Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 11 sẽ diễn ra giữa Brussels, "trái tim" của châu Âu, nơi đang gặp những thách thức lớn chưa từng có kể từ ngày thành lập EU, đặc biệt là làn sóng chủ nghĩa dân tộc và phản toàn cầu hóa.
Chủ đề của hội nghị năm nay là: “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”, hướng đến mục tiêu đề ra biện pháp nhằm phát huy vai trò ASEM trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối Á - Âu và đề cao luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Các lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. Ảnh: Reuters. |
3 trụ cột của ASEM
Diễn đàn Á - Âu là khuôn khổ đối thoại và hợp tác phi chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên ASEM cùng lãnh đạo của hai định chế khác là Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.
Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”. ASEM cho phép các nhà hoạch định chính sách trao đổi quan điểm về các thách thức đối với 3 trụ cột của ASEM: các vấn đề chính trị, vấn đề kinh tế và tài chính, vấn đề xã hội và văn hóa.
Các hoạt động của ASEM bao trùm nhiều lĩnh vực từ kết nối, thương mại và đầu tư đến chống khủng bố, khủng hoảng di dân. Hội nghị thượng đỉnh ASEM được kỳ vọng sẽ củng cố vai trò của ASEM như một chất xúc tác cho cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả, nhấn mạnh vào 3 trụ cột trong quan hệ đối tác.
ASEM thành lập ngày 1/3/1996 theo sáng kiến của Singapore và Pháp, với sự ủng hộ của 26 lãnh đạo Á - Âu, đặc biệt từ ASEAN. Qua 5 lần mở rộng, ASEM đã tăng từ 26 lên 53 thành viên, 22 thành viên từ châu Á và 31 từ châu Âu. ASEM có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 12 nước trong nhóm G20, 4 nước BRICS.
Khối đại diện cho 60% dân số thế giới và đóng góp hơn 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu.
Cơ chế hoạt động của ASEM gồm Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, 10 kênh Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành điều phối hoạt động trong các lĩnh vực, và Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM). Bộ máy giúp việc có bốn điều phối viên, gồm 2 thành viên châu Á và 2 thành viên châu Âu. ASEM chưa thể chế hoá và không có Ban Thư ký thường trực.
Vì "một trật tự dựa trên luật pháp"
Chương trình khung của hội nghị ASEM năm nay cho thấy các đối tác sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ đối với một trật tự thế giới dựa trên luật pháp với Liên Hợp Quốc ở cốt lõi, cũng như cam kết chung với thương mại rộng mở, tự do, không phân biệt và kêu gọi thắt chặt kết nối bền vững Á - Âu thông qua 3 trụ cột trên.
Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 sẽ diễn ra ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters. |
Cũng như nhiều định chế hợp tác khác trên thế giới, lãnh đạo các nước ASEM đứng trước thách thức phải chứng tỏ các cơ chế hợp tác đa phương vẫn hiệu quả và toàn cầu hóa có thể mang lại lợi ích cho mọi người.
Vào tối 18/10, các lãnh đạo ASEM sẽ có buổi tiệc tối với Quốc vương Philippe của Bỉ. Sáng 19/10, phiên thảo luận toàn thể đầu tiên sẽ dành cho việc thúc đẩy kết nối và phát triển bao trùm, tiếp theo là phiên họp về việc ủng hộ các hệ thống đa phương và hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Trong phiên thảo luận hẹp, các lãnh đạo sẽ nói về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, quá trình thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc chiến chống khủng bố, an ninh biển và vấn đề di dân.
Hội nghị Cấp cao ASEM 12 do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chủ trì, với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và bà Federica Mogherini, Cao ủy Đối ngoại và An ninh của EU.
Cũng trong dịp này, EU sẽ ký kết với Việt Nam thỏa thuận mới về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) và 3 thỏa thuận mới với Singapore.
Cam kết của Việt Nam
Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với việc đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, phát triển bao trùm, kinh tế số…
Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong - Danube, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mông Cổ khi đó, ông Tsakhiagiin Elbegdorj tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 ở Ulaanbaatar, Mông Cổ vào năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Đóng góp nổi bật nhất của ta bao gồm tổ chức thành công HNCC ASEM 5 (2004), cùng 5 hội nghị bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ - thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012), và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM.
Việt Nam tham gia đề xuất, thúc đẩy 2 lần mở rộng thành viên ASEM và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEM 12. Thủ tướng sẽ phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất về “Cùng vun đắp tương lai: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kết nối bền vững”.
Thủ tướng cũng sẽ đề xuất hai sáng kiến mới của Việt Nam về “Hội nghị ASEM về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế - xã hội tại châu Á và châu Âu” và “Hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” dự kiến diễn ra tại Việt Nam trong năm 2019.
“Những chuyển biến sâu sắc trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa sâu rộng đòi hỏi cộng đồng quốc tế, trong đó có hai châu lục Á - Âu, phải chung tay góp sức hơn nữa để củng cố, duy trì đà hợp tác đa phương nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới”, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn trước chuyến đi của Thủ tướng.