Tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam đặt chỉ tiêu giành 16 HCV, tương đương thành tích của đội tuyển ở SEA Games 30. Thành tích của đội tuyển ở kỳ đại hội trên sân nhà vượt xa kỳ vọng ban đầu. Trong đó, điểm nhấn là sự vươn lên của một loạt VĐV trẻ, hoặc những "cựu binh" thi đấu bằng phong độ xuất thần trên sân nhà để giành HCV.
Điền kinh Việt Nam trắng tay ở 2 cự ly chạy ngắn của nam và nữ (100 m và 200 m). Đội tuyển hụt HCV ở 4 nội dung 400 m nam, 4x400 m tiếp sức hỗn hợp, 4x400 m tiếp sức nam và 800 m. Nhưng đổi lại, điền kinh Việt Nam giành nhiều HCV bất ngờ.
Zing trao đổi cùng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký VAF về thành tích của đội tuyển tại SEA Games 31. Ông Hùng cho rằng HCV ở nội dung marathon của Hoàng Nguyên Thanh là bất ngờ lớn nhất.
Hoàng Nguyên Thanh giành HCV marathon với thành tích 2 giờ 25 phút 7 giây 84. |
Nhiều HCV bất ngờ
"Trước SEA Games 31, Liên đoàn ước tính tuyển điền kinh chắc chắn giành 13 HCV. Việc đội tuyển kết thúc đại hội với thành tích 22 HCV là điều tuyệt vời. Phía Liên đoàn hạnh phúc và cũng bất ngờ khi chúng ta chạm mốc 22 HCV, trong đó, bất ngờ nhất là HCV của marathon", ông Hùng chia sẻ.
"Marathon là nội dung đặc biệt khắc nghiệt. Điền kinh Việt Nam chưa từng giành HCV ở nội dung này. Do đó, thành tích của Hoàng Nguyên Thanh là bất ngờ và xuất sắc. Với tôi, chiến thắng của Nguyên Thanh ở marathon là HCV quý nhất của Điền kinh ở SEA Games 31", Tổng thư ký VAF nhấn mạnh.
Điền kinh Việt Nam tiếp tục áp đảo ở các cự ly chạy trung bình và dài tại SEA Games 31. Bên cạnh đó, tuyển điền kinh gặt thành công bất ngờ ở vài nội dung ngoài dự tính, điển hình như ném lao nữ (Lò Thị Hoàng, phá kỷ lục SEA Games), 7 môn phối hợp (Nguyễn Linh Na), 100 m rào nữ (Bùi Thị Nguyên), ném lao nam (Nguyễn Hoài Văn), nhảy xa nam (Nguyễn Tiến Trọng).
"Tấm HCV của Linh Na ở nội dung 7 môn phối hợp là đặc biệt. Cô ấy phá kỷ lục tồn tại 17 năm của Việt Nam ở nội dung này. Bên cạnh đó, đội tuyển chứng kiến thêm nhiều bất ngờ, như Bùi Thị Nguyên lật đổ nhà vô địch Emila Nova ở 100 m rào", ông Hùng phân tích tiếp.
Chiến thắng bất ngờ còn diễn ra từ cuộc cạnh tranh nội bộ của tuyển Việt Nam. Lương Đức Phước đánh bại Trần Văn Đảng, giành HCV 1.500 m nam. Trước đó, Văn Đảng là người thắng Dương Văn Thái để giành suất dự SEA Games 31 và là hy vọng vàng của tuyển điền kinh ở nội dung này. Vũ Thị Ngọc Hà vượt qua đàn chị Bùi Thị Thu Thảo để giành HCV nhảy xa.
"Những cá nhân xuất sắc của tuyển điền kinh tại SEA Games vẫn là các gương mặt cũ, như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Văn Lai. Nhưng thành công vượt bậc của đội tuyển có dấu ấn của nhiều VĐV trẻ, tuy thiếu kinh nghiệm, nhưng đã thể hiện tốt. Liên đoàn sẽ còn đầu tư để các VĐV, đặc biệt là những em trẻ giàu tiềm năng tiến xa hơn", ông Hùng khen ngợi.
