Sau khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin tuyên bố quyết định gia nhập NATO, vẫn còn nhiều thủ tục chờ đợi Helsinki ở phía trước. Đi cùng với đó là những rủi ro về an ninh - chính trị, mà kịch bản xấu nhất là một cuộc xung đột quân sự khác nổ ra.
Những thủ tục nào diễn ra tiếp theo?
Về mặt kỹ thuật, Phần Lan chưa chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuyên bố ngày 15/5 của Tổng thống Niinisto và Thủ tướng Marin chỉ mang tính chính trị.
Quyết định gia nhập NATO chỉ chính thức có hiệu lực sau khi được Quốc hội Phần Lan phê chuẩn. Dù vậy, AFP nhận định bước phê chuẩn chỉ có ý nghĩa thủ tục, bởi cả liên minh trung tả cầm quyền và phe cánh hữu đối lập tại Quốc hội Phần Lan đều ủng hộ việc gia nhập NATO.
Chỉ khi được Quốc hội Phần Lan phê chuẩn, quyết định gia nhập mới chính thức có giá trị. Sau đó, đơn gia nhập sẽ được Phần Lan gửi tới Tổng thư ký NATO.
Theo quy định của Hiến chương NATO, để quy trình kết nạp được khởi động, Phần Lan cần nhận được lời mời chính thức từ liên minh, thủ tục đòi hỏi sự đồng thuận từ toàn bộ 30 thành viên.
Sau khi nhận được lời mời, Phần Lan sẽ phải tham gia thủ tục đàm phán gia nhập tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, cùng các chuyên gia của NATO và đại diện các nước thành viên.
Phần Lan tham gia cuộc tập trận chung với NATO. Ảnh: AFP. |
Thủ tục này nhằm xác nhận chính thức cam kết và khả năng của Phần Lan đáp ứng các nghĩa vụ về chính trị, pháp lý và quân sự theo tiêu chuẩn NATO.
Phần Lan cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp bảo đảm nước này sẽ bảo vệ thông tin mật của NATO, chuẩn bị các điều kiện về an ninh, tình báo để phối hợp với các nước thành viên.
Trong giai đoạn cuối của đàm phàn, một thời gian biểu về cải tổ hệ thống an ninh, quân sự, tình báo sẽ được Phần Lan xây dựng và thực hiện. Việc thực thi các cải tổ cần thiết thậm chí có thể tiến hành sau khi đã gia nhập chính thức.
Sau khi kết thúc đàm phán gia nhập, Phần Lan sẽ gửi thư xác nhận việc chấp nhận các cam kết và nghĩa vụ của NATO cho tổng thư ký của liên minh, hiện là ông Jens Stoltenberg. Cùng với thư này là thời gian biểu hoàn thành các cải cách cần thiết.
NATO sau đó sẽ chuẩn bị nghị định thư gia nhập để bổ sung Phần Lan vào danh sách thành viên. Tất cả 30 nước thành viên NATO sẽ phải tiến hành thủ tục pháp lý nội bộ để phê chuẩn nghị định thư này.
Sau khi tất cả thành viên thông báo đến Mỹ đã hoàn thành thủ tục phê chuẩn nghị định thư, Tổng thư ký NATO sẽ mời Phần Lan gia nhập liên minh. Lúc này, Phần Lan cần phê chuẩn nghị định thư gia nhập và gửi tới Bộ Ngoại giao Mỹ để chính thức bước vào gia đình NATO.
Nếu các nước thành viên NATO không rút ngắn thời gian tiến hành đầy đủ thủ tục, toàn bộ quá trình nộp đơn, đàm phán và phê chuẩn có thể tốn một năm.
Những rủi ro về an ninh có thể là gì?
Dù có nhiều thủ tục cần tiến hành trên danh nghĩa, đặc biệt liên quan việc phê chuẩn văn kiện gia nhập, lãnh đạo các nước NATO khẳng định quy trình kết nạp Phần Lan cũng như Thụy Điển sẽ không tốn nhiều thời gian.
Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định Phần Lan, cũng như Thụy Điển, đã có quá trình hợp tác lâu dài cùng NATO. Cấu trúc an ninh, quân sự của hai nước đáp ứng các yêu cầu của NATO, bởi vậy quy trình gia nhập có thể được đẩy nhanh.
Quan ngại lớn nhất lúc này của Phần Lan không phải là thủ tục gia nhập, mà là hậu quả về an ninh, quốc phòng, các mối đe dọa tiềm tàng mà nước này sẽ phải đối mặt trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục gia nhập NATO.
Dù đã khởi động tiến trình gia nhập, Phần Lan vẫn chưa phải là thành viên chính thức của NATO nên sẽ không được hưởng quy chế phòng thủ tập thể theo quy định của Điều 5 Hiến chương NATO. Điều này có nghĩa các nước thành viên NATO không có nghĩa vụ pháp lý tham chiến bảo vệ Phần Lan nếu nước này bị tấn công quân sự.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: AFP. |
Hôm 12/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Phần Lan thời gian qua đã có những động thái không thân thiện. "Điều này là đáng tiếc và buộc chúng tôi phải có phản ứng phù hợp".
Khi được báo chí hỏi liệu việc Phần Lan muốn gia nhập NATO sẽ là mối đe dọa với Nga, ông Peskov trả lời: "Chắc chắn". Ông Peskov nhấn mạnh Nga sẽ xem xét các biện pháp cần thiết để duy trì an ninh trước tình hình hiện nay, TASS đưa tin.
"Mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào quá trình này (Phần Lan gia nhập NATO), hay việc xây dựng hạ tầng quân sự gần biên giới chúng tôi như thế nào", ông Peskov nói.
Tuy vậy, giới chức NATO và các nước thành viên đã khẳng định sẽ có giải pháp để bảo đảm an toàn cho Phần Lan cũng như Thụy Điển trong quá trình chờ gia nhập chính thức.
Từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, giới chức Phần Lan đã làm việc với lãnh đạo hàng loạt quốc gia NATO chủ chốt như Mỹ, Anh, Pháp.
Hôm 11/5, trong chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson tới Helsinki, hai nước đã ký hiệp ước phòng thủ chung. Trước đó, Anh đã ký văn kiện tương tự với Thụy Điển.
Theo thỏa thuận, London cam kết hỗ trợ Helsinki về nhiều mặt, bao gồm quân sự, nếu Phần Lan bị tấn công.
Đầu tháng 5, Nhà Trắng cũng như Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định NATO sẽ tìm ra cách bảo đảm an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển khi hai nước này khởi động quy trình gia nhập liên minh.
Ngoài Anh và Mỹ, Phần Lan hiện nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước thành viên chủ chốt khác của NATO.
Hôm 14/5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết các nước NATO thống nhất không nên có “vùng xám” giữa khoảng thời gian Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn và chính thức tham gia, Reuters đưa tin.
"Nếu (Phần Lan và Thụy Điển) quyết định tham gia, họ có thể nhanh chóng được kết nạp. Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho họ. Không thể có một giai đoạn chuyển tiếp, một vùng xám, nơi mà tình trạng của họ không rõ ràng", bà Baerbock nói.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cũng bày tỏ hy vọng có một quá trình phê chuẩn nhanh chóng nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO.