Trong chuyến thăm từ 14-21/10 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch và thăm làm việc tại Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) ở Brussels cùng Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) ở Copenhagen.
Quan hệ đối tác năng động với EU
Trả lời Zing.vn ngay trước chuyến đi, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet đánh giá: "Thông qua cuộc gặp (tại ASEM), EU sẽ khẳng định cam kết ủng hộ VN trong công cuộc cải cách và tiến trình hội nhập quốc tế. Chuyến đi sẽ mở triển vọng cho quan hệ đối tác năng động, vượt trên cả chỉ là quan hệ thương mại hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA)".
“EU và châu Á đang thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp và đa phương. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam ủng hộ EU để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN,” ông nói.
Kể từ khi chính thức kết thúc đàm phán EVFTA cách đây 3 năm, EU đã bước vào quá trình dài về rà soát pháp lý đối với hiệp định (so sánh với các quy định luật hiện hành của EU và các nước thành viên coi có mâu thuẫn) và tiến hành dịch thỏa thuận này ra ngôn ngữ của 28 nước thành viên của khối này.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao VN dự ASEM. Tháng 7/2016, Thủ tướng cũng đã dự ASEM lần thứ 11 ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. Ảnh: VOV. |
Sau chuyến đi của Thủ tướng cùng phiên điều trần mới đây của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ở Nghị viện châu Âu, EVFTA dự kiến sẽ được sớm ký kết vào tháng 11 này tại Brussels.
Đánh giá về triển vọng EVFTA sắp được ký kết, Đại sứ Angelet nói: "EVFTA sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Châu Âu và VN. Hiệp định sẽ nâng nền kinh tế VN lên tầm cao mới về chất lượng, đem lại giá trị thêm cho nền kinh tế".
Nếu tận dụng được hết tiềm năng, theo đại sứ, "VN sẽ bắt đầu các cải cách sâu để đảm bảo sản xuất của họ phù hợp với quy định và tiêu chuẩn của EU, vốn là khó và đòi hỏi nhất thế giới".
"Làm được vậy, VN sẽ bước vào nhóm dẫn đầu của các nền kinh tế cạnh tranh nhất ở châu Á. Đây cũng là cam kết của VN về phát triển bền vững thông qua EVFTA. Với mối nguy ngày càng tăng của chiến tranh thương mại, EVFTA là sự bảo đảm tốt nhất cho Việt Nam".
EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của VN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt xấp xỉ 48 tỷ euro. Các mặt hàng xuất khẩu chính của VN vào thị trường này có: thiết bị điện thoại, đồ điện tử, giày da, may mặc, café, hải sản,… EU cũng là một trong những đối tác có đầu tư FDI lớn nhất ở VN với tổng số vốn cam kết đầu tư cho tới hết năm 2017 đạt 19,2 tỷ euro.
Kim ngạch thương mại VN - EU liên tục tăng mạnh trong những năm qua. Nguồn: Ủy ban châu Âu EC. |
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện tại là "thời cơ vàng" để ký EVFTA. Thủ tướng nhận định việc hai bên ký kết hiệp định thương mại tự do thời gian tới sẽ là cột mốc quan trọng, đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới.
Theo cam kết trong EVFTA, trong vòng 7 năm, EU sẽ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 10 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ trên 99% số dòng thuế đối với nhập khẩu từ EU.
Khẳng định vai trò tại ASEM, cầu nối Á - Âu
Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12), với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”, sẽ họp trong hai ngày 18 và 19/10 tại Brussels, Bỉ, với sự tham gia của 51 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ.
Tham dự ASEM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong hai lãnh đạo cấp cao được mời gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 16. Thủ tướng sẽ đề xuất hai sáng kiến mới của Việt Nam về thúc đẩy phát triển bao trùm và thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Qua hơn hai thập kỷ phát triển từ năm 1996, với sự quy tụ của 53 thành viên, đại diện 60% dân số thế giới và đóng góp hơn 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu, ASEM là diễn đàn đối thoại quan trọng và có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục Á - Âu, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác ở hai khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở bên lề hội nghị ASEM 11 tháng 7/2016 ở Mông Cổ. Ảnh: Báo Quốc tế. |
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động và hợp tác đa phương đứng trước nhiều thách thức, Hội nghị lần này được kỳ vọng là cơ hội để các nhà lãnh đạo ở hai châu lục thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu, đề ra định hướng và biện pháp cụ thể nhằm tạo động lực mới cho quan hệ đối tác Á - Âu, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức.
