Mỹ công bố các biện pháp mới để hỗ trợ phát triển các nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Bloomberg. |
Tháng 5 vừa qua, Nhà Trắng đã có kế hoạch công bố các biện pháp mới để hỗ trợ phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới của Mỹ. Đây là nguồn điện có tiềm năng lớn trong việc không phát thải carbon mà theo chính phủ nước này là rất cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu, theo Reuters.
Đồng thời, bộ kế hoạch này sẽ giúp ngành công nghiệp điện hạt nhân chống lại các chi phí an ninh gia tăng và sự cạnh tranh từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên.
Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ
Nhóm các chuyên gia về chính sách khí hậu, khoa học và năng lượng từ Nhà Trắng và Bộ Năng lượng Mỹ đã lên chiến lược làm việc với các nhà phát triển dự án, công ty kỹ thuật, mua sắm và xây dựng, nhà đầu tư… để biến kế hoạch điện hạt nhân thành hiện thực.
Bên cạnh đó, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã công bố một báo cáo phác thảo về mức độ an toàn được kỳ vọng của các lò phản ứng tiên tiến.
Trong khi đó, các nhà phát triển cũng đang tìm ra cách cắt giảm chi phí cho các lò phản ứng hạt nhân mới.
Thực tế, các công nghệ lò phản ứng hạt nhân mới nhất của Mỹ như lò phản ứng Vogtle ở Georgia, đã chậm tiến độ nhiều năm và vượt ngân sách hàng tỷ USD khi đi vào hoạt động thương mại năm 2023 và 2024.
Do đó, Mỹ hiện không xây dựng thêm lò phản ứng hạt nhân mới. Một kế hoạch xây dựng nhà máy công nghệ cao cũng đã bị hủy bỏ vào năm ngoái.
Hiện tại, Mỹ đang là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới với 94 nhà máy hoạt động, chiếm khoảng 30% sản lượng điện hạt nhân toàn cầu.
Tuy Mỹ đã tạm ngưng việc xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân mới, sự phụ thuộc của nền kinh tế số 1 thế giới vào nguồn năng lượng này đã tăng đáng kể. Trong vòng 10 năm kể từ 2012, chi phí phát điện hạt nhân trung bình tại quốc gia này đã giảm từ 51,22 USD/MWh xuống còn 30,92 USD/MWh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân công nghệ cao, theo Bloomberg.
Trung Quốc vượt mặt các nước khác về việc phát triển điện hạt nhân. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, nước này hiện có 56 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 5% nhu cầu điện.
Nghiên cứu của Information Technology & Innovation Foundation, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết Trung Quốc có 27 lò phản ứng đang được xây dựng với thời gian xây dựng trung bình khoảng 7 năm.
Đồng thời, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đang là quốc gia có nhiều lò phản ứng hạt nhân đang được xây mới nhất trên thế giới.
“Việc Trung Quốc triển khai nhanh chóng các nhà máy điện hạt nhân hiện đại hơn theo thời gian đã tạo ra hiệu ứng kinh tế đáng kể, và điều này cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có được lợi thế trong việc đổi mới lĩnh vực này trong tương lai”, nghiên cứu cho biết.
Ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ và các chiến lược địa phương hóa, cho phép Trung Quốc dẫn đầu các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và xe điện.
Trong khi đó, các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản từng bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011, đã trở lại hoạt động từ năm nay. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực khôi phục việc sử dụng năng lượng nguyên tử của Nhật Bản.
Theo đó, lò phản ứng số 2 tại Nhà máy điện hạt nhân Onagawa (Nhật Bản) đang trong quá trình hoạt động trở lại, kể từ khi bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần Tohoku.
Ngày 29/10, Công ty Điện lực Tohoku đã khởi động lại lò phản ứng tại Onagawa. Tuy nhiên, đến ngày 3/11, lò phản ứng này đã phải tạm ngừng hoạt động do xảy ra trục trặc trong quá trình lắp đặt thiết bị đo lường vào trong lò phản ứng.