Linh Na giành HCV "kim cương" ở nội dung 7 môn phối hợp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thái Lan vỡ mộng như thế nào?
Điền kinh Việt Nam tiếp tục dẫn đầu SEA Games, tạo cách biệt 10 HCV với Thái Lan.
Trước SEA Games 31, Siam Sports, trang thể thao hàng đầu Thái Lan, đặt tiêu đề cho bài viết: "Điền kinh Thái Lan và sứ mệnh giành ngôi đầu SEA Games từ Việt Nam". Trang này thể hiện sự thất vọng khi tuyển điền kinh 2 lần xếp sau Việt Nam, do đó chờ đợi cuộc lật đổ tại SEA Games.
Kongsak Yodmaneem, Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan, đặt chỉ tiêu tuyển điền kinh phải dẫn đầu SEA Games. Ông Yodmaneem nhận định tổng HCV của Đoàn Thể thao Thái Lan khó bắt kịp chủ nhà. Nhưng riêng các môn Olympic, đặc biệt là điền kinh, Thái Lan phải dẫn đầu.
Nhưng người Thái một lần nữa vỡ mộng.
Tổng thư ký Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng người Thái có cơ sở khi đặt mục tiêu lật đổ Việt Nam tại SEA Games 31. Ba năm trước, điền kinh Thái Lan giành 12 HCV. Với sự xuất hiện của chân chạy nhập tịch Joshua Atkinson, Thái Lan ước tính giành 4 HCV ở các nội dung 400 m, 800 m, 4x400 m nam và 4x400 m hỗn hợp.
"Atkinson lật đổ VĐV Việt Nam ở 2 nội dung 400 m và 800 m nam. Cậu ấy góp công giúp người Thái hạ chúng ta ở đường chạy 4x400 m nam và 4x400 m hỗn hợp nam nữ. Với 4 HCV của Atkinson, kết hợp các mục tiêu thế mạnh của Thái Lan, về lý thuyết, họ có thể dự tính giành 15-16 HCV và tin vào cuộc lật đổ", ông Hùng phân tích.
"Điền kinh Việt Nam rơi HCV ở khá nhiều nội dung từng chiến thắng ở SEA Games 30. Nhưng đổi lại, chúng ta giật HCV ngay trên tay của họ, như ném lao nữ. Điền kinh Việt Nam giành thêm nhiều HCV bất ngờ, do đó vững vị thế xếp trên Thái Lan", ông Hùng phân tích thêm.
Thành tích của tuyển điền kinh Việt Nam không trọn vẹn, khi thất thế ở các cự ly chạy ngắn. Thần đồng 16 tuổi của Thái Lan, Puripol Boonson, giành 2 HCV nội dung 100 m và 200 m. Sự vắng mặt của Lê Tú Chinh khiến đội tuyển không cạnh tranh nổi ở cự ly ngắn của nữ.
Tổng thư ký Lê Mạnh Hùng thừa nhận Thái Lan đang có chân chạy xuất sắc là Boonson, và cả Atkinson cho các đường đua 400 m. Do đó, Liên đoàn phải tính toán lại để tuyển chọn các VĐV trẻ nổi bật, nhanh chóng đầu tư để không bị bỏ lại ở các cuộc cạnh tranh cự ly chạy ngắn.
"Thái Lan đầu tư rất mạnh cho các nội dung chạy của điền kinh. Họ thuê HLV, chuyên gia với mức lương 8.000 USD-10.000 USD/tháng. Tuyển điền kinh sẽ có kế hoạch đôn các VĐV trẻ ở các cự ly chạy ngắn để chuẩn bị cho tương lai", ông Hùng kết luận.