“Những chuyển biến sâu sắc trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa sâu rộng đòi hỏi cộng đồng quốc tế, trong đó có hai châu lục Á - Âu, phải chung tay góp sức hơn nữa để củng cố, duy trì đà hợp tác đa phương nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới”, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ trước chuyến đi.
Là thành viên năng động, Việt Nam từng tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 năm 2004 và 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của ASEM với 24 sáng kiến đề xuất và đồng bảo trợ 27 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực.
“Tại Hội nghị Cấp cao ASEM 12 lần này, chúng ta cũng sẽ tiếp tục cùng các thành viên đề xuất các sáng kiến, đóng góp thiết thực hơn nữa vào thành công của Hội nghị, góp phần nâng cao vị thế của ASEAN và thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu ngày càng sống động, thiết thực, hiệu quả và đi vào chiều sâu”, Thứ trưởng cho biết.
Việt Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là vinh dự khi Việt Nam là ứng cử viên không chỉ của ASEAN mà còn của cả nhóm 54 nước châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam tự tin sẽ hoàn thành tốt vai trò, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới.
“Bằng việc tham gia và là thành viên tích cực của các diễn đàn đa phương, Việt Nam đang cho thấy sự cam kết và hỗ trợ thiết thực của mình trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu, cũng như cam kết với tự do hóa thương mại, khi vị thế của Hà Nội ngày càng gia tăng”, Nicholas Chapman, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc tế Nhật Bản với mối quan tâm về chính trị Đông Nam Á, nói với Zing.vn hồi tháng 6.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh
Hôm 9/6, phát biểu tại Hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi phát triển kinh tế "đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái là định hướng chiến lược phát triển". Thủ tướng khẳng định "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích năng lượng sạch, các dự án tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, kiên quyết chống xả thải gây ô nhiễm để có các vùng biển xanh, khỏe mạnh”.
Cam kết này sẽ được khẳng định một lần nữa trong chuyến công du châu Âu lần này tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) ở Đan Mạch.
P4G được hình thành trên cơ sở sáng kiến của Đan Mạch nhằm tạo điều kiện và giúp phát triển quan hệ đối tác công tư đóng góp, thúc đẩy tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030 thông qua tăng trưởng xanh, tạo điều kiện cho việc phổ biến các giải pháp và mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp trên toàn cầu.
Đến nay, Diễn đàn P4G có 7 quốc gia tham dự, gồm Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya và Colombia cùng sự tham gia của các tổ chức quốc tế như Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), Viện Tài nguyên thế giới (WRI), State of Green, mạng lưới C40 bao gồm 91 quốc gia và lãnh đạo các doanh nghiệp cũng như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen, P4G đã chọn ra 24 trong 450 sáng kiến dự án tăng trưởng xanh được các quốc gia gửi lên và 2 dự án của Việt Nam lọt vào nhóm được hỗ trợ 100.000 USD.
“Điều này cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của P4G và nỗ lực tham gia Diễn đàn”, Đại sứ nói.
Nhận lời mời của Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch nhân dịp này.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Bỉ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Đan Mạch kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện.
Hiện Bỉ quan tâm thiết lập quan hệ sâu rộng với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Bỉ đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam và là một đối tác quốc tế ủng hộ, đóng góp tích cực vào sự thành công của Việt Nam qua chương trình hợp tác phát triển.
Trong quan hệ Việt Nam – Đan Mạch, hai bên phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại nhiều diễn đàn như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN – EU. Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và thuộc nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam.
Trong những năm qua, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Áo cũng không ngừng phát triển, thể hiện qua những chuyến thăm cấp cao và trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Thương mại song phương giữa hai nước phát triển tích cực, đặc biệt trong hai năm qua. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2016.