Đến ngày 13/11 vừa qua, các thanh điều khiển nhằm ngăn phản ứng phân hạch hạt nhân đã được rút ra và lò phản ứng số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Onagawa chính thức tái khởi động. Đây cũng là lò phản ứng đầu tiên được đưa vào hoạt động trở lại ở miền Đông Nhật Bản, tạo nên bước ngoặt tiềm năng trong nỗ lực của chính phủ nước này nhằm khôi phục công nghệ hạt nhân, bất chấp sự lo ngại của người dâng.
Trước năm 2011, điện hạt nhân từng chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng điện của Nhật Bản. Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2023, điện hạt nhân chỉ còn chiếm 6%.
“Nhu cầu điện của Nhật Bản dự kiến tăng lên. Vì vậy, việc khởi động lại nhà máy này là cực kỳ quan trọng đối với nguồn cung cấp điện tại miền Đông Nhật Bản”, ông Yoji Muto, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết.
Nhiều quốc gia có kế hoạch tiếp cận
Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Philippines đang phát triển các kế hoạch nhằm khởi động lò phản ứng hạt nhân vào thập kỷ tới.
Thái Lan đã công bố kế hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2037 và dự kiến kết hợp các lò phản ứng hạt nhân nhỏ (SMR).
Các quan chức cho biết chính phủ sẽ xem xét các địa điểm tiềm năng cho các lò phản ứng, chiếm công suất 70 MW.
Quốc gia này từng nhắc đến việc lắp đặt điện hạt nhân từ những năm 2000, nhưng sự cố tại nhà máy Fukushima Daiichi năm 2011 của Nhật Bản đã khiến những nỗ lực này bị gác lại. Sự phát triển của SMR đã khơi dậy mối quan tâm của Bangkok đối với điện hạt nhân.
Thái Lan đang phải thúc đẩy năng lượng hạt nhân khi các mỏ khí đốt tự nhiên của nước này cạn kiệt và nhu cầu điện liên tục tăng theo nền kinh tế. Bangkok đã cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050, thúc đẩy nhu cầu về một nguồn điện ổn định để thay thế khí đốt và than.
Còn Philippines, quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức tương tự, cũng có kế hoạch vận hành một nhà máy điện hạt nhân thương mại vào đầu những năm 2030.
Manila và Washington đã ký một thỏa thuận về năng lượng hạt nhân dân sự vào tháng 11/2023, cho phép chuyển giao vật liệu, thiết bị và thông tin hạt nhân giữa 2 nước.
Trong quá khứ, Philippines từng cố gắng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan ở Luzon, dưới thời cựu Tổng thống Ferdinand Marcos Sr. Nhưng, kế hoạch mở nhà máy đã bị hủy bỏ không lâu sau đó.
Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á với hơn 270 triệu dân, cũng có kế hoạch lắp đặt công suất điện hạt nhân 1.000-2.000 MW vào đầu những năm 2030.
Tuy vậy, hiện khu vực Đông Nam Á chưa có nhà máy điện hạt nhân nào đang hoạt động thương mại.
Pháp dự kiến tăng sản lượng
Tại châu Âu, đầu năm nay, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đã tăng ước tính chi phí xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân mới tại Pháp lên 30%, tức 73 tỷ USD. EDF vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch và tối ưu hóa chi phí cho các lò phản ứng mới.
Pháp có thể xây dựng 14 lò phản ứng mới vào năm 2050. Ảnh: Bloomberg. |
Vào cuối năm 2026, Pháp sẽ đưa ra quyết định có nên xây tiếp 8 lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn.
Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng Pháp có thể xây dựng tới 14 lò phản ứng mới vào năm 2050. Đây là một phần của kế hoạch biến Pháp trở thành quốc gia trung hòa carbon trong tương lai.
Ngoài việc tăng gấp đôi năng lượng hạt nhân, Pháp sẽ đẩy nhanh việc triển khai năng lượng sạch và nhiên liệu tái tạo, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại nhà, văn phòng và nhà máy.
Tại Anh, sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ vào năm ngoái. Điều này khiến sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch tăng cao, đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của quốc gia này trở nên khó khăn hơn.
Năm ngoái, sản lượng điện hạt nhân tại quốc gia này đã giảm xuống còn 37 TWh. Với 5 nhà máy điện hạt nhân còn hoạt động, Anh dự kiến sản lượng điện sẽ giảm xuống ít hơn vào cuối năm 2026.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.