỹ và đồng minh.
Hệ thống tên lửa Himars có tầm bắn khoảng 80 km, giúp quân đội Ukraine nhắm vào các mục tiêu xa hơn của quân đội Nga.
Ông Ryabkov cáo buộc Mỹ quyết tâm "tiến hành chiến tranh (với Moscow)". “Đây là điều chưa từng có, và rất nguy hiểm”, Ryabkov nói.